Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Người đưa kem Baskin Robbins trở lại Việt Nam
Vy Minh Quân - 16/08/2013 08:29
 
Không qua trường lớp đào tạo kinh doanh chính quy, nhưng với đam mê kinh doanh thực phẩm, không ngại trải nghiệm và sẵn sàng đối đầu thách thức, Nguyễn Thanh Nam đã chèo lái “con thuyền” Blue Star Food Corporation vượt qua đối thủ ngoại, đưa thương hiệu kem Baskin Robbins trở lại Việt Nam.

Kinh doanh là phải có sai lầm

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, nhưng do sớm được tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình, nên Nguyễn Thanh Nam đã bén duyên và quyết định rẽ sang kinh doanh.

Dù vậy, kiến thức luật không hề bị bỏ phí, giúp anh tránh được nhiều vấp váp và tự tin hơn khi đưa ra quyết định kinh doanh.

Doanh nhân Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty Blue Star Food

Đến thời điểm này, Nam đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm thương trường.

Đó là tài sản quý giá mà anh tích cóp được trong quá trình làm việc với bậc cha, chú trong công ty gia đình, kết hợp với kiến thức từ các khóa học ngắn hạn về kỹ năng quản lý, lãnh đạo, marketing...

“Không có bài học nào sinh động, cụ thể và cho mình nhiều kinh nghiệm bằng chính thực tiễn”, anh khẳng định.

Cũng với suy nghĩ đó, năm 2009, khi ông Nguyễn Hiếu Liêm, ba của Nam quyết định thành lập công ty sản xuất bánh (Công ty liên doanh TopCake), anh đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ xây dựng toàn bộ nhà máy.

Và quả ngọt mà anh nhận được khi đối đầu với thách thức rất lớn này là nhà máy sản xuất bánh đã hoàn thành sau gần một năm xây dựng và đang vận hành trơn tru.

Sau đó, Nam tiếp tục dấn thân vào một thách thức mới, đó là đảm nhiệm vị trí Giám đốc bán hàng và tiếp thị của TopCake. Để hoàn thành trọng trách này, Nam đã sang Philippines học hỏi quy trình sản xuất, cách quản lý nhà máy của doanh nghiệp ngoại. Khi làm việc với họ, anh đặc biệt ấn tượng với phong cách làm việc rất chuyên nghiệp và trách nhiệm với phương châm “chỉ có hết việc chứ không hết giờ”.

Tuy làm việc tại công ty gia đình, nhưng Nam chưa bao giờ phải chịu áp lực với những ý kiến trái chiều từ cha mẹ. Anh được toàn quyền quyết định các chiến lược kinh doanh, quản lý nhân sự trong nhà máy bánh.

Cũng có lúc, anh không tránh được những quyết định nóng vội, chưa khả thi, nhưng ba mẹ vẫn động viên: “Kinh doanh là phải có sai lầm, vấn đề là làm thế nào để bước đi sau sẽ tốt hơn bước đi trước”.

Vượt mặt đối thủ ngoại

Qua tìm hiểu và thăm dò thị trường, nhận thấy lĩnh vực kinh doanh fast food đang rất sôi động tại Việt Nam, đặc biệt là dư địa trên thị trường kem còn khá rộng lớn, năm 2010, anh và gia đình đặt mục tiêu mua nhượng quyền thương hiệu kem Baskin Robbins của Mỹ để kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có rất nhiều công ty khác cũng đang xếp hàng đề nghị được nhượng quyền thương hiệu, để thuyết phục công ty mẹ là điều không dễ.

Đó là chưa kể, cách đây hơn 10 năm, cũng đã có một Việt kiều đem thương hiệu này về Việt Nam nhưng đã thất bại. “Thời đó, họ thất bại vì kem nhập khẩu bị đánh thuế 75%, nên giá bán đắt, không phù hợp với thu nhập của người Việt Nam”, Nam chia sẻ và cho biết, anh đã xây dựng một “nhóm phản ứng nhanh” chuyên tìm hiểu, phân tích kỹ lợi thế, đưa ra nhiều kế hoạch tiếp thị, mở rộng thị trường cho Baskin Robbins.

Nhờ vậy, hiểu biết về mùi vị kem, lịch sử thương hiệu, nỗi khát khao được làm chủ thương hiệu này tại Việt Nam cùng những ý tưởng kinh doanh của Nam đã hoàn toàn thuyết phục được công ty mẹ của thương hiệu Baskin Robbins.

Chính thức khai trương Baskin Robbins vào cuối năm 2011 tại TP.HCM, anh quyết định cùng lúc mở 3 cửa hàng. Giải thích cho “phát súng” táo bạo này, Nam bảo: “Đó cũng là cách làm thương hiệu và khuyếch trương hệ thống nhận diện thương hiệu”.

Nhờ kinh nghiệm trong lần “thử sức” ở lĩnh vực bất động sản ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Nam chọn được nhiều vị trí tốt để mở cửa hàng kinh doanh kem Baskin Robbins. Với chiến lược tập trung vào giới trẻ năng động, thích trải nghiệm và có thu nhập cao, chỉ sau hơn một năm, Công ty Blue Star Food của anh đã mở được 15 cửa hàng Baskin Robbins.

“Chúng tôi chọn Baskin Robbins vì đây là thương hiệu phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam. Để có một chiến lược giá phù hợp, chúng tôi phải mất hơn một năm để nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, khi khảo sát người dùng mục tiêu, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, với phát hiện giới trẻ Việt Nam hiện không quan tâm nhiều về giá, mà là dịch vụ, chất lượng kem và sự trải nghiệm mà sản phẩm mang lại”, Nam nói.

Chọn hướng phát triển chậm

Theo kế hoạch cam kết với công ty mẹ ở Mỹ, Blue Star Food sẽ phát triển 31 cửa hàng kem tại Việt Nam, nhưng chiến lược kinh doanh của Nam là, trong 5 năm, sẽ có 50 cửa hàng tại các thành phố lớn trên cả nước như Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Vũng Tàu... Theo Nam, mục tiêu này không khó thực hiện, bởi giới trẻ Việt Nam luôn thích thể nghiệm cái mới. Hơn nữa, tiêu chuẩn của cửa hàng kem Baskin Robbins không quá cao, diện tích nhỏ 15 m2 cũng có thể được chấp nhận.

Trước thành công của Baskin Robbins, nhiều đối tác đã đặt vấn đề mua lại nhượng quyền, nhưng Nam không đồng ý, dù việc “tự thân vận động” có thể khiến tốc độ phát triển của Công ty chậm hơn. “Nếu tôi đồng ý nhượng quyền cho các đối tác, thì sẽ rất khó kiểm soát hệ thống, rất khó đồng nhất thiết kế cửa hàng của người này và người khác”, Nam giải thích và cho biết, có thể sau 5 năm nữa, anh mới tính đến điều này.

Cũng với chiến lược phát triển “với tốc độ vừa phải”, Nam chưa bao giờ chứng tỏ sự vội vàng trong việc thực hiện khát vọng phủ sóng toàn quốc thương hiệu Baskin Robbins. Người dân ở mỗi địa phương có tập tục, sở thích ăn uống khác nhau, vì vậy, Blue Star Food thường mất 5 - 6 tháng nghiên cứu, khảo sát kỹ trước khi quyết định “đánh” vào thị trường nào đó.

Bên cạnh đó, Nam không chạy theo số lượng, mà tập trung đánh đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Riêng tại TP.HCM, Blue Star Food cũng chia nhỏ từng khu vực để xác định đối tượng mục tiêu và xây dựng chiến lược kinh doanh khác nhau. Theo đó, nếu khách hàng mục tiêu ở khu trung tâm như Phạm Hồng Thái, Trương Định là khách Tây, thì ở khu vực Nguyễn Thị Minh Khai, đối tượng mục tiêu lại là gia đình Việt.

Sau vài tiếng say sưa chia sẻ về chuyện làm bánh, kinh doanh kem, “ngọn lửa” đam mê vẫn ngùn ngụt trong anh. Khi được hỏi về “đỉnh cao” sắp tới sẽ chinh phục, anh chỉ cười: “Hãy cho tôi làm tốt việc tôi đang làm!”.

Trò chuyện với Nguyễn Thanh Nam

Theo anh, ưu và nhược điểm của giới doanh nhân trẻ hiện nay là gì?

Ưu điểm là năng động, dám nghĩ, dám làm, có tri thức, có ngoại ngữ nên tự tin và có nhiều cơ hội đàm phán trực tiếp với đối tác.

Nhược điểm là quá tự tin, nhìn cái gì cũng màu hồng, nên có những quyết định nóng vội, thiếu chiều sâu và tầm nhìn xa.

Quan điểm kinh doanh của anh?

Nhiều doanh nhân cho rằng, kinh doanh phải nhanh và chắc mới thành công. Nhưng quan điểm của tôi là, đôi lúc cũng nên suy nghĩ chậm lại để có những bước đi cẩn trọng hơn.

Điều anh thường trăn trở khi đứng vào hàng ngũ doanh nhân?

Đừng xem thương trường là chiến trường để đánh mất đạo đức kinh doanh của người Việt, đó là cái tình, cái tâm đối với cộng đồng, xã hội; là sự thủy chung, có trước, có sau giữa những người cùng kinh doanh.

Theo anh, điều gì là khó nhất đối với người lãnh đạo doanh nghiệp?

Đó là quản lý con người, bởi quản lý kinh doanh, quản lý chuỗi hoạt động thì còn học được và có quy trình. Nhưng để quản lý con người, người lãnh đạo phải có nghệ thuật giữ người và áp dụng những chính sách khích lệ nhân viên làm việc một cách phù hợp.

Đức tính quý nhất mà anh học được từ ba của mình?

Đó là tính điềm đạm, hoà đồng, khả năng gắn kết và truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc. Với người khó tính, xung khắc, ba tôi vẫn biết cách để họ hoà đồng và làm việc hết sức mình.

Hãng kem Baskin-Robbins sắp Bắc tiến
Nhãn hiệu kem nổi tiếng của Mỹ - Baskin-Robbins vừa chính thức khai trương thêm 2 cửa hàng ở TP.HCM tại số 387 Hai Bà Trưng, Q.3 và số 173 Phạm Ngũ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư