Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Năm bản lề của Masan cho những động lực tăng trưởng mới
Đặng Khôi - 17/02/2021 14:38
 
Công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang ra mắt The CrownX với kỳ vọng tạo bước đột phá trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, thông qua việc tích hợp công nghệ phân tích hành vi người tiêu dùng.
Chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+ thuộc Tập đoàn Masan
Chuỗi bán lẻ VinMart/VinMart+ thuộc Tập đoàn Masan

VinCommerce - Mission is possible

Masan Group bước vào năm 2020 với một nhiệm vụ quan trọng, họ nhận về hệ thống bán lẻ hiện đại lớn nhất cả nước VinCommerce từ Vingroup sau thương vụ M&A lên tới hàng tỷ USD. VinMart và VinMart+ thời điểm đó tăng trưởng rất mạnh mẽ, nhưng đổi lại, họ phải chịu những khoản lỗ nặng trong nhiều năm.

Masan Group đặt ra một mục tiêu rất rõ ràng, đưa VinCommerce đạt điểm hòa vốn EBITDA ngay trong năm 2020.

“VinCommerce là hệ thống lớn, chúng tôi không thể tái cấu trúc quá nhanh mà phải từ từ để sự vận hành ổn định và đảm bảo chất lượng phục vụ người mua hàng”, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group từng chia sẻ.

Trên thực tế, VinCommerce đã tìm các biện pháp nhằm tối ưu hóa danh mục sản phẩm. Họ tăng tỷ trọng hàng hóa tươi sống và triển khai các chương trình bán hàng giá tốt nhằm tạo động lực thu hút khách hàng. Mô hình hoạt động của VinMart+ cũng được nghiên cứu điều chỉnh. Các cửa hàng thí điểm được khai trương tại Hà Nội, TP.HCM và sẽ được áp dụng hàng loạt khi cửa hàng mới đem lại hiệu quả tốt.

Ở chiều ngược lại, VinCommerce mạnh tay đóng cửa các siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ hoạt động kém hiệu quả nhằm cắt lỗ. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, 12 siêu thị VinMart và 421 cửa hàng VinMart+ được cho dừng hoạt động. Phía Masan Group cho biết, đây là các cơ sở có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn. Tổng mức thua lỗ EBITDA của các đơn vị này gần 240 tỷ đồng, các khoản lỗ này sẽ không xảy ra trong năm 2021.

Cũng trong khoảng thời gian này, 57 cửa hàng VinMart+ và 2 siêu thị VinMart được mở ra tại các khu vực giàu tiềm năng.

Sau 3 quý đầu năm 2020, VinCommerce đạt gần 23.700 tỷ đồng doanh thu, chiếm 42,5% doanh thu toàn Tập đoàn. Biên EBITDA cải thiện đáng kể từ -5,1% trong quý I, -8,5% trong quý II, tăng lên -2,8% trong quý III. Masan Group dự kiến hòa vốn trong quý IV/2020, đúng như mục tiêu đề ra.

The CrownX - “Chiến mã” của Masan

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group cho biết: “Chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên khi VinCommerce đạt mục tiêu hòa vốn vào quý IV/2020. Đây là cột mốc đầu tiên trong hành trình trở thành tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online - offline hàng đầu”.

Tháng 6/2020, Masan Group công bố thành lập Công ty The CrownX, nhân tố chủ chốt trong xây dựng hệ thống tiêu dùng - bán lẻ, giúp tối ưu từ khâu sản xuất đến phân phối.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc cho ra mắt các sản phẩm mới, The CrownX có thể lập tức thu thập phản hồi từ khách hàng thông qua hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+. Ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất giúp cho VinCommerce có nền tảng phát triển nhãn hàng riêng, tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các nhà bán lẻ khác.

Covid-19: Thách thức cũng là cơ hội

Đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, các biện pháp giãn cách xã hội thực hiện trong quý II dẫn đến thói quen của khách hàng thay đổi. Kết quả kinh doanh của VinCommerce có chút chệch choạc trong quý II (biên EBITDA sụt giảm), tuy nhiên, xu hướng ăn tại nhà khiến tiêu thụ thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến gia tăng.

Masan tận dụng điều này với việc tung ra danh mục sản phẩm mới, kết hợp giữa hương vị truyền thống và dinh dưỡng. Các phát kiến và ngành hàng mới đóng góp 55% tăng trưởng doanh thu trong quý III. Ngoài ra, các dòng sản phẩm cao cấp theo chiến lược phát triển của Tập đoàn cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Masan Consumer Holdings có 3 quý liên tiếp đạt tăng trưởng doanh thu gần 30%, hàng tồn kho của các nhà phân phối duy trì dưới 20 ngày.

Dù mảng bán lẻ và tiêu dùng thích ứng tốt với những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng do ảnh hưởng của đại dịch, Masan Group đương nhiên không thể tránh khỏi tác động xấu khi Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi thủy sản cũng như khiến giá vonfram ở mức thấp.

Năm 2020, Masan Group hoàn thành mục tiêu đề ra tại Đại hội đồng cổ đông: doanh thu thuần từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của Công ty trong mức 1.000 - 3.000 tỷ đồng.

So với năm 2019, doanh thu thuần của Masan Group năm 2020 tăng hơn 100%, chủ yếu do hợp nhất kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ và tăng trưởng doanh thu từ MCH. Giả định hợp nhất kết quả kinh doanh của VinCommerce năm 2019, thì doanh thu thuần của Masan Group năm 2020 tăng trên 15%, biên EBITDA đạt mức trên 25%.

Mảng thịt mát đặt bản doanh ở Long An cho kế hoạch Nam tiến

Không khó để có thể thấy rằng, Masan Group luôn chọn cho mình con đường riêng, mà Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang vẫn gọi là “Con đường chúng ta đi”.

Trong 2 năm gần đây, Masan MEATLife là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam theo đuổi chiến lược thịt mát một cách rõ ràng và bài bản. Masan Group khánh thành Nhà máy MEAT Hà Nam cuối năm 2018 và tháng 10/2020, Tập đoàn đưa thêm Nhà máy MEATDeli Sài Gòn vào hoạt động tại Long An.

Những gì Masan MEATLife làm cho đến thời điểm hiện tại là tương đối sáng sủa. Trong 9 tháng đầu năm, mảng thịt tích hợp (gồm trang trại và thịt) thu về 1.638 tỷ đồng. Doanh thu mảng thịt nói riêng tăng 11% trong quý III so với quý II, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng doanh số 27% của sản phẩm thịt mát đóng gói.

Công ty tiếp tục phát triển danh mục thịt chế biến với sự ra đời của sản phẩm thịt mát ướp sẵn trong nửa cuối năm 2020. Thịt mát chế biến đặt mục tiêu đóng góp 10% doanh thu ngành thịt trong quý IV.

Tính đến cuối quý III, thịt MEATDeli có mặt tại hơn 1.500 điểm bán, tăng 252 điểm so với quý trước đó. Trong số này, 1.100 điểm là cửa hàng VinMart+. Mục tiêu trong quý IV/2020 là cải thiện SSSG (tăng trưởng doanh số cửa hàng) của MEATDeli, sản phẩm chủ lực trong chiến lược tập trung vào thực phẩm tươi sống của VinCommerce.

Chiến lược M&A tiếp tục là động lực tăng trưởng

Để bổ sung cho danh mục sản phẩm của mình, Masan MEATLife đã đầu tư góp vốn vào Công ty 3F VIỆT chế biến thịt gia cầm. Bản thân công ty này có nền tảng tương đối tốt, doanh thu dự kiến đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong năm 2020 và hòa vốn EBITDA. Đội ngũ Masan Group kỳ vọng, tác động từ hợp nhất sẽ được thể hiện rõ nét kể từ năm 2021.

Chiến lược M&A làm nên sức tăng trưởng mạnh mẽ của Masan Group suốt những năm qua. Các thương vụ được tiến hành liên tục hoàn thiện chuỗi giá trị hàng tiêu dùng của Tập đoàn. Hồi đầu năm 2020, Masan Group thâu tóm Công ty cổ phần Bột giặt NET (Netco) phát triển lĩnh vực chăm sóc cá nhân và gia đình.

Việc mua lại Netco diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về các sản phẩm vệ sinh gia tăng. Doanh thu 9 tháng của công ty này tăng trưởng 38% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng tăng gần gấp đôi. Bên cạnh lực cầu gia tăng đến từ phía người tiêu dùng, vai trò của hệ thống phân phối của VinCommerce có lẽ cũng đóng góp đáng kể vào thành công này.

Trong năm nay, Masan High-Tech Materials (MHT) cũng đã hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.S (Đức) nhằm mang đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Bên cạnh đó, Masan High-Tech Materials đã hoàn tất ký thỏa thuận liên minh chiến lược với Mitsubishi Materials Corporation (MMC). Theo đó, MMC rót 90 triệu USD vào MHT, nắm giữ 10% vốn cổ phần, hai bên sẽ lập tức trao đổi để thành lập một doanh nghiệp vonfram cận sâu vào giai đoạn II của hợp tác này.

Các thương vụ nói trên tạo nền tảng thúc đẩy tầm nhìn của MHT trở thành nền tảng vật liệu công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.

Dấu ấn của Masan High-Tech Materials tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021
Vừa qua, Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials đã tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm vật liệu công nghệ cao tại Triển lãm Quốc tế Đổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư