Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Năm 2016, lương tối thiểu vùng tăng thêm 10% hay 15%?
D.Ngân (HQ Online) - 05/07/2015 10:22
 
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan này đang đưa ra dự kiến lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức tăng hơn 10%, tương đương với mức tăng của năm 2015.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

Cũng theo ông Lộc, dự kiến vào cuối tháng 7/2015, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (gồm đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, nhằm kịp thời trình Chính phủ vào tháng 10 tới đây.

Bàn về những ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu với doanh nghiệp và người lao động, ông Lộc phân tích, nếu tăng lương quá cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ mất đi, kéo theo người lao động mất công ăn việc làm, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, còn ngược lại nếu mức tăng quá thấp, người lao động không thể sống được thì cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự phát triển.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mức tăng lương tối thiểu ở mức nào là hợp lý, ông Vũ Tiến Lộc chỉ ra, mức tăng lương được điều chỉnh tới đây phải thể hiện được 3 tiêu chí, vừa bù đắp sự mất giá của đồng tiền (lạm phát), phù hợp với tỷ lệ tăng của năng suất lao động hàng năm vừa phải có được một tỷ lệ tăng thêm nhất định để rút ngắn lộ trình đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động mà Nhà nước đã đặt ra.

"Do đó mức tăng tiền lương tối thiểu vùng mà phía sử dụng lao động đề xuất sẽ vẫn chỉ ở mức hơn 10%, tương đương với năm 2015 chứ khó tăng đột biến", ông Lộc nói.

Tuy nhiên bên lề Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 3/7,  theo ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan này đang đề xuất lương tối thiểu vùng sẽ tăng ở mức 15%.

Ông Phạm Minh Huân cho biết, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu là vấn đề rất lớn và nhạy cảm, có ý nghĩa quan trọng đối với cả phía sử dụng lao động, người lao động cũng như tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của nước ta thời điểm hiện nay.

"Về cơ bản, điều chỉnh lương tối thiểu vùng phải đảm bảo được 2 yếu tố là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động và vẫn duy trì được tính cạnh tranh của doanh nghiệp, sự phát triển ổn định của nền kinh tế", ông Huân nói.

Được biết, tỷ lệ nêu trên mới chỉ dừng lại ở ý kiến chủ quan của mỗi cơ quan liên quan, con số chính thức sẽ được đưa ra sau khi các bên liên quan nhóm họp và đưa ra tỷ lệ tăng chung vào giữa hoặc cuối tháng 7/2015.

Trước đó, nói về lộ trình tăng lương tối thiểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, lương tối thiểu vùng phải cao, đảm bảo theo chỉ đạo cải cách tiền lương là phấn đấu mức lương tối thiểu vùng phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

"Hiện theo báo cáo của cơ quan thống kê, mức lương tối thiểu đang áp dụng chỉ đáp ứng được 63% mức sống tối thiểu. Như vậy, hàng năm các cơ quan quản lý sẽ cập nhật đến khi nào lương tối thiểu bằng cơ bản với mức sống tối thiểu thì lúc đó mới dừng việc đề xuất", Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư