Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Người vay mua nhà mắc kẹt trong vòng xoáy lãi suất tăng cao
Thùy Vinh - 21/02/2023 08:45
 
Từ mức 9-10%/năm vào giữa năm 2022, nay nhiều người vay mua nhà được ngân hàng thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay lên 14-15%/năm.
Lãi suất cho vay cao là rào cản đối với người mua nhà. Ảnh: Lê Toàn

Lãi suất cho vay khó giảm

Với khoản vay gần 1 tỷ đồng trong 5 năm để mua căn hộ trị giá 3,5 tỷ đồng của Dự án Vinhomes Grand Park (Thủ Đức, TP.HCM), anh Nguyễn Hoàng Hiếu vừa được ngân hàng thông báo, lãi suất vay đã được điều chỉnh từ 10%/năm cuối tháng 8/2022 lên 14,5%/năm (cộng thêm biên độ 4,5%/năm). Với khoản tiền vay còn lại sau khi đã trả gốc và lãi được khoảng 6 tháng, áp lực lãi vay “đè” nặng lên vai anh Hiếu.

Thực tế, tại hầu hết các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đã tăng khoảng 3-5%/năm so với trước thời điểm tháng 10/2022, với trên 10,5%/năm đối với kỳ hạn dài và 9-9,5%/năm kỳ hạn từ 6-12 tháng.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, lãi suất sẽ khó giảm nhanh được. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn tăng lãi suất USD, thì Việt Nam khó hạ lãi suất VND. Nhưng nếu áp lực về tỷ giá và các áp lực khác giảm, sẽ tạo ra dư địa để cân nhắc việc giảm lãi suất.

Kỳ vọng lãi suất trở về mức trước năm 2022 là rất khó, chỉ có thể giảm được 1- 2%. Nếu Fed tăng lãi suất USD mà Việt Nam giảm lãi suất VND, sẽ gây áp lực lên tỷ giá, dòng tiền có xu hướng rút khỏi thị trường. Trừ khi Fed có động thái ngưng tăng và bắt đầu hạ lãi suất USD, thì Việt Nam mới có nhiều dư địa để hạ mạnh lãi suất VND. Vì thế, mặt bằng lãi suất có thể giảm trong năm 2023, nhưng phải từ quý II trở đi.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, lãi suất tăng là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản gặp khó khăn và áp lực lãi suất cao là rào cản đối với người mua nhà. Thêm vào đó, theo quy định của NHNN, đến ngày 1/10/2023, các ngân hàng chỉ còn được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, thực tế trên sẽ gây khó khăn cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp và người vay mua nhà. Trong khi đó, người mua nhà ở chính là khâu đầu tiên giải quyết thanh khoản cho thị trường bất động sản, vì họ sẽ luân chuyển được dòng tiền cho chủ đầu tư và thị trường bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này quay lại doanh nghiệp...

Trước áp lực lãi vay đối với người mua nhà, HoREA kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ người mua căn nhà đầu tiên với mức giá không quá 2 tỷ đồng được vay lãi suất 4,7%/năm trong thời hạn 10-20 năm.

Người mua nhà “tiến thoái lưỡng nan”

Hiện áp lực lãi vay tăng cao không chỉ với khoản vay mới, mà ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cả khoản vay cũ, khiến nhiều người vay mua nhà trong năm 2022 cũng như đầu năm nay “tiến thoái lưỡng nan”. Ở giai đoạn cuối năm 2022, do cạn room tín dụng, một số ngân hàng còn từ chối giải ngân thêm cho khách hàng, trong khi mới đi chưa được nửa chặng đường.

Chị Nguyễn Anh Thư (nhân viên hành chính của một ngân hàng) cho biết, năm qua, chị vay vốn ngân hàng để mua đất nền của một dự án trị giá hơn 3 tỷ đồng, nhưng cuối năm được ngân hàng thông báo dừng giải ngân. Đầu năm nay, chị Thư liên hệ lại với ngân hàng, thì được trả lời có cho vay lại, nhưng hạn mức không nhiều và lãi suất tăng thêm khoảng 3,5% so với mức cũ.

Với mức lãi vay lên tới xấp xỉ 14%/năm, tính đi tính lại, chị Thư rất khó trả nổi lãi vay cho ngân hàng đến khi hoàn tất khoản nợ vay (tầm 2 tỷ đồng). Vì thế, chị đang tính tới phương án chuyển nhượng với mức giá lỗ so với ban đầu và cầu mong chủ đầu tư sẽ thu hồi để được tất toán khoản vay còn lại cho ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm hiện nay, để chuyển nhượng miếng đất trên, dù giá hời hơn lúc mua, là không dễ dàng. 

Không riêng chị Thư, nhiều khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, căn hộ và kể cả đất cũng đang “mắc kẹt” trong vòng xoáy lãi suất ngân hàng tăng cao.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tăng mạnh từ tháng 10/2022 lên khoảng 9-10%/năm, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng mạnh lên khoảng 14-15%/năm đối với cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lãi suất cho vay cao đã phần nào tác động tiêu cực đến nhu cầu vay mới. Chỉ khi các đợt tăng lãi suất USD của Fed kết thúc, thì lãi suất VND mới có thể hạ nhiệt, khả năng là trong nửa cuối năm 2023.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), với mức lãi suất cho vay quanh 15%/năm hiện nay, dù hạn mức tín dụng năm 2023 được tăng trưởng ở mức cao hơn năm trước, khách hàng cũng khó có thể tiếp cận được dòng vốn. Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế khi nguồn vốn dành cho thị trường hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, trong khi các kênh dẫn vốn khác như: trái phiếu, cổ phiếu vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Lạm phát năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 dưới 4,5%. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tăng lên 9,5 - 13%/năm từ tháng 10/2022 và duy trì mức tối đa 9,5%/năm hiện nay. Việc lãi suất huy động cao gấp đôi, gấp ba lần so với lạm phát đã đẩy lãi vay lên 12- 15%/năm, khiến người cần vốn khó có thể chịu nổi.
Bẫy lãi suất chực chờ người vay mua nhà
Nhiều khách hàng vay vốn mua nhà đang ngồi trên lửa khi lãi vay tăng vọt sau khi thời gian ưu đãi hết hiệu lực. Các chuyên gia cảnh báo nợ xấu sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư