Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Nên để cung - cầu điều chỉnh lãi suất
Vân Linh - 22/10/2016 20:13
 
Khi hệ thống ngân hàng không bị áp lực thanh khoản như hiện nay, nên để cung - cầu thị trường quyết định lãi suất.

Trong bối cảnh một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho hay, trong thời gian từ nay đến hết năm 2016, VietinBank tiếp tục đẩy vốn ra thị trường để hỗ trợ khách hàng, nhất là các doanh nghiệp.

Theo ông Thọ, ngày 10/10/2016, trong Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tổ chức tại TP.HCM, 21 chi nhánh của VietinBank hoạt động trên địa bàn Thành phố sẽ ký hợp đồng hỗ trợ tín dụng cho 104 khách hàng, với tổng giá trị lên tới 32.871,5 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất chung khoảng 1%. Chính sách lãi suất cho vay của VietinBank tiếp tục bám sát theo chủ trương cũng như cung - cầu vốn của thị trường.

Lãi suất huy động khó giảm khi nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm. Ảnh: Đức Thanh
Lãi suất huy động khó giảm khi nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm. Ảnh: Đức Thanh

Trên thực tế, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, họ đã cho vay nhóm doanh nghiệp có sức khỏe tốt với lãi suất thấp, thậm chí thấp hơn cả lãi suất huy động. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng hoặc tiếp cận được thì phải chịu lãi suất cao. Lý do là, các ngân hàng tuy cạnh tranh trong cho vay, song họ cũng luôn phải kiểm soát chặt rủi ro nhằm hạn chế nợ xấu. Chính vì vậy, các ngân hàng không giảm lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm khách hàng có độ rủi ro cao.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, cạnh tranh của thị trường sẽ điều chỉnh mặt bằng lãi suất. Theo đó, thị trường sẽ điều chỉnh xu hướng lãi suất theo cung - cầu vốn, nhất là thời điểm cuối năm khi cầu tín dụng được dự báo tăng, lãi suất huy động khó giảm.

Lãi suất huy động hiện vẫn trái chiều với lãi suất cho vay khi đầu vào tăng, nhưng đầu ra hạn chế. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng giảm lãi suất cho vay. Theo đó, NHNN đã điều hành theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý, cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này để các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản có thể dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, chứ không cạnh tranh lãi suất huy động từ thị trường 1.

Tuy nhiên, không ít ngân hàng có tỷ lệ vốn cho vay trên vốn huy động hơi cao hoặc tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quá lớn đang cần tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cân đối nguồn. Vì thế, kỳ vọng giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh này được đánh giá là không dễ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nên để cung - cầu thị trường quyết định lãi suất. Vì thế, bản thân ông ủng hộ đề xuất của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng.

Theo TS. Hiếu, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 5% là có khả năng thực hiện được. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng hiện nay không bị áp lực thanh khoản, nên có cơ sở để thả nổi lãi suất. Các ngân hàng cũng phải cạnh tranh lãi suất đầu ra để thu hút người vay vốn. Trên thực tế, các doanh nghiệp có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi đã có thể vay vốn ở mức lãi suất chấp nhận được là 7 - 10%/năm, so với lãi suất cao 18 - 20% những năm trước. Như vậy, những điều kiện cần đang hiện hữu để hỗ trợ cơ hội bỏ trần lãi suất.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, trước đây, khi thị trường tài chính khó khăn, một số ngân hàng nhỏ, yếu kém mất thanh khoản đã chạy đua tăng lãi suất, dẫn đến việc phải áp trần. Tuy nhiên, sau quá trình tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng được cải thiện, thanh khoản tốt lên rất nhiều, nên việc duy trì trần lãi suất huy động trong thời gian quá dài là không tốt, nhất là khi chúng ta đang hướng dần điều hành hoạt động ngân hàng và lãi suất theo cơ chế thị trường. “Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, 10 ngân hàng đã được chọn để thí điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Khi đã áp dụng các chuẩn mực quốc tế, thì càng cần hạn chế áp dụng biện pháp hành chính”, TS. Lịch nói.

Trước một số ý kiến lo ngại rằng, việc dỡ bỏ trần lãi suất có thể dẫn tới nguy cơ tái diễn lạm phát cao, nhưng theo các nhà phân tích tài chính, khi bỏ trần, các ngân hàng khó có thể chạy đua tăng lãi suất và việc điều chỉnh lãi suất (nếu có) sẽ ở trong một giới hạn nhất định. Đồng thời, NHNN vẫn có những công cụ để điều hành chính sách tiền tệ ổn định. Tuy nhiên, các nhà phân tích tài chính cũng cho rằng, cần nghiên cứu và theo dõi sát diễn biến của thị trường tiền tệ để chọn thời điểm thích hợp khi quyết định bỏ trần lãi suất.

Ở đâu vay lãi suất trung hạn 7%, cố định suốt thời gian vay?
Mặc dù lãi suất đã giảm nhiều so với trước, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, vì thiếu tài sản đảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư