Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nguyên phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình xin được hưởng án treo
Vi Nguyễn - 06/12/2018 08:50
 
Trong phiên tòa phúc thẩm đang tiếp tục diễn ra và dự kiến kéo dài đến ngày 11/12, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình thừa nhận, việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín – TrustBank (sau đó chuyển đổi VNCB và nay là CBBank) không thành công và có thiệt hại. Nguyên nhân do hành vi vi phạm nghiêm trọng của Ban lãnh đạo VNCB. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan là tính hiệu quả của Ban thanh tra giám sát VNCB.

Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, ông Bình xin hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho ông được miễn trách nhiệm hình sự, nếu không được ông xin được hưởng án treo. Bị cáo xin xem xét các đóng góp của ông trong quá trình tham gia hoạt động trong ngành ngân hàng, trong đó có công tác tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

.
.

Các bị cáo Lê Văn Thanh, Ngô Văn Thanh nhận tội trong phiên tòa phúc thẩm và cũng xin được hưởng án treo.

Theo bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên nhân đẫn đến việc tái cơ cấu TrustBank không thành công là do hành vi vi phạm của lãnh đạo Đại Tín và nguyên nhân chủ quan là việc hoạt động thiếu hiệu quả của thanh tra giám sát. Việc thanh tra giám sát do 2 cơ quan triển khai gồm NHNN chi nhánh Long An trực tiếp, hai là cơ quan thanh tra NHNN mà ông là người được phân công phụ trách chung.

Tuy nhiên, trả lời chủ tọa, theo bị cáo án sơ thẩm xét xử đúng hay sai, bị cáo Bình cho rằng, án do tòa quyết định, nhưng trong tờ trình bút phê của bị cáo trong việc duyệt Văn bản 1350 có những nội dung chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng mà bị cáo thấy rằng, chưa được hiểu đúng. Do đó, việc xem xét trách nhiệm, bút phê của bị cáo chưa chính xác.

Trước câu hỏi của chủ tọa về việc bị cáo Bình nhận định kiểm tra năng lực tài chính nhà đầu tư là quan trọng, vậy tại sao bút phê của bị cáo đưa yêu cầu kiểm tra năng lực tài chính ra kiểm tra sau? Ông Bình cho rằng, bút phê của mình không nói rằng việc kiểm tra năng lực tài chính được thực hiện sau, mà nói việc kiểm tra việc góp vốn vào ngân hàng sẽ được thực hiện sau này. Không phải thực hiện “sau” mà thực hiện “sau này”.

Trước đó, phiên tòa sơ thẩm hồi đầu tháng 7/2018 tuyên phạt bị cáo Đặng Thanh Bình 3 năm tù; Lê Văn Thanh, cựu Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An 2 năm 6 tháng tù; Hà Tấn Phước, cựu Tổ trưởng tổ giám sát, cựu Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An 2 năm tù; Ngô Văn Thanh, cựu thành viên tổ giám sát, cựu Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An 1 năm 6 tháng tháng tù; Phạm Thế Tuân, cựu Tổ phó tổ giám sát, cựu Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM 1 năm tù.

Sau đó, cả 5 bị cáo đã đồng loạt làm đơn kháng cáo. Trong đơn kháng cáo ông Bình cho rằng, bản án sơ thẩm nhận định ông là người đứng đầu là không chính xác, chưa xem xét thấu đáo toàn bộ nội dung vụ án. Ngoài ra, các bị cáo còn lại cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt từ tù giam sang tù treo.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, với chức vụ được giao, ông Đặng Thanh Bình được phân công phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án 254 của Chính phủ, chỉ đạo công tác thanh tra giám sát trong đó có hoạt động tái cơ cấu, tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín.

Điều kiện nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu phải có năng lực tài chính, tuy nhiên bị cáo Bình lại có bút phê việc kiểm tra năng lực sẽ thực hiện sau, tạo điều kiện cho nhóm Phạm Công Danh sử dụng tiền, gây thất thoát 15.000 tỷ đồng tại VNCB. Đồng thời, bị cáo không có chỉ đạo quyết liệt nào để thanh tra giám sát ngân hàng dù đã có những báo cáo về sai phạm.

Hậu quả của vụ án là, từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, Ngân hàng Đại Tín làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao.

Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Malaysia thò “vòi bạch tuộc” vào thị trường phía Nam
Hôm nay 4/12/2018, Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam chính thức khai trương chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM và ra mắt dịch vụ ngân hàng số OCTO by CIMB...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư