Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do suất ăn công nghiệp không đảm bảo chất lượng
D.Ngân - 21/04/2021 09:24
 
Theo thừa nhận của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc chế biến các suất ăn giá rẻ là một trong nhiều nguy cơ khiến ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Nguy cơ tứ phía

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Số vụ và số người mắc đều tăng so với cùng kỳ. Trước đó, trong năm 2020, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.094 người mắc và 30 trường hợp tử vong.

Phân tích về các vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại khu công nghiệp thời gian gần đây, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều nhất tại những bếp ăn trong khu chế xuất, khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ, tiếp đến là bếp ăn tập thể ở các trường học, cơ quan…

“Khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn công nghiệp (suất ăn chế biến sẵn) từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu.

Ngoài ra, theo ông Phong, những đối tượng như công nhân, sinh viên… có thu nhập thấp thường có xu hướng chọn lựa các loại thực phẩm rẻ tiền, suất ăn giá rẻ, do đó, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng cao hơn.

Với điều kiện giá cả như hiện nay, có những nhà máy vẫn để suất ăn công nhân là 12-13 nghìn đồng/bữa. Nếu trừ đi lợi nhuận của người cung cấp thức ăn, giá thật của suất ăn như vậy là rất ít.

“Ví dụ cá ngừ tươi, nếu là hàng đảm bảo chất lượng thì giá thành cực rất đắt. Nhưng nếu cá ngừ đã bị ươn, giá lại rất rẻ. Nhiều bếp ăn tập thể mua cá ngừ giá rẻ cho công nhân ăn, cuối cùng dẫn đến các vụ ngộ độc cá ngừ”, ông Phong cho hay.

Thêm vào đó, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cho hay, bản thân những bếp ăn tập thể sử dụng nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không bảo đảm an toàn.

Về thói quen sử dụng thực phẩm của người dân có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm ông Nguyễn Thanh Long thông tin, thực tiễn khảo sát và kiểm tra thói quen chế biến thực phẩm của một số vùng cao cho thấy người dân biết các sản phẩm đã hết hạn, ôi thiu nhưng vẫn sử dụng bởi giá thấp.

“Tại một số chợ vùng sâu, vùng xa, nếu mua miếng thịt chất lượng hoặc còn tươi thì giá hơn 100.000 đồng/kg, nhưng nếu mua miếng thịt ôi giá chỉ 10.000-20.000 đồng/kg, nguy cơ gây ngộ độc lớn”, ông Phong chia sẻ.

Hiện miền Bắc bắt đầu bước vào mùa nóng ẩm, là điều kiện để vi sinh vật phát triển trên thực phẩm gây nấm mốc có hại cho sức khoẻ người dùng, đặc biệt với các loại hạt có dầu như hướng dương, đậu phộng.

“Nhiều khi, nhìn hạt đậu phộng bằng mắt thường có thể không thấy nấm nhưng thực tế nấm đã bắt đầu phát triển, nếu ăn vào dễ dẫn tới ung thư gan”, ông Phong nói.

Được biết, trong năm 2020 và đầu năm 2021 các vụ ngộ độc độc tố tự nhiên như cá nóc, măng, nấm độc, methanol, độc tố botulinum xảy ra nhiều, số ca tử vong cao.

Cụ thể, với ngộ độc methanol, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công Thương để quản lý chặt chẽ các sản phẩm rượu, nhất là rượu trắng người dân tự pha.

“Vì lợi nhuận, nhiều người pha cồn methanol vào rượu trắng để bán, dẫn đến các vụ ngộ độc rất thương tâm. Chúng tôi đang đề xuất cùng Bộ Công Thương, với cồn không phải là cồn thực phẩm cần có màu chỉ thị để tránh tình trạng pha methanol vào rượu bán”, ông Phong nhấn mạnh.

Chưa kể, vừa qua liên tiếp ghi nhận các ca ngộ độc thực phẩm do nấm rừng khiến nhiều người tử vong là bài học đau xót. Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, trong năm 2020 toàn quốc đã ghi nhận 23 vụ ngộ độc do nấm độc làm 90 người mắc và 14 người tử vong.

Các vụ ngộ độc do nấm độc chủ yếu xảy ra tại các hộ gia đình khu vực Miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên (nơi có tập quán thu hái và sử dụng nấm tự nhiên để làm thực phẩm).

Ngộ độc nấm thường xảy ra do người dân hái nhầm các loại nấm độc mọc hoang dại để chế biến và sử dụng làm thực phẩm (nhất là các hộ gia đình khu vực Miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên).

Thói quen ăn uống khoa học

Nhiệt độ cao, độ ẩm lớn trong tiết trời mùa hè là một trong những điều kiện thuận lợi khiến vi khuẩn gây bệnh phát triển, phát sinh các ca ngộ độc thực phẩm.

Dư luận xã hội đang khá lo lắng khi mới đây, nhiều học sinh tại 2 trường học có tiếng ở Hà Nội là Trường liên cấp Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal và Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn thuộc Hệ thống Trường liên cấp Newton tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú giữa giờ. 

Sau vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát phát hiện một cơ sở cung cấp suất ăn là bánh pizza cho trường học là Công ty TNHH Thương mại và sản xuất bánh ngọt Gia Bảo không có phiếu kiểm nghiệm theo quy định đối với sản phẩm bánh pizza nhân xúc xích và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất bánh pizza nhân xúc xích.

Cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội đã yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và sản xuất bánh ngọt Gia Bảo tạm dừng cung cấp thực phẩm cho nhà trường.

Qua phân tích của các chuyên gia, sau khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng mới tiến hành xử lý vi phạm. Thiết nghĩ việc này chỉ phần là ngọn, gốc rễ của vấn đề chính là ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và động thái thanh, kiểm tra xử lý thường xuyên của cơ quan chức năng.

Điều người dân cần là biện pháp phòng chống, chứ không phải khi ngộ độc xảy ra cơ quan chức năng mới vào cuộc bởi khi ấy sức khoẻ của người dân đã bị ảnh hưởng.

Đưa ra cam kết sẽ tăng cường thanh, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người dân song theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, hiện công tác này đã được phân quyền cho chính quyền địa phương, do vậy các cơ quan này cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, quản lý trên địa bàn để phòng chống các vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc.

Về phía người dân, để sử dụng thực phẩm an toàn, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo , tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc. Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ, không trữ thực phẩm quá lâu dài, kể cả để trong tủ lạnh mà nên mua tới đâu sử dụng tới đó.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn botulinum nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong, khi sử dụng đồ hộp người tiêu dùng cần quan sát bên ngoài xem đồ hộp có bị phồng, méo hay không. Nếu hộp phồng, méo, sản phẩm bị lỗi và có khả năng đã bị nhiễm vi khuẩn.

Ngoài ra, để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua đồ hộp phải đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin về tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá thực phẩm; xuất xứ hàng hoá, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.

Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và tới khám tại cơ quan y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự mua và sử dụng thuốc, tránh nguy cơ bệnh tăng nặng và nguy cơ kháng kháng sinh.

Bình Dương: Ngộ độc thực phẩm làm 6 người nhập viện, 1 người tử vong
Cơ quan chức năng của Bình Dương đã lấy 16 mẫu chả và pate chay để kiểm nghiệm liên quan tới vụ ngộ độc sau bữa ăn chay tại miếu Chiêu Liêu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư