Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngăn chặn nguy cơ bùng dịch của Adenovirus
D.Ngân - 26/09/2022 16:51
 
Thời điểm giao mùa Thu-Đông như hiện nay là điều kiện lý tưởng để các bệnh truyền nhiễm như Adenovirus, sốt xuất huyết, cúm, hô hấp… gia tăng mạnh.

Nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đang trong tình trạng quá tải bởi sự gia tăng mạnh các ca nhập viện do các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, đáng lo ngại là số ca nhiễm Adenovirus đang có nguy cơ bùng dịch nếu không kiểm soát tốt. Bên cạnh đó là các dịch truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, cúm, hô hấp đang tăng cao.

Cảnh giác khi số ca bệnh tăng cao

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận trong bệnh viện từ đầu năm 2022 đến ngày 22/9 là 1.406 ca bệnh, với 811 ca nội trú. 

Bệnh nhi mắc Adenovirus đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tỷ lệ chung trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện.

Trong số ca nhiễm, có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội. Riêng trong gần 2 tuần từ 12- 21/9, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám.

Riêng ngày 22/9, Bệnh viện đã phát hiện 150 ca. Hiện đã ghi nhận 7 ca bệnh nhi tử vong do mắc các bệnh lý nền đồng nhiễm Adenovirus. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã phát hiện gần 100 ca mắc Adenovirus. 

Theo lý giải của các bệnh viện, do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa, nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám.

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông. 

Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Điều đáng nói, virus này có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao do có sức đề kháng kém.

Nguy hiểm hơn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều cơ quan y tế trên thế giới đã từng đưa ra nhận định Adenovirus có khả năng là một trong những tác nhân gây ra căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em thời gian qua.

Đơn cử, một nghiên cứu do Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy, gần 10 trẻ em ở bang Alabama mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022 đều có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh Adenovirus 41.

Trước tình trạng quá tải bệnh viện, kéo theo nguy cơ lây nhiễm chéo, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. 

Nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mà mắc thêm virus Adeno có nguy cơ tử vong cao. 

Do đó, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp, không nằm chung với nhóm bệnh khác, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, như: Đeo khẩu trang, khử khuẩn… không để lây lan dịch bệnh.

Ngoài Adenovirus, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng nhanh, với gần 800 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 3.800 ca mắc, trong đó có 5 ca tử vong. 

Hiện các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn…, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú cũng gia tăng đột biến.

Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, riêng với bệnh sốt xuất huyết, năm nay tỷ lệ các ca bệnh nặng nhiều hơn. 

Không ít trường hợp mắc bệnh, số lượng tiểu cầu giảm nhanh, dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng lên (chiếm khoảng 10% bệnh nhân đến khám). Bệnh viện đã bố trí thêm nhân lực và các bàn khám tăng cường vào khung giờ cao điểm.

Không chủ quan với dịch

Theo các chuyên gia, việc số ca nhiễm Adenovirus tăng lên cần phải được quan tâm ở cả khía cạnh lâm sàng, dịch tễ và cộng đồng. 

Việt Nam chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu riêng cho Adenovirus. Như vậy, việc tuân thủ các giải pháp phòng ngừa không đặc hiệu vẫn là giải pháp cơ bản. 

Đó là vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, đảm bảo môi trường thông thoáng; dinh dưỡng hợp lý; kiểm soát tốt các bệnh nền, bệnh mạn tính; cả người lớn và trẻ em tiêm chủng đủ vắc-xin phòng bệnh theo lịch trong đó có cả vắc-xin phòng Covid-19.

Để phòng bệnh cho trẻ TS. Nguyễn Trọng Khoa yêu cầu các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh nhân hô hấp không nằm chung với bệnh khác; tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn…. không để lây lan dịch bệnh. Tăng cường công tác truyền thông không gây hoang mang trong cộng đồng.

Bộ Y tế sẽ cập nhật và ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adeno trong đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc virus Adeno làm căn cứ cho các bác sĩ khi khám, chẩn đoán.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội có kế hoạch và có phương án nếu bệnh nhân gia tăng thì có giải pháp để phân tuyến, thu dung, điều trị phù hợp, cần chủ động, theo dõi chặt diễn biến, theo dõi báo cáo hằng ngày và báo cáo Bộ, có phương án chuẩn bị các khu hồi sức cho bệnh nhân nặng.

Bên cạnh đó, để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhằm giảm thiểu lây nhiễm chéo khi trẻ điều trị quy trình ứng phó quản lý ca bệnh và dự phòng lây nhiễm đã được kích hoạt. 

Theo đó, tất cả các ca bệnh Adenovirus dương tính tại bệnh viện được hệ thống giám sát cập nhật hàng ngày kèm theo các thông tin dịch tễ và lâm sàng. 

Khi có ca bệnh xuất hiện sẽ được thu dung điều trị tập trung tại Trung tâm bệnh nhiệt đới và Trung tâm hô hấp, không để ca bệnh Adenovirus lưu tại các đơn vị bệnh mạn tính, đơn vị có nguy cơ cao. 

Bộ Y tế sẽ cập nhật và ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adenovirus, trong đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc Adenovirus làm căn cứ cho các bác sĩ khi khám, chẩn đoán.

Các phòng bệnh nhân Adenovirus được thiết lập theo đúng quy định phòng cách ly ca bệnh lây theo giọt bắn và tiếp xúc. 

Nhân viên y tế, người lao động được yêu cầu tuân thủ phòng ngừa chuẩn, dự phòng lây truyền qua giọt bắn và dự phòng lây truyền qua tiếp xúc, chú trọng vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt. 

Bệnh nhân và người nhà được tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe để phòng bệnh và hạn chế lây lan trong bệnh viện.

Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý với trẻ nhỏ, trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý. Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.

Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ bị ốm, bệnh. Tiêm vắc-xin phòng các bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư