Thứ Ba, Ngày 20 tháng 05 năm 2025,
Mỹ phẩm giả tràn lan trên chợ mạng: Bộ Y tế mở đợt truy quét lớn chưa từng có
D.Ngân - 20/05/2025 14:10
 
Bộ Y tế đang tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, trong đó tập trung vào môi trường thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế đang tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, trong đó tập trung vào môi trường thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thời gian qua, Bộ đã ban hành hàng loạt văn bản triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 về xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 về tăng cường công tác chống hàng giả trong tình hình mới.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành các công văn chỉ đạo cụ thể như Công văn số 3005/BYT-QLD ngày 17/5/2025, Công văn số 2965/BYT-QLD ngày 16/5/2025 và Công văn số 1149/QLD-MP ngày 23/4/2025, yêu cầu các địa phương siết chặt kiểm tra hậu mại và tăng cường quản lý mỹ phẩm trên thị trường.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các nội dung chỉ đạo, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đặc biệt, cần chú trọng đến việc phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng tại địa chỉ đã công bố, các doanh nghiệp tự ý thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không thông báo với cơ quan chức năng, cũng như việc thực hiện nghĩa vụ thu hồi sản phẩm không đạt yêu cầu.

Điểm nhấn trong đợt kiểm tra lần này là hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube…

Đây là các kênh bán hàng đang phát triển nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm. Cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, nghi ngờ là hàng giả, cũng như các nội dung quảng cáo sai lệch công dụng, gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh hoặc thổi phồng tính năng vốn có của sản phẩm.

Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, cụ thể là các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP) về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi các Nghị định 129/2021/NĐ-CP và 128/2022/NĐ-CP) về vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo.

Tất cả các loại mỹ phẩm bị nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng hoặc không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng sẽ bị thu hồi và tiêu hủy.

Trường hợp có dấu hiệu hình sự như sai phạm có tổ chức, tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định.

Đối với các cơ sở sản xuất, gia công, nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Cụ thể, các doanh nghiệp không được phép sản xuất hoặc gia công mỹ phẩm tại các cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; chỉ được đưa sản phẩm ra thị trường sau khi đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả sản phẩm.

Đồng thời, doanh nghiệp cần lưu giữ đầy đủ Hồ sơ thông tin sản phẩm (Product Information File - PIF) tại địa chỉ đăng ký và xuất trình khi cơ quan kiểm tra yêu cầu.

Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 các cấp, Chi cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng để siết chặt công tác quản lý mỹ phẩm, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm ngày càng phát triển và tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm.

Bộ Công Thương tổng kiểm tra hàng hóa "nóng" trên thị trường: thuốc, sữa, mỹ phẩm, xăng dầu...
Từ nay đến 17/6, Bộ Công thương sẽ tổng kiểm tra các mặt hàng đang khiến dư luận quan tâm lo lắng như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, mỹ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư