Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nâng tầm vị thế hình ảnh vùng đất mũi
Huy Tự - 27/09/2021 17:33
 
Tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.
Cà Mau đang đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau
Cà Mau đang đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau

Tăng cường minh bạch và trách nhiệm

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 20 dự án đầu tư mới, với tổng vốn 5.319 tỷ đồng, tăng 14 dự án, với tổng vốn đăng ký 3.394 tỷ đồng so với cùng kỳ; trong đó, có 8 dự án thuộc khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.735,9 tỷ đồng. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 412 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 132.478,7 tỷ đồng; trong đó có 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 156,9 triệu USD.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tiềm lực hạn chế, thì việc “trải thảm” thu hút đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là một trong những giải pháp quan trọng của Cà Mau trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư thời gian tới được tỉnh Cà Mau xác định là tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, rút ngắn khoảng cách từ tỉnh đến các trung tâm kinh tế lớn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án.

Hiện nay, các dự án đã triển khai đầu tư đảm bảo đúng tiến độ đăng ký. Các nhà đầu tư có đủ nguồn lực và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án, nhất là các dự án điện gió. Trong 11 dự án điện gió đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đã khởi công 7 dự án, tổng mức đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn thu hút các nhà đầu tư vào 10 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.896 MW và 1.226 tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất khoảng 110 MW; 2 dự án điện sinh khối, tổng công suất 48 MW; 4 dự án điện khí với tổng công suất 10.700 MW. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư và quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Song song với công tác thu hút đầu tư, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, có 232 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký hơn 1.492,5 tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký 6,4 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 3% về số lượng và tăng 47,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Tỉnh đã ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư với Danh mục dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực là thế mạnh như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, thương mại... Ðây là cơ sở để tiến hành mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và đề xuất thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, cũng như để các ngành và địa phương chủ động tiến hành hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 05 ngày 2/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc "Trách nhiệm - Hành động - Minh bạch - Chuẩn xác", với mục tiêu vừa nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện thu hút đầu tư, vừa đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; kiên quyết xử lý các vi phạm trong thực hiện dự án đầu tư.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư thời gian tới được tỉnh xác định là tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, rút ngắn khoảng cách từ tỉnh đến các trung tâm kinh tế lớn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án.

Không ngừng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ðặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các đơn vị, nhằm không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, tiếp cận các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường xúc tiến, mời gọi đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm triển khai dự án đầu tư đã được cấp phép trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng cho biết, đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị đầu mối giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện các bản ghi nhớ, văn bản hợp tác chiến lược, chủ động liên hệ với nhà đầu tư để cung cấp thông tin, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết. Tăng cường thực hiện các nội dung thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư được phê duyệt hàng năm. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án thuộc Danh mục dự án mời gọi đầu tư; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, chính sách mời gọi đầu tư của tỉnh và chú trọng mời gọi đầu tư đối với các nhà đầu tư lớn có tiềm lực.

Xây dựng hình ảnh, thương hiệu Cà Mau 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Trần Hồng Quân vừa phê duyệt Đề cương tổng quát Dự án Xây dựng hình ảnh, thương hiệu tỉnh Cà Mau đến năm 2025.

Mục tiêu từ nay đến năm 2025, Cà Mau sẽ hoàn thiện giải pháp xây dựng chiến lược hình ảnh, chiến lược thương hiệu chung và 5 nhóm ngành nghiên cứu khảo sát của tỉnh, chuyển đổi thành các giải pháp, sản phẩm hình ảnh thương hiệu cụ thể để truyền thông, quảng bá. Làm tiền đề để chuẩn hóa hình ảnh nhận diện thương hiệu, hệ thống nhận diện chung của vùng Đất Mũi, tạo sự khác biệt so với các địa phương trong cả nước.

Kế hoạch được triển khai cũng nhằm cụ thể hóa các chiến lược phát triển và chính sách lớn của tỉnh thành các hoạt động và thông điệp truyền thông nhất quán, dễ dàng tiếp nhận, góp phần đẩy mạnh thương hiệu nhận dạng của tỉnh, tăng sức cạnh tranh; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách đến hợp tác, đầu tư, kinh doanh phát triển và an cư lạc nghiệp.

Ông Trần Hồng Quân cho biết thêm, từ bộ thương hiệu nhận diện của Cà Mau, thông qua các hoạt động thương mại, dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Lễ hội truyền thống… sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường mời gọi đầu tư, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước.

Cùng với sự phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch Cà Mau sẽ rà soát và tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình xúc tiến du lịch; Chương trình Cà Mau điểm đến 2021, cùng các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch khác trong những tháng cuối năm 2021; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch năm 2022. Đặt tiêu chí an toàn của du khách lên hàng đầu, đảm bảo công tác phòng chống dịch, phù hợp trong điều kiện bình thường mới, cũng như tạo điều kiện, hỗ trợ nâng cấp, làm mới các điểm đến an toàn, xanh và thân thiện

Dự kiến, cuối tháng 10, Cà Mau sẽ tổ chức Không gian nghệ thuật và trưng bày - triển lãm, do Trung tâm Văn hóa tỉnh, Ðoàn cải lương Hương Tràm, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao TP. Cà Mau phối hợp xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn. Cuối tháng 11, đầu tháng 12, Cà Mau sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện: Cuộc thi chạy Marathon tại Khu du lịch Mũi Cà Mau, chủ đề Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại - Cà Mau 2021; Ngày hội ẩm thực Ðất Mũi; Ngày hội cua Năm Căn gắn với văn hoá ẩm thực Cà Mau tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn); Tổ chức Ðoàn Famtrip khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau…

Để bảo vệ thành quả phòng chống dịch, tiến tới phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới, theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, trước mắt tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống  Covid-19, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về phòng, chống Covid-19.

Thực hiện tốt việc kiểm soát tại các chốt giao thông, truy vết, xét nghiệm sàng lọc, hướng dẫn cách ly an toàn; hoàn thiện cơ sở vật chất các khu cách ly tập trung, bố trí nhân lực bảo đảm yêu cầu khi số lượng người cách ly tập trung gia tăng; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt 5K, quét mã QR code, khai báo y tế điện tử, không tụ tập đông người, thực hiện tốt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg; bổ sung kịp thời trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế phục vụ hoạt động phòng, chống dịch.

Kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống Covid-19 tại các địa phương, các cơ sở y tế, điều động nhân lực trong công tác phòng, chống dịch và cập nhật danh sách tiêm chủng vắc-xin vào phần mềm tiêm chủng.

Cà Mau: Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng thủy sản
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lê Văn Sử tại cuộc họp với các sở, ngành và các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư