Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Người Việt chi 500 tỷ đồng mỗi tháng để mua điện thoại trên sàn thương mại điện tử
Nhung Bùi - 12/07/2023 08:34
 
Vượt qua iPhone, Samsung là thương hiệu dẫn đầu thị phần điện thoại di động trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam.

Bảng xếp hạng YouNet ECI Ranking công bố gần đây tiết lộ điện thoại là mặt hàng có tổng giá trị giao dịch lớn nhất trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Bảng xếp hạng được thực hiện bởi công ty phân tích dữ liệu thương mại điện tử YouNet ECI dựa trên dữ liệu doanh thu thu thập hàng ngày từ hơn 24.000 gian hàng đang kinh doanh trên ba sàn Shopee, Lazada, Tiki, tính đến thời điểm tháng 5/2023.

Theo đó, đối với ngành hàng điện thoại di động, tổng doanh thu từ 3 sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada trong tháng 5 đạt 501 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,3% so với tháng 4/2023. Nhìn rộng ra, theo số liệu thống kê của YouNet ECI từ tháng 10/2022 đến tháng 05/2023, trung bình người tiêu dùng Việt Nam đang chi tiêu 515 tỷ đồng mỗi tháng cho việc mua sắm các mặt hàng điện thoại di động trên các sàn thương mại điện tử là Shopee, Lazada, Tiki.

Điện thoại là ngành hàng có tổng giá trị giao dịch lớn nhất trên các sàn thương mại điện tử trong tháng 5/2023.

Tính về tổng dung lượng thị trường, 3 sàn thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 6-7% dung lượng bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam.

Trong tháng 5 vừa qua, Samsung đã vượt qua iPhone để đứng số 1 về doanh thu trong mảng điện thoại di động. So với tháng 4, doanh thu từ các sàn thương mại điện tử của Samsung tăng trưởng 6%, đạt 144,58 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu từ các sàn thương mại điện tử của iPhone lại giảm đến 21% so với tháng 4, đạt 143,15 tỷ đồng.

Xếp sau Samsung và iPhone trong bảng xếp hạng YouNet ECI Ranking tháng 5 lần lượt là các thương hiệu OPPO, Xiaomi, Vivo. Cả ba thương hiệu này đều có một tháng 5 tương đối khởi sắc trên các sàn thương mại điện tử khi tăng doanh thu lần lượt 54%, 30% và 146% so với tháng 4.

Samsung là thương hiệu di động có giá trị giao dịch lớn nhất trên các sàn thương mại điện tử trong tháng 5/2023.

Nếu trước đây người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu dùng kênh thương mại điện tử  để mua các đơn hàng thiết yếu như tã, bỉm hoặc các mặt hàng có giá trị thấp thì nay, chất lượng dịch vụ giao hàng và đổi trả hàng ngày càng thuận tiện khiến không ít người sẵn sàng chi trả số tiền lớn để mua sắm các thiết bị di động, lap top, xe máy,…qua kênh online. Hầu hết các thương hiệu lớn trong từng ngành hàng đều có cửa hàng chính hãng trên môi trường thương mại điện tử để người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm trực tuyến.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ước tính năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.

Tuy nhiên, khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với Trung Quốc thì các tỷ lệ trên còn rất thấp. Năm 2022 tại Trung Quốc bán lẻ hàng hoá trực tuyến chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hoá, gấp đôi tỷ lệ này của năm 2016 và cao hơn tỷ lệ 24,5% của năm 2021.

Các chuyên gia nhận định rằng mối tương quan này cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu, tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư