Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Mặt bằng lãi suất mới chưa thể sớm hình thành
Hà Tâm - 19/10/2016 10:01
 
Cuối tuần qua, hàng loạt ngân hàng thương mại dồn dập hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay có giảm được không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, bắt đầu từ ngày 15/10, Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm tới 1%/năm so với mặt bằng hiện nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank sẽ được xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn nữa.

Ngay sau động thái của Vietcombank, ngân hàng đầu tiên trong khối cổ phần là LienVietPostBank cũng tuyên bố hạ lãi suất cho vay 1 - 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

.
Việc nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm giảm xuống

Giới chuyên gia dự báo, với sự tham gia của hai ngân hàng trong cả khối quốc doanh lẫn cổ phần, làn sóng hạ lãi suất cho vay sẽ còn tiếp diễn, ít nhất là với các ngân hàng thương mại nhà nước còn lại.

Việc ngân hàng hạ lãi suất không phải là điều quá khó hiểu trong bối cảnh tín dụng có dấu hiệu chậm lại, trong khi thanh khoản ngân hàng lại dư thừa như hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần do sức ép từ cầu tín dụng không còn, trong khi vốn huy động dồi dào.

“Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể từng bước giảm lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như trước”, ông Thành nhận định.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm giảm xuống.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm lãi suất ngân hàng sẽ khó diễn ra trên diện rộng, do nhiều ngân hàng vẫn khó khăn. Thực tế, hầu hết các ngân hàng chỉ giảm lãi suất ở kỳ hạn ngắn. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “siết” tỷ lệ lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đang khiến vốn ngắn hạn dư thừa và các ngân hàng đang phải cạnh tranh cho vay gay gắt ở phân khúc này, trong khi vốn cho vay trung, dài hạn vẫn thiếu.

Bên cạnh đó, một chuyên gia kinh tế cho hay, nhiều ngân hàng thương mại nhà nước đang có nguồn tiền gửi đầu vào với lãi suất siêu rẻ, đó là tiền giải ngân ODA, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp nhà nước…, bởi theo quy định, các loại vốn trên chỉ được gửi ở ngân hàng quốc doanh, với lãi suất thấp. Còn với các ngân hàng thương mại cổ phần, hạ lãi suất là việc khá khó khăn.

Từ thực tế đó, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất khó trở thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay chung của toàn thị trường.

Rào cản lớn nhất của việc giảm lãi suất cho vay hiện nay, theo ông Tuyển, là nợ xấu vẫn đang còn rất lớn và đang tăng lên không ngừng, đặc biệt là nợ của các dự án BOT. Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, không nên dùng mọi cách để nới lỏng tín dụng trong điều kiện hấp thụ vốn kém như hiện nay, vì nếu tiền bơm ra mà hấp thụ vốn kém, thì lạm phát sẽ tăng mạnh, gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Lãnh đạo nhiều nhà băng cũng thừa nhận, việc giảm lãi suất chỉ có thể áp dụng với kỳ hạn ngắn và với một số lĩnh vực ưu tiên, chứ không thể áp dụng rộng rãi. Lý do là, hiện nay, chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng duy trì rất thấp, chỉ hơn 2%. Trong khi đó, suốt 5 năm tái cơ cấu hệ thống vừa qua, các ngân hàng đã phải lấy một phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, khiến năng lực tài chính suy giảm đáng kể.

“Ngân hàng có khỏe mới hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, bên cạnh việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế, thì ngân hàng cũng phải duy trì lợi nhuận hợp lý để phục hồi sức khỏe của chính mình, nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo tăng vốn, giành sức xử lý nợ xấu. Chỉ khi nợ xấu sạch bớt, áp lực dự phòng rủi ro giảm, thì ngân hàng mới có thể mạnh tay giảm lãi suất cho vay”, đại diện một ngân hàng phân tích.

Ở đâu vay lãi suất trung hạn 7%, cố định suốt thời gian vay?
Mặc dù lãi suất đã giảm nhiều so với trước, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, vì thiếu tài sản đảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư