Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nguồn nào để tăng lương năm 2019?
Hồng Vân (Báo Hải quan) - 06/11/2018 15:38
 
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Trong đó nêu rõ các quy định về thực hiện cơ chế tạo nguồn để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2019.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, chủ động bố trí các nhiệm vụ chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phấn đấu tăng các nguồn thu theo quy định để dành nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở đến mức 1,49 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/ 2019.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2019 (không kể các khoản chi tiền lương, có tính chất lương) theo quy định để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.

Ủy ban nhân dân các cấp khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc không bao gồm 10% tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2019.

Dự thảo Thông tư cũng quy định: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2019 của các địa phương bao gồm: 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2018 thực hiện so với dự toán (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) dự toán năm 2018 so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) dự toán năm 2019 so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, các đơn vị có thể sử dụng nguồn tiết kiệm chi gắn với thực hiện các giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang; 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2017 đã được cấp có thẩm quyền giao; 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán chi năm 2018 tăng thêm so với dự toán chi năm 2017; 10% tiết kiệm chi thường dự toán chi năm 2019 tăng thêm so với dự toán chi năm 2018.

Đặc biệt, các đơn vị được sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 làm nguồn cải cách tiền lương. Riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu để lại được thực hiện theo quy định riêng của Bộ Tài chính về nhu cầu và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2019.

Theo Bộ Tài chính, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho các địa phương có ngân sách khó khăn sau khi đã cân đối mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ quy định.

Các địa phương sau khi thực hiện cải cách tiền lương còn dư sử dụng để chi trả thay phần ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Trường hợp vẫn còn dư mà cam kết tự đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội của giai đoạn 2019-2020 thì được tăng chi đầu tư phát triển.

[Infographic] Chính thức chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2019
Tại phiên họp thứ 3 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện giới sử dụng lao động và người lao động đã chốt mức tăng lương tối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư