Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Nghiên cứu các gói chính sách quy mô đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng
Hà Nguyễn - 08/06/2024 10:45
 
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024, trong đó một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Nhiệm vụ này được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan. Kế hoạch là trong quý IV/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề cập việc cần nghiên cứu một gói chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024.

Trước đó, khi báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sau khi đề cập những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cũng đã đề cập việc cần tổng kết, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành để có chính sách mới, quy mô đủ lớn hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chip, bán dẫn... trong bối cảnh các chính sách tài khóa đã cơ bản được xây dựng và triển khai, chính sách tiền tệ phải tập trung nhiều nguồn lực hơn để ổn định tỷ giá, xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, công tác phối hợp và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa thực sự kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Chính sách tài khóa chủ yếu tập trung vào miễn, giảm thuế, phí và đẩy mạnh đầu tư công. Trong khi đó, chính sách tiền tệ chủ yếu sử dụng nguồn lực của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế.

“Các chính sách kết hợp nguồn lực triển khai còn có khó khăn, vướng mắc đối với cả cơ quan quản lý, đơn vị triển khai và đối tượng thụ hưởng, nên hiệu quả chưa cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói như vậy.

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy tăng trưởng đang tiếp tục phục hồi tích cực, nhưng dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Việc một số nước triển khai các gói kích thích kinh tế mới đã làm tăng thêm sức ép cạnh tranh, yêu cầu nền kinh tế Việt Nam phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thực tế, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều nền kinh tế đã tung ra các gói kích thích kinh tế mới, bao gồm cả các chính sách để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực công nghiệp trọng yếu như chip bán dẫn, AI.

Chẳng hạn, Đức đang xây dựng gói kích thích kinh tế, quy mô khoảng 7 tỷ EURO (7,6 tỷ USD) tập trung vào giảm thuế.

Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip, dự kiến bao gồm các chương trình tài chính, sáng kiến nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các nhà sản xuất chip, cung cấp vật liệu và các công ty thiết kế chip. Trọng tâm là chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 17.000 tỷ won (khoảng 12,5 tỷ USD) để hỗ trợ đầu tư hạ tầng thông qua Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.

Đồng thời, Hàn Quốc cũng có kế hoạch kéo dài chính sách giảm thuế (dự kiến kết thúc vào cuối năm 2024) để hỗ trợ các dự án đầu tư quy mô lớn.

Trong khi đó, Thái Lan quyết định triển khai kế hoạch kích thích kinh tế quy mô 500 tỷ Baht (13,8 tỷ USD) trong 6 tháng cuối năm 2024, phát tiền trực tiếp vào tài khoản ví kỹ thuật số cho công dân từ 16 tuổi trở lên.

Đồng thời, Thái Lan cũng đang tập trung tìm giải pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Trong khu vực, Indonesia cũng đã thông qua gói ngân sách 455 triệu USD để trợ cấp mua xe máy điện từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô có nhà máy ở Indonesia và sử dụng ít nhất 40% linh kiện nội địa. Còn Malaysia ban hành Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP) vào cuối năm 2023, quy mô khoảng 20 tỷ USD, để chuyển đổi ngành công nghiệp của Malaysia, nhất là các ngành điện và điện tử, hóa chất, xe điện, hàng không vũ trụ, dược phẩm, thiết bị y tế và vật liệu tiên tiến.

Trung Quốc thậm chí đã thành lập Quỹ đầu tư bán dẫn quy mô 27 tỷ USD để thúc đẩy năng lực tự chủ của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc; đồng thời triển khi gói hỗ trợ quy mô 42 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) cho các doanh nghiệp được chỉ định vay để mua lại các dự án bất động sản.

Nền kinh tế này cũng triển khai kế hoạch phát hành 1.000 tỷ NDT (khoảng 140 tỷ USD) trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài để đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách, có vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa nền kinh tế.

Tương tự, Ấn Độ quyết định hỗ trợ lên tới 50% chi phí đầu tư đối với 3 nhà máy sản xuất và thử nghiệm chip có tổng quy mô đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Còn Nhật Bản, đã công bố gói chính sách 17.000 tỷ yên (113 tỷ USD) vào cuối tháng 11/2023, tập trung vào giảm thuế và trợ cấp cho người dân để giảm bớt áp lực tăng giá lên đời sống. 

Những động thái này đúng là đang tạo nhiều thách thức cho Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cũng như muốn thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp bán dẫn.

Phản ứng chính sách kịp thời khi thị trường và kinh tế thế giới có “vạn biến”
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương về quan điểm điều hành chính sách, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư