Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng toan tính gì khi chấp nhận sáp nhập công ty tài chính làm ăn bết bát
Hà Tâm - 05/11/2015 09:00
 
Bất chấp lo lắng của cổ đông, hàng loạt công ty tài chính làm ăn bết bát bỗng dưng trở nên đắt khách khi được các ngân hàng dồn dập mua về. Đằng sau quyết định dường như thiếu khôn ngoan của các ngân hàng là những toan tính lợi ích sâu xa.

Chưa mua xong đã tính bán

Đại hội cổ đông của các ngân hàng bàn về vấn đề sáp nhập công ty tài chính thời gian qua đều gặp phải ý kiến phản đối từ không ít cổ đông, bởi nợ xấu của các công ty tài chính đang ở mức rất cao, lên đến 30-40%. Bất chấp sự phản đối của cổ đông, các thương vụ vẫn liên tiếp diễn ra.

Theo các lãnh đạo ngân hàng, sáp nhập công ty tài chính là con đường ngắn nhất để ngân hàng tấn công thị trường nhiều tiềm năng là cho vay tiêu dùng và tiến tới một ngân hàng bán lẻ đa năng. Ngoài ra, với việc mua công ty tài chính, các ngân hàng không chỉ đẩy được mảng cho vay tiêu dùng lãi suất cao siêu lợi nhuận, song cũng đầy tai tiếng ra khỏi ngân hàng, mà còn có thể dễ dàng gọi vốn đầu tư từ nước ngoài.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB - ngân hàng sáp nhập Công ty Tài chính Vietel – Vinaconex (VVF) - khẳng định, SHB đã phải giành giật với nhiều “chàng trai” khác mới có được “cô gái đẹp” VVF. Hơn nữa, đang có các đối tác nước ngoài đến “gạ gẫm” mua lại VVF từ SHB. “SHB cần cổ đông chiến lược nước ngoài, chuyên nghiệp về công nghệ tham gia quản trị công ty tiêu dùng”, ông Hiển nói.

Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB cũng khẳng định, sau khi sáp nhập Công ty Tài chính sông Đà (SDFC), MB sẽ tìm kiếm những đối tác chiến lược nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động của công ty này, với mức bán vốn cho nước ngoài lên đến 49%.

Trước SHB và MB, các ngân hàng thâu tóm công ty tài chính đều đã và đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để duy trì hoạt động của công ty tài chính sau sáp nhập. Chẳng hạn, sau khi mua lại Công ty Tài chính Than – Khoáng sản năm 2014, đổi tên thành Công ty Tài chính VPBank (VPBFC), VPBank đã công bố ý định bán 49% vốn VPBFC cho nhà đầu tư ngoại. Đầu năm nay, HDBank cũng đã bán lại 49% vốn của Công ty Tài chính HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản), đồng thời đổi tên công ty này thành HD Saison. 

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là điều dễ hiểu. Theo ông Katsumi Mizuno, Giám đốc Khối Thị trường quốc tế Credit Saison, dân số trẻ, tỷ lệ dân sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng chưa nhiều khiến Vịêt Nam là mảnh đất nhiều tiềm năng với tín dụng tiêu dùng. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến lĩnh vực này ở Việt Nam.

Trong khi đó, với các ngân hàng trong nước, việc bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài là con đường duy nhất để biến cục nợ mua về thành đống vàng trong tương lai. Hiện nay, trong lĩnh vực này, ngân hàng trong nước còn yếu cả về quản trị, công nghệ lẫn sản phẩm, dịch vụ. Điều này có thể được bù đắp bởi các nhà đầu tư nước ngoài vốn có kinh nghiệm lâu năm. Bên cạnh đó, với lợi thế vốn rẻ dồi dào, các nhà đầu tư ngoại cũng dễ dàng tìm thấy lợi nhuận ở mảng cho vay tài chính từ Việt Nam.

Cái giá của tái cơ cấu công ty tài chính

Nhiều chuyên gia cho rằng, làn sóng ngân hàng ồ ạt sáp nhập công ty tài chính thời gian qua không hoàn toàn xuất phát từ câu chuyện lợi nhuận, mà còn một phần từ sức ép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), buộc các tổ chức tín dụng phải tái cơ cấu các công ty tài chính. Trong các thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng - công ty tài chính diễn ra từ năm 2014 đến nay, có nhiều thương vụ mang tính chất hợp thức hóa sở hữu chéo. Đơn cử, MartimeBank sáp nhập Tài chính dệt may, MB sáp nhập Tài chính sông Đà…

Ngoài ra, NHNN cũng xây dựng nhiều chính sách để thúc đẩy các ngân hàng “xóa sổ” các công ty tài chính yếu kém như: quy định ngân hàng chỉ được phép cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính (dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính).

Bên cạnh đó, đại diện NHNN cũng cho hay, để hỗ trợ các ngân hàng trong nước, thời gian tới, NHNN sẽ hạn chế việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng của nước ngoài ở Việt Nam thêm vài năm nữa. Điều này có nghĩa, công ty tài chính nước ngoài muốn sớm hiện diện tại Việt Nam, nhanh chân giành thị phần thì phải đổ vốn vào từ giai đoạn này, cùng hợp sức với các ngân hàng để tái cơ cấu các công ty tài chính. 

Với những giải pháp trên, NHNN không phải chịu nhiều tốn kém trong việc dọn dẹp các công ty tài chính, trong khi các ngân hàng cũng không hề dại. Ngoài việc được hưởng những chính sách có lợi như trên, hiện các ngân hàng cũng không ngần ngại kiến nghị NHNN hỗ trợ thanh khoản cho công ty tài chính hậu sáp nhập trong trường hợp gặp khó khăn thanh khoản; kiến nghị Bộ Tài chính, cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan được giãn, miễn, giảm số thuế trong 5 năm đầu sáp nhập…

Sáp nhập Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam vào công ty mẹ
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định sáp nhập Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Cao su Việt Nam vào Công ty Mẹ - Tập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư