Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Mùa hè, phụ huynh cần chú ý tới căn bệnh khiến hàng nghìn trẻ tử vong mỗi năm
D.Ngân - 15/05/2023 12:59
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ trên thế giới tử vong bởi căn bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra.

Theo WHO, tiêu chảy cấp thuộc top 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong tại nước ta trong những năm gần đây. Hàng năm có khoảng 125 triệu trẻ em mắc bệnh tiêu chảy do virus Rota và hơn 1 triệu trẻ trên thế giới tử vong bởi căn bệnh này.

Hầu hết là những trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt là tỷ lệ phổ biến hơn ở trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ sơ sinh thường có nguy cơ chuyển nặng hơn do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện và sức để kháng yếu.

Tại Việt Nam, có khoảng 1.100 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy cấp mỗi năm.

Uống vắc-xin là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe trẻ, tránh khỏi căn bệnh tiêu chảy cấp do Rota virus nguy hiểm.

Về nguyên nhân, theo chuyên gia, khí hậu nhiệt đới ẩm là cơ hội cho các loại virus phát triển và gây bệnh. Chính vì thế, bệnh tiêu chảy do Rota virus là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ em chỉ xếp sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính. Hàng năm có khoảng 5% - 8% số lượng trẻ em tử vong do bệnh tiêu chảy cấp Rota virus này.

Thông thường đối với khu vực miền Nam của nước ta thì triệu chứng bệnh tiêu chảy do virus Rota thường xuất hiện vào tháng 3 đến tháng 9 do thời tiết nóng và ẩm.

Còn đối với các tỉnh miền Bắc thì các trẻ thường dễ mắc bệnh tiêu chảy Rota vào mùa xuân - hè. Do vậy đây đang là thời điểm dịch bùng phát mạnh.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, vào mùa hè, số lượng bệnh nhân nhập viện do Rota virus lại tăng cao trong đó có nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng như khô kiệt do mất nước và mất muối, dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời.

Nôn mửa là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy Rota. Triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng từ 6 - 24 giờ trước khi triệu chứng tiêu chảy xuất hiện. Tình trạng nôn mửa sẽ giảm dần khi tiêu chảy xuất hiện.

Khi mắc tiêu chảy, trẻ đi phân lỏng nhiều nước thường có màu xanh và chứa nhầy nhớt dễ nhận biết. Đối với trẻ sơ sinh thường đi ngoài phân lỏng khoảng 20 lần/ngày và đối với trẻ từ 1 - 5 tuổi thường đi trên 10 lần trong ngày.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, khi bị tiêu chảy do Rota virus, cơ thể mất nước thường khiến cho trẻ khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô,… 

Khi nhận thấy các dấu hiệu này, bố mẹ cần bổ sung nước ngày cho trẻ để bù lại lượng nước đã mất do đi ngoài. Nên bổ sung nước khoáng hoặc nước có chứa thành phần muối dành cho trẻ bị tiêu chảy để tránh dẫn đến tình trạng mất nước, mất muối dễ gây tử vong nếu không được bù nước kịp lúc.

Bên cạnh đó, khi bị tiêu chảy do Rota virus, trẻ thường quấy khóc, khó chịu, mệt lã, ăn uống kém, mệt mỏi. Dấu hiệu kèm theo có thể xuất hiện sau tiêu chảy là sốt cao, ho, sổ mũi,…

Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh chuyên gia cho hay do đây là một bệnh truyền nhiễm nên khả năng lây lan của bệnh rất nhanh nếu các biện pháp vệ sinh không được đảm bảo.

Cụ thể, virus Rota có khả năng sinh trưởng mạnh trong môi trường nước nên khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và nước chưa đun sôi hoặc để lâu khi trẻ uống sẽ dễ mắc bệnh. Đối với những gia đình sử dụng máy lọc nước trực tiếp từ nguồn nước cũng cần đảm bảo đun sôi trước khi cho con sử dụng.

Virus Rota có thể truyền nhiễm từ dụng cụ hoặc tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh trước đó. Trẻ có thói quen đưa tay vào miệng khi chơi đùa hoặc khi ăn và trong đó có thể chứa virus Rota vì thế cần tập thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn cho trẻ.

Mặc dù bệnh tiêu chảy Rota là bệnh nguy hiểm đối với trẻ em nhưng hiện nay việc uống vắc-xin đã giúp hạn chế tối đa rủi ro nhập viện, tử vong do loại virus này. 

Theo ước tính, nếu vắc-xin phòng Rotavirut được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam sẽ ngăn ngừa được 83% trường hợp tử vong, 84% trường hợp nhập viện và 70% trường hợp cần khám bác sị vì tiêu chảy do Roto virus.

Hiện nay việc tiêm vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirut đã được triển khai tại Việt Nam. Các bậc phụ huynh có thể cho con uống vắc-xin phòng bệnh tại các bệnh viện sản, nhi và các trung tâm y tế dự phòng trong thành phố và hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec.

Để hiệu quả bảo vệ được tối ưu, nên cho trẻ uống liều đầu tiên càng sớm càng tốt từ 6 tuần tuổi và nên hoàn tất việc uống vắc-xin cho trẻ trong vòng 6 tháng tuổi.

Với tiêu chảy cấp do virus Rota, việc sử dụng kháng sinh là không có hiệu quả. Nếu ở thể nhẹ, bệnh thường không có biến chứng và có thể khỏi sau 5-6 ngày. 

Tuy nhiên, trong thời gian bị nhiễm virus Rota, cơ thể trẻ rất dễ bị mất nước, việc bù nước cho trẻ vô cùng quan trọng.

Cha mẹ có thể bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống Oresol hoặc các dung dịch bù điện giải, nước hoa quả, nước lọc… Trường hợp trẻ không ăn uống được, mệt lả cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bù dịch bằng truyền dịch.

Với trẻ sốt cao >38,5 độ, cha mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp với cân nặng của trẻ. Đồng thời, kết hợp cho trẻ ăn thực ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, đầy đủ chất dinh phù hợp theo lứa tuổi, chia nhỏ nhiều bữa nhỏ, ăn từng thìa nhỏ, không cố ép trẻ ăn, nếu trẻ nôn trớ, cho trẻ nghỉ rồi ăn chậm hơn. 

Hạn chế thức ăn, uống có chứa nhiều đường: sữa tươi, bánh kẹo công nghiệp… vì có thể là tăng tiêu chảy.

Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì sẽ làm giảm nhu động ruột gây liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài, virus sẽ ứ đọng lâu hơn gây chướng bụng, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí tử vong.

Phòng tránh bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm có thể gặp phải dịp Tết
Theo các chuyên gia y tế, dịp Tết do thói quen ăn uống thiếu khoa học khiến các bệnh lý tiêu hóa thường gia tăng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư