Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 31 tháng 12 năm 2024,
Nghỉ hè, phòng ngừa trẻ bị dị vật tai mũi họng
D.Ngân - 22/06/2024 11:52
 
Mùa hè, trẻ nghỉ học, tự chơi ở nhà, ba mẹ nên giám sát trẻ thường xuyên và chặt chẽ để phòng ngừa trẻ nhét dị vật vào tai, mũi, họng.

Một tháng nghỉ hè, một cơ sở y tế tại TP.HCM thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhét đồ chơi vào mũi, họng; có trường hợp cấp cứu.

Mùa hè, trẻ nghỉ học, tự chơi ở nhà, ba mẹ nên giám sát trẻ thường xuyên và chặt chẽ để phòng ngừa trẻ nhét dị vật vào tai, mũi, họng.

Giữa tháng 6/2024, bé M.T.H. (1 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được đưa vào cấp cứu bệnh viện trong tình trạng bé khóc, ho sặc sụa, mặt đỏ, vã mồ hôi. Mẹ bé nghi ngờ bé nhét đồ vật vào họng và bị nghẹn lại.

phát hiện một dị vật ở hầu họng bé, vùng họng xung huyết. Mẹ bé và điều dưỡng dỗ để bé không khóc, giữ đầu bé để bé không xoay lắc. Các bác sĩ nội soi, dùng dụng cụ chuyên dụng gắp ra một ngôi sao nhỏ bằng xốp màu vàng còn nguyên vẹn, dài khoảng 2cm. May mắn là phụ huynh đưa bé đến bệnh viện ngay khi vừa phát hiện để bác sĩ xử lý kịp thời.

Vì dị vật ở hầu họng nếu không phát hiện và xử lý kịp có thể gây bít tắc đường thở, hoặc có thể đi từ hầu họng vào thanh quản, khí quản khiến trẻ khó thở, nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, dị vật tồn tại trong cơ thể có thể gây nhiễm trùng, thậm chí thủng loét vị trí xung quanh. Một trường hợp khác, bé G.T.D. (3 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) đang ngồi chơi ở phòng khách thì khóc thét, nói đau mũi, chảy nước mũi.

Mẹ bé nghi ngờ bé nhét đồ chơi vào mũi nên nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện. Các bác sĩ dùng đèn Clar đội đầu quan sát thấy có dị vật ở cửa mũi trái.

Mẹ bé và điều dưỡng giữ bé, bác sĩ sử dụng dụng cụ chuyên dụng, lấy ra một mảnh xếp hình lego màu xanh. Mũi bé có chảy ít máu không đáng kể do dị vật cọ vào niêm mạc mũi gây tổn thương và tự cầm sau đó.

Trường hợp này, bé nhỏ hợp tác kém nên thao tác của bác sĩ phải dứt khoát, nhanh chóng vì nếu không, bé khóc, quấy, dị vật có thể đi sâu vào trong và làm tổn thương mũi của bé khi thao tác.

Với dị vật ở cửa mũi, bác sĩ chỉ dùng đèn là quan sát thấy, chưa cần nội soi mũi và lấy ra dễ dàng tại phòng khám. Nhưng trong một số trường hợp khác, khi trẻ quấy khóc, không hợp tác, dị vật sâu bên trong, bác sĩ phải phẫu thuật có gây mê để lấy dị vật.

Dị vật mũi nếu không được phát hiện, lấy ra kịp thời có thể gây nhiễm trùng, thủng vách ngăn mũi hoặc dị vật rơi xuống sâu gây bít đường thở, khó thở, nguy hiểm đến tính mạng.

Thạc sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, trẻ dưới 7 tuổi có bản tính tò mò, thích khám phá những đồ vật lạ mắt xung quanh nên có thể đưa vào mũi, họng, tai bất cứ khi nào, nhất là khi bé tự chơi, không ai giám sát, không ai chơi cùng. Nếu trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, ba mẹ không nên để trẻ tự chơi một mình.

Giai đoạn này mùa hè, trẻ nghỉ học, tự chơi ở nhà hoặc chơi với anh chị em họ, ba mẹ nên đặc biệt chú ý, giám sát trẻ chặt chẽ để phòng ngừa trẻ tự nhét đồ vật vào tai, mũi, họng hoặc nhét đồ vật vào tai, mũi, họng nhau khi chơi cùng.

Ba mẹ không nên cho trẻ chơi những đồ chơi có những mảnh nhỏ hoặc đồ kích thước nhỏ như lego, đồ sắc nhọn, đồng xu, cúc áo, pin…

Mùa hè cũng là mùa của nhiều loại hoa quả, trái cây, ba mẹ không để trẻ tự ăn các loại quả quá trơn như hạt chôm chôm, nhãn… hoặc các hạt cứng như mắc ca, óc chó, đậu phộng, hạnh nhân vì dễ gây hóc, nghẹn.

Các loại hạt có kích thước tròn, nhỏ như hạt bắp, hạt đậu Hà Lan cũng không an toàn để trẻ dưới 3 tuổi cầm nắm. Vì trẻ có thể nhét những hạt này vào mũi. Các loại thạch, rất trơn, dễ lọt xuống họng gây nghẹn khi trẻ chưa kịp nhai. Vì vậy, khi cho trẻ dưới 5 tuổi ăn các loại thạch này, ba mẹ cần cắt ra các miếng nhỏ.

Cha mẹ cũng không nên để trẻ tự ăn thức ăn chưa tách xương, không để trẻ tự gặm đùi gà, vịt để tránh hóc xương; không để trẻ vừa ăn vừa cười giỡn.

Bác sĩ lưu ý, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu dị vật mũi, họng như ho sặc sụa, khó thở, đau nhức mũi, nghẹn ở họng, phụ huynh không nên cố móc lấy dị vật ra vì sẽ gây phù nề đường thở; không la hét trẻ khiến trẻ khóc thét, dị vật sẽ bị đẩy sâu vào trong.

Khi trẻ bị dị vật họng, cha mẹ không nên cho trẻ nuốt cơm vì nhiều trường hợp, hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn; không vuốt xuôi ngực trẻ vì khiến dị vật đi sâu vào đường thở. Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ xử lý kịp thời.

Khi phát hiện trẻ nghẹt dị vật mũi, ba mẹ cần nhẹ nhàng trấn an và hướng dẫn trẻ đẩy dị vật ra ngoài. Cha mẹ bịt một bên mũi không có dị vật và hướng dẫn trẻ xì mạnh bên có dị vật.

Tuyệt đối không dùng ngón tay hoặc các vật dụng để cố lấy dị vật. Nếu xì mạnh một bên mũi, dị vật vẫn không ra, tốt nhất ba mẹ nên đưa bé tới bệnh viện để được bác sĩ tai mũi họng gắp dị vật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư