Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Ngày Doanh nhân Việt Nam, nói về Luật Doanh nghiệp và quản trị tốt
Khánh Linh thực hiện - 13/10/2024 09:48
 
Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), phải nhắc tới 25 năm của Luật Doanh nghiệp 1999. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.

Từ “tư duy tự do kinh doanh”...

Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1991 đánh dấu thời điểm chính thức thừa nhận về mặt pháp lý đối với kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 1999 thực sự tạo ra cải cách đột phá gia nhập thị trường và thay đổi tư duy theo nguyên tắc người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân được thành lập từ tư duy này.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Chí Cường

Đã 25 năm kể từ khi tư duy tự do kinh doanh được Luật Doanh nghiệp năm 1999 đặt nến tảng đầu tiên! Nhìn lại chặng đường đã qua, ông muốn nói điều gì vào lúc này?

Kể từ năm 1999, Luật Doanh nghiệp đã qua 3 lần sửa đổi, vào năm 2005, năm 2014 và Luật Doanh nghiệp hiện hành đã được Quốc hội thông qua năm 2020.

Hai nội dung quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp là gia nhập thị trường và quản trị công ty. Luật Doanh nghiệp năm 1999 thực sự tạo ra cải cách đột phá gia nhập thị trường và thay đổi tư duy theo nguyên tắc người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Đây là điểm cải cách, đột phát, trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc trước đó là người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Mỗi lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp là mỗi lần đều có cải cách pháp lý mạnh mẽ hơn về quyền kinh doanh, đơn giản hóa thành lập doanh nghiệp và thúc đẩy quản trị công ty tốt.

Có lẽ, Luật Doanh nghiệp năm 2024 đánh dấu thay đổi mạnh mẽ về quản trị doanh nghiệp, thưa ông?

Đúng vậy, Luật Doanh nghiệp 2014 đã xây dựng khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp cập nhật với thông lệ quốc tế tốt, nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, đặc biệt là cổ đông thiểu số.

Ngay khi Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, Ngân hàng Thế giới (WB) đã ghi nhận nước ta ở vị trí xếp hạng 87/190 quốc gia về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư; tăng 90 hạng so với trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành.

Sau đó, mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông dần dần tụt thứ hạng do nhiều nước khác có cải cách và xếp hạng 97/190 năm 2020.

Luật Doanh nghiệp 2020 đã đặt trọng tâm sửa đổi là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra. Đó là nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của WB và so với xếp hạng năm 2020).

Cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán cũng được hoàn thiện nội dung về quản trị doanh nghiệp. Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về quản trị công ty đại chúng và công ty niêm yết theo nguyên tắc của thông lệ quốc tế với một số chuẩn mực quản trị cao hơn so với Luật Doanh nghiệp.

Cùng với nỗ lực cải thiện khung khổ pháp lý, thì thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt theo thông lệ quốc tế cũng đã được đẩy mạnh. Bộ các nguyên tắc về quản trị công ty theo G20/OECD lần đầu được Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) xuất bản bằng tiếng Việt. Bộ nguyên tắc quản trị công ty Việt Nnam theo thông lệ tốt nhất đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và IFC biên soạn và công bố tháng 8/2019.

Có thể nói, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị công ty, hướng tới tiệm cận chuẩn mực quản trị công ty tốt theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế tốt.

... đến thực hành quản trị công ty tốt

Ở Việt Nam, vấn đề quản trị công ty đáng lo lắng cả về nhận thức, thực hành quản trị và hậu quả mà nó đang diễn ra. Nhận thức về lợi ích của quản trị tốt có được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; chưa nhiều doanh nghiệp chú ý đúng mức, nhận thức về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của quản trị tốt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững.

Thay đổi thứ tự xếp hạng của chỉ tiêu Bảo vệ nhà đầu tư của Luật Doanh nghiệp theo Báo cáo kinh doanh của Ngân hàng thế giới, giai đoạn 2000-2020. Nguồn: Tổng hợp của ông Phan Đức Hiếu

Gần đây, nhiều vụ việc tranh chấp nội bộ trong nhiều doanh nghiệp. Theo ông tại sao?

Hầu hết đều có nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém. Thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở thành tranh chấp trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa các doanh nghiệp và làm suy yếu hoạt động của doanh nghiệp.

Quản trị công ty yếu kém sẽ dẫn đến không kiểm soát được xung đột lợi ích, một cổ đông lớn chi phối toàn bộ hoạt động của công ty và bộ máy quản trị, quản lý bị vô hiệu dẫn đến hoạt động kinh doanh nhiều rủi ro, thiếu bền vững; cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích… đều là nguyên nhân dẫn đến sụp đổ của doanh nghiệp.

Tất nhiên, phải khẳng định, nhận thức về lợi ích quản trị công ty có dấu hiệu cải thiện.

Tuy vậy, mức độ quản trị có sự không đồng đều giữa các doanh nghiệp khác nhau và trong cùng loại hình doanh nghiệp. Thậm chí, có tình trạng còn khoảng cách lớn giữa thực tiễn so với yêu cầu của pháp luật. Vẫn còn tình trạng phổ biến nhằm đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm nhiều hơn là tự nguyện cam kết nâng cao quản trị vì chính lợi ích của công ty, doanh nghiệp.

Theo Báo cáo đánh giá quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam cho thấy bức tranh rõ ràng thực tế nêu trên. Nhiều doanh nghiệp thậm chí chưa đáp ứng được yêu cầu tuân thủ pháp luật; còn việc áp dụng thực tiễn quốc tế tốt là rất hạn chế.

Khoảng cách giữa luật và thực tiễn quản trị của nước ta thể hiện rất rõ khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Theo Báo cáo kinh doanh của WB, thì so sánh về khung khổ pháp lý thì nước ta tương đương với Indonesia và cao hơn Philippines. Tuy nhiên, theo Báo cáo thẻ điểm quản trị ASEAN thì mức độ quản trị công ty trên thực tế của nước ta thấp nhất.

Cụ thể, khung khổ pháp lý về quản trị ở Việt Nam có thể hình dung thế nào, thưa ông?

Về pháp lý, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán hiện hành là bước tiếp pháp lý lớn trong nâng cao khung khổ quản trị theo nguyên tắc và thông lệ quản trị tốt khu vực và thế giới.

Tôi muốn nhấn mạnh hơn về lợi ích và yêu cầu của quản trị công ty tốt đã có nhiều minh chứng rõ ràng.

Báo cáo đánh giá quản trị công ty niêm yết trong năm 2019, 2020 cho thấy mức trung bình lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị tốt cao hơn mức trung bình lợi luận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị kém hơn.

Báo cáo kết quả Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch (CBTT&MB) năm 2020 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy điểm CBTT&MB (của Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch) có mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh được đo bằng ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) và ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản).

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gần đây đã nhấn mạnh rằng quản trị công ty tốt và thị trường tài chính đóng vai trò quan trò đặc biệt quan trọng trong phục hồi kinh tế, thoát ra khỏi khủng khoảng Covid.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng đã phát hành cuốn cẩm nang hành động dành cho Hội đồng quản trị với tiêu đề: vượt qua khủng khoảng. Các khủng khoảng là có thể tránh được và do đó quản trị công ty tốt là một cách để ứng phó tốt với khủng khoảng và đi lên bởi vì bản chất của quản trị công ty đã bao gồm hệ thống quản lý rủi ro và ứng phó với rủi ro...

Dường như để biến khung pháp lý tốt thành quản trị doanh nghiệp tốt trên thực tiễn vẫn là một thách thức lớn ở nước ta, thưa ông?

Đúng vậy. Nói cách khác, việc nâng cao chất quản trị công ty và thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt là một thách thức cho nước ta và cần nhiều nỗ lực hơn nữa đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện một cách thực chất các hoạt động quản trị tốt bên cạnh các quy định luật pháp tốt.

Rõ ràng, hơn ai hết bản thân lãnh đạo doanh nghiệp, các hội đồng quản trị và từng thành viên HĐQT, Ban điều hành cần hiểu rằng, họ có vai trò quan trọng trong thực hành quản trị công ty tốt. Điều quan trọng hơn, ở mức độ cao nhất của quản trị công ty tốt chính là quản trị vượt trên sự tuân thủ.

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp không chỉ thực hiện đúng và đủ quy định của Luật mà họ đã thực hiện và áp dụng nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế tốt, ở mức cao hơn Luật và vì lợi ích bền vững của chính doanh nghiệp, vì an sinh của cộng đồng các bên liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo khai thác hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Đây là điều các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng tới để đi xa hơn, mạnh hơn.

Doanh nhân Việt và bài toán phát triển đất nước
Tự thân các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn mong chọn con đường lớn lên, so được với “thiên hạ” và giải được các bài toán lớn của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư