Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng nhỏ không dễ tìm đối tác M&A
Thùy Vinh - 03/07/2014 16:14
 
Không nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc, song các nhà băng quy mô vừa và nhỏ vẫn đẩy mạnh tái cơ cấu, để có thể đứng vững trước làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) lan rộng và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
"Cơn bão M&A" ngân hàng
M&A ngân hàng vào đỉnh sóng
Vụ M&A của Sacombank: Soi điểm cộng, điểm trừ
M&A lĩnh vực ngân hàng nóng vì nới room
Ngân hàng thay máu: Có bằng tiền tươi thóc thật?

Không dễ tìm đối tác

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, từ năm 2012,  Ngân hàng đã tính đến việc tìm kiếm đối tác để có thể sáp nhập và hợp nhất (M&A), nhằm phát triển mạnh hơn, nhưng việc tìm được đối tác chiến lược phù hợp để M&A không dễ. Bởi theo ông Tùng, nếu sáp nhập mà không phát triển được lớn mạnh hơn thì chưa hẳn là giải pháp tốt mà ngược lại sẽ kéo lùi sự phát triển của ngân hàng mới. Vì thế, đến thời điểm này, OCB vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào cho việc M&A, mà chủ động trong việc tái cơ cấu bằng chính nội lực. Năm nay, OCB dự định tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng.

Trước chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc và làn sóng M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang nóng lên, sẽ có không ít ngân hàng nhỏ phải sáp nhập, hợp nhất để tồn tại. Thế nhưng, Kienlongbank, NamA Bank, VietA Bank dường như đang là ngoại lệ, khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tin tưởng phê duyệt đề án tự tái cơ cấu.

Sau đợt tái cấu trúc mạnh mẽ trong năm 2013, Kienlong Bank

đang tiếp tục cải tiến dịch vụ khách hàng

Khi được hỏi về kế hoạch tái cấu trúc của Ngân hàng, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cho biết, trong kế hoạch của năm 2014, Ngân hàng chưa có kế hoạch M&A. Thay vào đó, NamA Bank đã và đang thực hiện tự tái cơ cấu. Năm nay, NamA Bank sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng sẽ chào bán 100 triệu cổ phần ra công chúng trong quý III/2014, với giá 10.000 đồng/CP, dự kiến thu về 1.000 tỷ đồng. Mục đích của đợt tăng vốn là nhằm mở rộng quy mô của Ngân hàng (với 8 điểm giao dịch, 1 chi nhánh nâng cấp) và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh cũng như phục vụ tái cơ cấu.

Trong lộ trình phát triển của mình, VietABank đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ tái cơ cấu thành công và tăng vốn điều lệ. Song song với quá trình củng cố bộ máy hoạt động tại từng đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động, VietABank đang hoàn thiện hệ thống đánh giá KPIs giúp đảm bảo quản trị tốt và đánh giá chuẩn xác hiệu suất công việc của toàn ngân hàng. Lãnh đạo VietABank cho rằng, quá trình tái cơ cấu sẽ giúp Ngân hàng phát huy các thế mạnh vốn có, đồng thời với việc thay đổi để thích nghi với những biến động của thị trường và khẳng định vị thế riêng là ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh vàng.

Không M&A, có sống khỏe?

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động ngân hàng là sự lành mạnh, thể hiện ở quản lý rủi ro và quản lý vận hành của ngân hàng đạt tiêu chuẩn. Vấn đề còn lại đối với các ngân hàng, nhất là những đơn vị quy mô nhỏ là phát triển hoạt động kinh doanh, phát huy được những thế mạnh vốn có. Chẳng hạn, với hoạt động bán lẻ, nếu biết chọn phân khúc trọng tâm thì chưa hẳn chỉ ngân hàng lớn mới thành công, mà nhà băng nhỏ cũng có khả năng làm tốt, nếu biết chọn phân khúc để tập trung phát triển. Điều này cũng đã được minh chứng từ thực tế của các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ. Bên cạnh các ngân hàng lớn vẫn có nhiều ngân hàng nhỏ tồn tại, phát triển tốt.

“Ở Việt Nam, cũng có những ngân hàng vừa và nhỏ, nhưng biết chọn phân khúc khách hàng như tín dụng chợ, tiểu thương đã thành công trong việc giành thị phần cho vay nhỏ lẻ”, ông Tùng nói.  

Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2013, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đã tăng trưởng khá ổn định, bền vững. Điều này được thể hiện qua các chỉ tiêu hoạt động về tổng tài sản, dư nợ tín dụng tăng trưởng cao và các chỉ tiêu hoạt động khác được giữ ở mức ổn định. Chẳng hạn với NamA Bank, đến cuối năm 2013, dư nợ tín dụng là 13.405 tỷ dồng, tăng đến 65% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức rất thấp, -1,48%, giảm 1,23% so với cùng kỳ của năm 2012.

“Nếu xét 3 chỉ số quy mô về tài chính - hoạt động - năng lực quản trị điều hành, OCB đều có khả năng đáp ứng theo quy định NHNN. Do vậy, OCB được chủ động triển khai tái cơ cấu theo chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2015”, ông Dũng nói.

Trong năm nay, OCB dự kiến sẽ bán thêm 100-200 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và có thể đây là đợt bán nợ xấu cuối cùng. “Mục tiêu của OCB trong năm nay sẽ kiểm soát nợ xấu dưới 1%, thay vì mức dưới 3% của năm 2013”, ông Tùng nói và cho biết thêm, năm qua, dự phòng của OCB trong năm 2013 là khoảng 370 tỷ đồng, nhưng OCB vẫn đạt chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch 320 tỷ đồng trước thuế.

Chủ tịch HĐQT Kienlongbank Võ Quốc Thắng cho hay, sau đợt tái cấu trúc mạnh mẽ trong năm 2013, Kienlongbank tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, mạng lưới, cải tiến dịch vụ khách hàng đối với nguồn khách hàng hiện hữu. Năm 2014 và những năm tới, thị trường tài chính vẫn còn nhiều tín hiệu chưa khả quan, do đó, Kienlongbank xác định tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ thông qua việc ban hành quy chuẩn nhiều quy chế, quy phạm nội bộ để hạn chế các rủi ro trong hoạt động ngân hàng cũng như kiểm soát được rủi ro về nợ xấu.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Dũng, trước tình hình hiện nay, Ngân hàng phải thận trọng khi quyết định trao vốn cho khách hàng, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu, nhất là khi xu hướng nợ xấu vẫn gia tăng. Song điều đó không có nghĩa là ngân hàng không cho vay ra, ngược lại còn phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong việc dành thị phần tín dụng.

Diễn đàn Mua bán, sáp nhập và kết nối đầu tư hàng đầu Việt Nam (M&A Việt Nam 2014) do Báo Đầu tư và AVM tổ chức sẽ chính thức diễn ra vào đầu tháng 8/2014 tại TP. HCM. Diễn đàn năm nay được tổ chức với 5 hoạt động chính: Hội thảo tổ chức tại TP. HCM ngày 7/8/2014, Triển lãm và xúc tiến đầu tư, Bình chọn thương vụ M&A tiêu biểu, Báo cáo thị trường M&A Việt Nam và Tiệc kết nối đầu tư.

Thông tin chi tiết xem tại website: http://www.mavietnamforum.com

Ngân hàng nội “săn” đối tác ngoại Ngân hàng nội “săn” đối tác ngoại

Nhiều nhà băng đang săn lùng đối tác ngoại để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh trong cuộc đua cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư