Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước họp báo quý III: Tín dụng 9 tháng tăng 8,64%
Thuỳ Liên - 01/10/2019 11:29
 
Sáng nay (1/10/2019), Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã thông tin về nhiều vấn đề nóng trong lĩnh vực ngân hàng.

Phó Thống đốc cho biết, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018.Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, thời gian qua,  Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Đồng thời, Thống đốc  Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 1178/QĐ- Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Tín dụng các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tích cực, tín dụng rủi ro được kiểm soát.

​Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.  Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Phó Thống đốc nhấn mạnh, tỷ giá đang được điều hành phù hợp.

Về lãi suất,  Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.

Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống.

“Điều hành lãi suất là rất khó, vì phải hài hoà lợi ích của cả người vay tiền lẫn người gửi tiền”, Phó Thống đốc nhấn mạnh. ​Công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục được đẩy mạnh.

Kết quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững, thể hiện ở các mặt như: Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được nâng cao..

Việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đạt được một số kết quả tích cực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.

Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý,  Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán, tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán.

Nhờ đó, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018).

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, các ngân hàng cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực. Sự phát triển của fintech đang đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo thuận tiện cho người dùng.

Thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng vẫn sẽ dồn vốn cho các dự án lớn, các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

NHNN tuýt còi ngân hàng tăng lãi suất huy động ở mức cao
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phát đi văn bản cảnh báo các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và mạnh ở một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư