Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư nước ngoài "khoái khẩu" với trái phiếu Trung Quốc
Lê Quân - 21/05/2021 18:30
 
Nhà đầu tư và tổ chức tài chính nước ngoài không ngừng quan tâm đầu tư vào thị trường trái phiếu Trung Quốc, bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Trụ sở ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ảnh: AFP
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ảnh: AFP

Chính sách tiền tệ khác biệt và nền kinh tế đã trải qua các đợt phục hồi sau đại dịch Covid-19 khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc liên tục cao hơn so với Mỹ và châu Âu.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, dù phục hồi không cân bằng sau đại dịch, nhưng nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh và thị trường 1,4 tỷ dân, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Ông Jason Pang, Giám đốc danh mục đầu tư của Quỹ Cơ hội Trái phiếu Trung Quốc JPMorgan, đánh giá mức độ quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đối với trái phiếu Trung Quốc đại lục đã tăng lên đáng kể. Quỹ Cơ hội Trái phiếu Trung Quốc JPMorgan mới ra mắt vào năm ngoái nhưng hiện quản lý danh mục 124 triệu USD tài sản của khách hàng, tính đến cuối tháng 4/2021.

"Thông điệp không thay đổi. Thứ thay đổi duy nhất là lãi suất đã thay đổi mạnh trong quý đầu tiên (quý I/2021)", ông Jason Pang nói. Chuyên gia này dự đoán, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chiếm 15% thị phần trái phiếu chính phủ của Trung Quốc trong vòng 3 - 5 năm tới. Nếu dự báo đó là chính xác, vốn ngoại đổ vào thị trường Trung Quốc đại lục sẽ tăng mạnh.

Theo số liệu của Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), nhà đầu tư nước ngoài chiếm 3,44% thị phần trái phiếu Trung Quốc đại lục trong tháng 4, tăng từ mức 3,2% trong tháng 12/2020. Thị trường trái phiếu Trung Quốc hiện lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Natixis cho biết nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 58 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9 tỷ USD) trái phiếu Trung Quốc đại lục trong tháng 4, so với việc bán ròng 9 tỷ nhân dân tệ trong tháng 3.

Sắp tới, Citi dự kiến đầu tư 300 tỷ USD gia nhập thị trường trái phiếu Trung Quốc sau khi FTSE Russell, công ty con của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG) chính thức đưa Trung Quốc vào Chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới (WGBI) vào tháng 10 tới.

Theo bà Vicky Tsai, Giám đốc dịch vụ chứng khoán tại Công ty Citi Trung Quốc cho rằng, sự quan tâm của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đến thị trường trái phiếu Trung Quốc tăng vọt.

Bà Vicky Tsai cho biết, kể từ khi Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc nới lỏng các quy định hạn chế đối với dòng vốn nước ngoài vào Trung Quốc, nhu cầu xin giấy chứng nhận nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện (QFII) đã tăng lên.

"Chúng tôi đã hỗ trợ nhiều nhà đầu tư nước ngoài nộp đơn xin giấy chứng nhận QFII, trong đó có một số quỹ đầu tư hàng đầu thế giới và công ty quản lý quỹ tư nhân với những khoản đầu tư và kế hoạch quy mô lớn", bà Vicky Tsai cho biết.

Tuy nhiên, bà Vicky Tsai cho biết tốc độ đầu tư trên thị trường trái phiếu Trung Quốc đã suy giảm trong 2 tháng qua, một phần do chứng khoán Trung Quốc đại lục rớt mạnh vào đầu năm nay trong khi thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương bật tăng mạnh mẽ.

Theo Ngân hàng Natixis, thị phần cổ phiếu Trung Quốc đại lục (cổ phiếu hạng A) của nhà đầu tư nước ngoài giảm từ 4,29% trong tháng 12 xuống 4,27% vào tháng 3, dù con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức 3,35% ghi nhận một năm trước.

Tài chính là một trong số ít lĩnh vực còn lại mà chính quyền Trung Quốc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh căng thẳng chính trị với Mỹ gia tăng.

Số liệu được Tập đoàn Rhodium công bố tuần này cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Trung Quốc trong năm 2020 giảm khoảng 1/3 so với năm trước, xuống còn 8,7 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2004.

Nhiều nhà đầu tư "tay to" Phố Wall đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng cường thu hút vốn ngoại vào thị trường vốn trong 3 năm qua, đồng thời cho phép doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát nhiều hơn hoạt động đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc.

Vào ngày 12/5, Tập đoàn quản lý đầu tư BlackRock (Mỹ) cho biết họ đã được cấp phép để bắt đầu quản lý tài sản ở Trung Quốc thông qua liên doanh với một công ty con của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Tập đoàn Temasek của Singapore. Theo đó, BlackRock sở hữu 50,1% cổ phần,còn Temasek nắm giữ 9,9% cổ phần.

Tuần này, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đang tuyển dụng 320 nhân viên làm việc tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong; đồng thời lên kế hoạch tuyển thêm 100 nhân viên vào cuối năm nay. Phía Goldman Sachs từ chối bình luận về vấn đề này.

Tuy vậy, các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư Natixis lại cho rằng việc mở rộng kinh doanh không đồng nghĩa dòng vốn đầu tư chảy vào Trung Quốc sẽ tăng lên.

Thực tế, mối lo ngại lâu nay của nhà đầu tư quốc tế về thị trường Trung Quốc đại lục là khả năng rút vốn. Theo đài CNBC, ngành tài chính Trung Quốc có cơ cấu quản lý tương đối kém phát triển và vẫn có hiện tượng đầu cơ.

"Các đầu tư Trung Quốc đã trải qua một đợt bùng nổ nhỏ trên thị trường chứng khoán trong quý vừa qua (quý I/2021)", ông Patrick Pei, chuyên gia đầu tư trưởng tại Quỹ quản lý tài sản Hywin (Trung Quốc) cho biết. Ông Patrick Pei đánh giá, các quỹ tương hỗ - công cụ ưa chuộng của các nhà đầu tư trong nước - ghi nhận mức huy động vốn kỷ lục trong quý I/2021 và nhưng sẽ đà tăng sẽ tiêu tan đột ngột trong quý II.

Chuyên gia này cho biết, "chúng tôi không nhận thấy thay đổi đáng kể nào về sự quan tâm của nhà đầu tư đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc", bất chấp lo ngại áp lực lạm phát từ Mỹ, căng thẳng Mỹ - Trung, và chênh lệch tỷ giá giữa Trung Quốc và Mỹ dự kiến kéo dài.

Theo dữ liệu của Wind Information, lợi suất trái phiếu kho Mỹ kỳ hạn 10 năm trong tuần này đạt gần 1,63%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm từ 3,19% xuống 3,15%.

Xuất hiện những vấn đề mới cản đà phục hồi kinh tế Trung Quốc
Tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 đã yếu đi trong khi doanh số bán lẻ còn kém xa so với kỳ vọng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư