Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Năm nhóm động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng
Mạnh Bôn - 16/05/2020 08:40
 
GDP năm 2020 tăng trưởng trên 5% là mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Chỉ thị số 11/CT-TTg trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động bởi Covid-19. Để đạt được mục tiêu này và xa hơn là nền kinh tế tăng trưởng cao, vững chắc trong trung và dài hạn, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần phải thực hiện 5 nhóm giải pháp động lực.
.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Điều chỉnh hay không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là vấn đề đang được nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ ý kiến. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% như Quốc hội đã đặt ra, theo kịch bản đã được xây dựng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, thì trong quý I, GDP phải tăng 6,52%, song trên thực tế, GDP chỉ tăng 3,82%.

Với diễn biến của Covid-19 trên thế giới, mặc dù về cơ bản, Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh và hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần trở lại bình thường, nhưng quý II năm nay rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,65% và 6 tháng đạt 6,59% như kịch bản ban đầu. Vì vậy, có thể khẳng định, năm nay không thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8%.

Tuy nhiên, có nên điều chỉnh mục tiêu này không? Theo tôi, cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây, vì điều chỉnh GDP, thì sẽ phải điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Theo ông, có nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng không?

Theo dự báo của nhiều định chế tài chính, năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới đều chậm lại, thậm chí, nhiều nước tăng trưởng âm do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo tôi, không nên điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng, vì giả sử Quốc hội có điều chỉnh và đến cuối năm đạt được mục tiêu, thì nhằm mục đích gì, giải quyết vấn đề gì?

Vấn đề quan trọng bây giờ là cần quyết liệt thực hiện các giải pháp đã được cụ thể hóa tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảm đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất là 5% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, vấn đề quan trọng không kém là làm sao để nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý, tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn. Đó mới là những câu chuyện cần phải bàn.

Để nền kinh tế thời hậu Covid-19 tăng trưởng hợp lý và bền vững, theo ông, cần những động lực gì?

Tôi cho rằng, có 5 nhóm động lực để thực hiện được mục tiêu này.

Thứ nhất, phải đẩy mạnh tháo gỡ thể chế nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và giải phóng được nguồn lực của xã hội, vì chỉ cần giải ngân thêm được một phần trăm vốn đầu tư công, thì GDP có thể tăng thêm 0,06 điểm phần trăm.

Thứ hai, vốn đầu tư công phải trở thành “vốn mồi” thu hút đầu tư nước ngoài, động lực thu hút đầu tư tư nhân.

Thứ ba, có vốn rồi, thì phải nâng cao hiệu quả đầu tư, tức là phải giảm Hệ số sử dụng vốn đầu tư (ICOR) xuống thấp hơn nữa trên nguyên tắc chống thất thoát, lãng phí, áp dụng khoa học - công nghệ, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm.

Thứ tư, tăng năng suất lao động, vì nền kinh tế không thể tăng trưởng nhanh và bền vững nếu năng suất lao động thấp.

Thứ năm, phải tăng cầu tiêu dùng nội địa. Đây chính là yếu tố vô cùng quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường bên ngoài. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam khá cao (bình quân 32 - 33% GDP), nhưng hiệu quả đầu tư chưa như mong đợi. Giải pháp nào để tăng hiệu quả đầu tư, thưa ông?

Hiệu quả đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện qua từng năm.  Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài để nền kinh tế tăng trưởng bền vững, nâng cao chất  lượng tăng trưởng.

Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó rõ nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí đầu tư. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ tới nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Chính phủ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Chi phí đầu tư cả tài chính lẫn thời gian, nhân lực giảm, thì hiệu quả đầu tư sẽ được nâng lên.

Năng suất lao động của Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với các nước trong khu vực. Ông có thể cho biết giải pháp tăng năng suất lao động để nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai?

Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Nếu giai đoạn 2008 - 2017, năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, thì năm 2018 đã tăng 5,93% và năm 2019 tăng 6,2%. Muốn tăng năng suất lao động, phải đẩy mạnh cơ cấu lại lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất; đổi mới quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp.

Ý thức rất rõ năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững, ngày 4/2/2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất lao động quốc gia, trong đó yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Tôi cho rằng, cùng với tiến trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động, chỉ cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg, năng suất lao động sẽ được cải thiện mạnh mẽ, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế.

Tìm dư địa mới bù đắp tăng trưởng kinh tế
Tác động bất lợi của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam đã khá rõ, đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó, đồng thời tìm thêm dư địa để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư