Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng kỳ vọng nhận room tín dụng cao trong năm nay
Vân Linh - 19/01/2020 14:37
 
Ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay không quá 14%, song những ngân hàng đã áp dụng chuẩn Basel II kỳ vọng được nhận hạn mức cao hơn.
.
Các ngân hàng sẽ khó nhận được room tín dụng cao trong năm nay nếu chưa áp chuẩn Basel II cũng như chưa xử lý được nợ xấu.

Cơ chế tín dụng năm 2020

Theo Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2020, NHNN đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Năm 2020, NHNN định hướng tổng phương diện thanh toán tăng 13%, tín dụng tăng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Nhưng Ngân hàng thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

NHNN chỉ đạo tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Cơ quan này phấn đấu năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém).

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), ông Nguyễn Quốc Hùng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, khả năng tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Trong đó, NHNN sẽ xem xét ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn với tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu (nội bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) thấp, tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Muốn nhận room cao

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank (VCB) Phạm Quang Dũng, VCB là một trong hai ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II, là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống và thường xuyên đi đầu về hạ lãi suất cho vay. Vì vậy, lãnh đạo VCB đề nghị NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho VCB năm 2020 cao hơn mức bình quân của ngành để ngân hàng khai thác hết tiềm năng của mình, hỗ trợ nền kinh tế và vươn tầm ngân hàng ra khu vực và thế giới.

Các ngân hàng sẽ khó nhận được room tín dụng cao trong năm nay nếu chưa áp chuẩn Basel II cũng như chưa xử lý được nợ xấu.

Năm 2019, dư nợ tín dụng của VCB tăng 15,9%, cao nhất trong các ngân hàng lớn, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch mạnh mẽ: lần đầu tiên tín dụng bán lẻ chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng bán buôn (51,8%). Năm 2019, tín dụng bán buôn của VCB chỉ tăng 2,3%, trong khi tín dụng bán lẻ tăng tới 32,3%.

Tương tự, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho hay, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của HDBank đạt 220.000 tỷ đồng. Dư nợ tăng 140.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 5.100 tỷ đồng; tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 21%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát 0,97%. Năm qua, HDBank đã đẩy mạnh tín dụng xanh và kết quả đến cuối năm, dư nợ ròng ở lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghiệp công nghệ cao đạt 10.000 tỷ đồng. Lãnh đạo HDBank kiến nghị, NHNN xem xét cho tăng trưởng tín dụng ở mức cao và phù hợp trong năm 2020, do ngân hàng đã hoàn thành việc áp chuẩn Basel II.

Không chỉ các ngân hàng tên tuổi, mà nhiều nhà băng khác cũng kỳ vọng nhận được room tín dụng ở mức cao. Thực tế, nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ tín dụng.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính, các ngân hàng sẽ khó nhận được room tín dụng cao trong năm nay nếu chưa áp chuẩn Basel II cũng như chưa xử lý được nợ xấu. NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông, tăng cường quản lý rủi ro với tín dụng tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống.

Cạn room tín dụng, ngân hàng vẫn đẩy mạnh cho vay
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến hết tháng 9/2019 tăng 9,4% so cuối năm 2018, dư nợ tín dụng tại nhiều nhà băng đã tăng kịch room cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư