Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ngành mía đường: Khó chồng thêm khó
Hồng Phúc - 28/07/2016 15:06
 
Việc Bộ Công thương vừa kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu 200.000 tấn đường để đảm bảo nguồn cung đường tiêu thụ nội địa đang khiến nhiều doanh nghiệp mía đường lo ngại vì đường ngoại sẽ ngày càng lấn lướt hàng nội.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, vụ mía 2015 - 2016 chỉ đạt sản lượng gần 13 triệu tấn, giảm hơn 1 triệu tấn so với vụ trước; sản xuất đường đạt hơn 1 triệu tấn, giảm gần 200.000 tấn so với niên vụ trước. Giá đường từ đầu vụ đến nay tăng so với niên vụ trước khoảng 4.500 đồng/kg.

Nhiều doanh nghiệp mía đường có chung nhận định, niên vụ 2015 - 2016, doanh nghiệp mía đường gặp vô vàn khó khăn. Bà Vũ Thị Huyền Đức, Tổng giám đốc Công ty Mía đường I cho biết, ngành mía đường của Việt Nam có sản lượng thấp, giá thành sản xuất cao, người nông dân và các doanh nghiệp chưa thể cùng nhau “dồn điền đổi thửa” để có cánh đồng mía mẫu lớn. Đây cũng là lý do khiến việc cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất cho ngành mía đường chưa thể thực hiện được.

Niên vụ 2015 - 2016, sản lượng mía giảm hơn 1 triệu tấn so với vụ trước.
Niên vụ 2015 - 2016, sản lượng mía giảm hơn 1 triệu tấn so với vụ trước.

“Các doanh nghiệp như chúng tôi đã gồng mình lên để áp dụng tất cả các biện pháp đồng bộ trong sản xuất, chế biến, nhưng khó khăn nhất là áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp vì vùng nguyên liệu hầu như tập trung ở khu vực núi cao. Ngoài ra, việc phát triển vùng nguyên liệu hết sức khó khăn. Vùng nguyên liệu không được quy hoạch rõ ràng, cứ đến vụ là các doanh nghiệp tranh mua tranh bán. Giá mía giá đường tăng giảm liên tục như thị trường chứng khoán”, bà Đức nói.

Đại diện Công ty Mía đường Cần Thơ thì cho biết, thị trường mía đường tại Đồng bằng sông Cửu Long luôn diễn ra tình trạng mua và bán giữa các nhà máy không theo một quy chuẩn. Hiện một số doanh nghiệp đã ban hành chính sách riêng để chủ động diện tích, chủ động sản lượng, thu mua cho dân, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu mua, đặc biệt là phải cạnh tranh với thương lái, hễ thương lái trả giá cao hơn một tí là người dân trồng mía liền bán cho họ, thay vì bán cho nhà máy.

Tuy nhiên, quan điểm của người trồng mía lại khác. Khi được hỏi vì sao có tình trạng người dân bỏ mía trồng những loại cây khác, khiến các doanh nghiệp ngành mía đường thiếu hụt nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Hải, một nông dân trồng mía tại An Giang cho rằng, những năm qua, môi trường bị ảnh hưởng, khô hạn, xâm nhập mặn bao vây các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, khiến người dân không thể phát triển cây mía. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do thiếu vốn, trong khi đó các doanh nghiệp mía đường lại không có hỗ trợ gì giúp người dân, khiến họ buộc phải bỏ cây mía để trồng cây khác.

“Chúng tôi bị doanh nghiệp mía đường bỏ rơi từ lâu rồi. Hễ được mùa thì mất giá, doanh nghiệp cũng dìm giá người dân chả khác gì thương lái, khi khó khăn thì không được hỗ trợ, thế thì ai còn trồng mía nữa chứ”, ông Hải bức xúc.

Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đưa ra cảnh báo cho niên vụ 2016 - 2017, ngành mía đường sẽ tiếp tục căng thẳng về nguyên liệu. “Các doanh nghiệp mía đường phải sớm có biện pháp giúp đỡ người nông dân để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu”, cơ quan này khuyến cáo.

Trước việc Bộ Công thương kiến nghị nhập khẩu 200.000 tấn đường để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhiều doanh nghiệp mía đường không vui, vì lo ngại đường ngoại giá rẻ hơn sẽ lấn át đường nội. Ngành đường tuy sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu, nhưng vẫn muốn giữ thị trường.

Về giải pháp cho ngành mía đường, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nên chú trọng thực hiện hiệu quả việc quy hoạch vùng nguyên liệu. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho mía hay bất kỳ loại cây trồng nào đều phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với người nông dân, không nên cứng nhắc chỉ dùng biện pháp hành chính. Để việc quy hoạch được bền vững thì vai trò của Nhà nước cũng hết sức quan trọng để gắn kết doanh nghiệp với người dân, đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ cùng Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành mía đường, trong đó mô hình xen canh giữa cây cao su và cây mía được ông Nam đánh giá cao và đề nghị các doanh nghiệp tìm hiểu. Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng giao cho Hiệp hội Mía đường Việt Nam xây dựng Đề án Tái cấu trúc ngành mía đường để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho ngành.

Tăng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường
Bộ Công Thương quy định lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2015 đối với đường tinh luyện, đường thô là 81.000 tấn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư