Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Năm 2021, Việt Nam xuất siêu khoảng 3 tỷ USD
Minh Nhung - 26/12/2021 13:06
 
Trong bối cảnh nguồn cung bị đứt gãy, sức cầu thị trường bị suy giảm vì Covid-19, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan, dự báo cả năm xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng của năm 2021 đạt 602,01 tỷ USD, cao hơn kết quả của cả năm 2020 (545,36 tỷ USD), đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Kết quả này càng có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh nguồn cung liên tục bị đứt gãy, sức cầu thị trường bị suy giảm, hoạt động xuất khẩu có thời điểm bị gián đoạn vì Covid-19.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng đạt được ở hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, trong đó có 10 mặt hàng có mức tăng rất cao (tăng trên 1 tỷ USD), gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; sắt thép; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại, linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; xơ, sợi dệt...

Trong 11 tháng, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 7 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (điện thoại, linh kiện đạt 51,93 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện đạt 45,51 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 34,05 tỷ USD; dệt may đạt 29,14 USD; giày dép đạt 15,81 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,36 tỷUSD; sắt thép  đạt 10,84 tỷ USD.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực kinh tế trong nước đạt tốc độ tăng khá (11,8%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao (20,8%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng cũng đạt quy mô lớn với 300,27 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu tăng cao có một phần nguyên nhân do giá nhập khẩu nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào tăng; một phần do tính toán của doanh nghiệp nhập khẩu để bù đắp hoặc đề phòng có thể lại rơi vào trạng thái bị “đứt gãy” nguồn cung hoặc giá cả tiếp tục tăng cao.

Các mặt hàng có giá nhập khẩu tăng cao so với năm 2020 có thể kể đến là: phế liệu sắt thép, quặng và khoáng sản, dầu thô, sắt thép, xăng dầu, phân bón, đậu tương, ngô, bông, xơ sợi…

Ngoài yếu tố giá, nhập khẩu tăng cao một phần còn vì một số nước và vùng lãnh thổ gian lận xuất xứ, “mượn” doanh nghiệp Việt Nam để “tiêu thụ hộ”, “xuất khẩu giùm”.

Tính chung 11 tháng, Việt Nam xuất siêu gần 1,46 tỷ USD, song con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (11 tháng của năm 2020 xuất siêu 2,03 tỷ USD). Mức nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước so với cùng kỳ năm 2020 tăng cả về giá trị tuyệt đối (23,65 tỷ USD so với 12,65 tỷ USD) và về tỷ lệ nhập siêu (29,8% so với 17,8%). Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu, nhưng so với cùng kỳ năm 2020 thì thấp hơn về giá trị (25,16 tỷ USD so với 32,94 tỷ USD) và về tỷ lệ xuất siêu (11,3% so với 17,9%).

Trên cơ sở kết quả đạt được của 11 tháng, dự báo, xuất khẩu cả năm 2021 đạt khoảng 334 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020). Nhập khẩu cả năm 2021 dự báo đạt 331 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2020; xuất siêu năm 2021 đạt khoảng 3 tỷ USD.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2021 sẽ đạt trên 655 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2020 - thuộc hàng cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, tỷ lệ xuất - nhập khẩu/GDP ước tính cũng thuộc hàng cao nhất từ trước đến nay. Những con số này cho thấy độ mở và quy mô của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng tăng lên.

Cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục, 10 tháng xuất siêu 125 triệu USD
Con số vừa được Tổng cục Hải quan cập nhật, trong tháng 10/2021, Việt Nam đã xuất siêu tới 2,74 tỷ USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa thặng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư