Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Nguy hiểm khi tự ý điều trị không theo phác đồ
Dương Ngân - 01/02/2024 09:04
 
Nhiều người tự ý bỏ điều trị bệnh theo phác đồ của bệnh viện vì nghe quảng cáo thuốc “đặc trị” trên mạng xã hội, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Các bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh theo truyền miệng.
Một bệnh nhân nhập viện vì tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sỹ
Một bệnh nhân nhập viện vì tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sỹ

Hệ lụy của việc “tự làm bác sỹ”

Vừa qua, một bệnh nhân ở Gia Lai nhập viện trong tình trạng ngón chân áp út sưng to, đau nhức, mưng mủ. Anh tự mua kháng sinh về uống, dùng thuốc sát khuẩn bôi nhưng không đỡ. Đến khi ngón chân sưng to hơn, thâm tím, anh mới tới bệnh viện tỉnh. Vì nhập viện trễ, ngón chân đã hoại tử nhiều, phải cắt cụt. Về nhà, bệnh nhân tự ngâm ngón chân vừa cắt cụt vào nước muối với ý nghĩ cho mau lành. Nhưng chưa được một tuần, da bàn chân của anh bong tróc, sưng phù, đau không đi được, vết thương thối rữa. Anh được đưa gấp tới Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.

Theo lời kể của bệnh nhân, anh bị phát hiện đái tháo đường vào năm 2019. Khi ra viện, bác sỹ dặn anh uống thuốc đái tháo đường thường xuyên. Tuy nhiên, sau 1 năm, anh thấy sức khỏe bình thường nên bỏ uống thuốc.

Qua trường hợp nêu trên, TS. Trần Hữu Thanh Tùng, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Tâm Anh) khuyến cáo người bệnh không được bỏ điều trị, tự điều chỉnh liều lượng thuốc hay đổi thuốc. Khi có vết thương ở chân, không tự ý điều trị vết thương tại nhà và tuyệt đối không ngâm chân vào nước muối hoặc nước nóng. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường không nên bỏ qua mọi dấu trầy xước, vết thương nào trên cơ thể, đặc biệt ở bàn chân. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường cần tới bệnh viện để được bác sỹ khám, điều trị sớm, phòng biến chứng.

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng thuốc thể nặng sau khi dùng các loại thuốc Đông y điều trị bệnh. Trong đó, có trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc nặng thể TEN, hay còn gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc sau khi dùng thuốc Đông y điều trị sỏi thận.

Việc tự ý điều trị tại nhà còn tiềm ẩn nguy cơ chẩn đoán sai tình trạng bệnh, dẫn tới bệnh ngày càng trở nặng. Bên cạnh đó, cả thuốc Tây y và Đông y đều có khả năng gây tác dụng không mong muốn, hoặc tương tác thuốc bất lợi mà người bệnh không thể lường trước.

Trước đó, cơ sở tiếp nhận một nữ bệnh nhân 60 tuổi ở Hà Nội, bị sỏi thận nhưng không tuân theo phác đồ điều trị mà tự mua thuốc Nam uống để điều trị vì nghe quảng cáo trên mạng xã hội. Sau khi dùng thuốc được 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện tổn thương da là các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác tay chân, thân mình, sau đó nhanh chóng lan toàn thân.

Trên thực tế, dù đã có quy định về đơn thuốc và việc kê đơn, nhưng nhiều người dân vẫn có thói quen tự mua thuốc điều trị, nhân viên các nhà thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn, điều trị không theo phác đồ. Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận, cấp cứu 1 trường hợp sốc phản vệ độ III do tự ý mua, dùng thuốc kháng sinh.

Cần chấm dứt thói quen

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc. Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da, gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, các bác sỹ khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sỹ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị. Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước... nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám lại.

Các chuyên gia y tế cho hay, kháng sinh chỉ sử dụng khi bị bệnh nhiễm khuẩn và được bác sỹ chỉ định dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ gây nhiều tác hại.

Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc, từ đó dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Đó là chưa kể, việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém kinh tế.

Việc mua, dùng thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sỹ và dùng không đủ liều có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Hậu quả của việc kháng thuốc kháng sinh rất nghiêm trọng, có nhiều trường hợp các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Ngoài ra, việc tự ý dùng thuốc giảm đau cũng tai hại không kém. Thuốc giảm đau khiến bệnh nhân tưởng bệnh đã đỡ, nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu đối với các bệnh như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp. Một số thuốc có thể gây dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp..., nhất là các thuốc corticoid dùng để trị đau nhức.

Bởi vậy, khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng, hiệu quả, tránh dẫn đến những hậu quả, biến chứng đáng tiếc.

Có nên uống thuốc chống dị ứng, giảm đau, hạ sốt trước khi tiêm vắc-xin Covid-19?
Hiện nay, một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, trước khi tiêm vắc-xin Covid-19 nên uống thuốc chống dị ứng, giảm đau, hạ sốt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư