Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Nên chấp nhận một cuộc “lột xác” cho nền kinh tế
Nguyễn Lê - 31/10/2021 10:07
 
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho rằng, nên chấp nhận một cuộc “lột xác” cho nền kinh tế trong chặng đường mới cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.
.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).

Tham gia thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói, đặt trong sự so sánh với nhóm quốc gia “hàng xóm” - những đối thủ cạnh tranh, mức tín nhiệm hiện nay của Việt Nam vẫn còn cách tương đối Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Philippines, thậm chí cả Ấn Độ.

Đấy là những thành tích về chống dịch và kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2020 của nước ta đã được phản ánh vào kết quả xếp hạng, ông Đồng nhấn mạnh.

Còn về tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19, xét theo tiêu chí số dân được tiêm đủ 2 mũi trên tổng dân số quốc gia, Việt Nam mới đạt mức gần 24%, bắt kịp được Ấn Độ, Philippines và Indonesia, nhưng vẫn còn cách khá xa so với của Malaysia hay Thái Lan.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề, Việt Nam sẽ ở đâu sau khi chịu tác động tiêu cực và nặng nề của đợt dịch lần tư? Liệu các đối thủ "hàng xóm" có đứng im hay chỉ đi lững thững để xem chúng ta chạy không? Liệu kinh tế Việt Nam có lỡ nhịp với kinh tế thế giới và khu vực?

"Rõ ràng năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta đang là một vấn đề. Và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không thể không quan tâm đúng mức đến vấn đề này", đại biểu Quảng Trị nêu quan điểm.

Đại biểu cũng nhắc đến một vấn đề được Ủy ban Kinh tế và nhiều vị đại biểu đề cập, đó là việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ba trọng tâm không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 là “Hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác”.

Và Chính phủ đã chỉ ra một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên là do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng nặng nề và sâu rộng tới nền kinh tế-xã hội, khiến nhiều mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế chuyển từ có khả năng hoàn thành sang không hoàn thành, nhiều nhiệm vụ trở nên khó khăn để thúc đẩy triển khai.

Nhưng, ở chặng đường mới, đại biểu nói ông muốn nhấn mạnh hơn đến khía cạnh cơ hội và động lực mà đại dịch này tạo ra.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, không thể phủ nhận là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19 thời gian qua đã làm bộc lộ những điểm yếu của cơ cấu kinh tế Việt Nam về tính tự chủ và khả năng chống chịu, về năng lực cạnh tranh quốc gia.

Số liệu thống kê đến 30/9 cho thấy, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, sản phẩm chủ lực đã phải chịu thiệt hại nặng nề. Nhưng ngược lại, vẫn có một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng tốt như y tế, dược phẩm, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, công nghệ thông tin và truyền thông… Chính điều này đã giúp thu ngân sách nhà nước không bị suy giảm quá nhiều. 

Còn quan sát khía cạnh doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm, có 45.100 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7%; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường diễn ra ở hầu hết các ngành, tuy nhiên tập trung nhiều vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục, đào tạo...

Nhìn ra thế giới, chính đại dịch Covid-19 là một nhân tố quan trọng, một động lực đáng kể thúc đẩy xu hướng phát triển mới là tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề... tại nhiều quốc gia.

"Chính phủ cũng nhìn nhận đây là cơ hội cho những nước đi sau như Việt Nam. Việc lựa chọn đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu tạo cơ hội cho chúng ta có điều kiện tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuyển đổi số, thu hút hợp tác về cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường xuất khẩu", đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Như vậy, phải chăng chúng ta nên chấp nhận một cuộc “lột xác” cho nền kinh tế? Chúng ta sẽ không giải cứu, hỗ trợ đại trà, dàn trải mọi doanh nghiệp. Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung nguồn lực vốn hạn hẹp cho những đối tượng thật chọn lọc nhằm đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể mà Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Tái cơ cấu đầu tư công: Lấn cấn lựa chọn dự án ưu tiên
Dù để thúc đẩy giải ngân hay tái cơ cấu đầu tư công, thì đều phải bắt đầu bằng việc nâng cao chất lượng khâu lập, thẩm định, lựa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư