Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Nhà mạng đầu tư thêm 3-5 tuyến cáp quang biển
Tú Ân - 22/02/2023 15:12
 
Để tăng dung lượng kết nối, chủ động ứng phó với sự cố, Việt Nam cần đầu tư thêm 3-5 tuyến cáp quang biển mới.

Thêm 2 tuyến cáp quang biển mới

Việt Nam đang trải qua sự cố đứt cáp quang biển nghiêm trọng nhất lịch sử, khi 4/5 tuyến gặp sự cố một phần hoặc toàn phần, gồm AAG, APG, AAE-1 và IA. Trong đó, tuyến APG mất kết nối hoàn toàn hướng đi Singapore và Hồng Kông.

Mỗi năm, Việt Nam xảy ra khoảng 10 lần đứt cáp biển, thời gian đứt trung bình 1 tháng do việc sửa chữa cáp quang biển vô cùng phức tạp, phải xin cấp phép ra vào địa phận các quốc gia cáp đi qua. Vì thế, thường chỉ có 3/5 tuyến cáp biển hoạt động cùng lúc.

Trước bối cảnh đó, Viettel đã lên kế hoạch triển khai thêm 4 tuyến cáp quang biển từ nay đến năm 2030. Trong năm 2023, hai tuyến cáp quang biển ADC và SJC2 dự kiến đi vào vận hành khai thác, góp phần bổ sung dung lượng lớn Internet đi quốc tế của Việt Nam.

Đại diện Viettel cho biết, tuyến cáp ADC hiện đã hoàn thành triển khai cập bờ, sẽ đưa vào hoạt động trong quý III/2023. ADC là tuyến cáp quang biển có chiều dài cáp ngầm 9.800 km, dung lượng đạt trên 140 Tbps, sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, giúp kết nối các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD.

Khi vận hành khai thác, tuyến cáp ADC sẽ bổ sung 18 Tbps vào tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel, góp phần cung cấp một lượng lớn dung lượng tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế.

Còn theo đại diện VNPT, cùng với cáp quang ADC, hệ thống cáp quang biển SJC2 cũng sẽ được đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023. Cáp quang SJC2 do VNPT cùng với các đối tác quốc tế là CHT, CMI, DHT, Facebook, KDDI, Singtel, SKB, Telin và TICC đầu tư, có tổng chiều dài cáp ngầm dưới biển là 10.500 km, vốn đầu tư 439 triệu USD. Tuyến cáp này kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm 10 điểm cập bờ, trong đó điểm cập bờ Việt Nam là tại TP. Quy Nhơn (Bình Định). Dung lượng thiết kế toàn hệ thống SJC2 là 126 Tbps, riêng VNPT sở hữu dung lượng 9 Tbps, cho phép triển khai các ứng dụng kết nối Internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao.

Theo đánh giá của ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), 2 tuyến cáp biển SJC2 và ADC đều được áp dụng những công nghệ mới nhất, do đó dung lượng và giá thành đều có khả năng tốt hơn các tuyến cáp biển hiện tại. Chắc chắn, khi các tuyến cáp quang biển mới đưa vào hoạt động, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các tuyến cáp biển hiện tại sẽ giảm đi; cùng với đó, độ an toàn, ổn định chất lượng dịch vụ cũng sẽ tăng lên.

Cơ hội trở thành Hub của Đông Nam Á

Theo ông Vũ Thế Bình, 4/5 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố ở thời điểm hiện tại là hy hữu, nhà mạng cũng không lường trước được. Với tình trạng sự cố các tuyến cáp quang biển ngày càng nhiều, nhu cầu bổ sung các tuyến cáp mới đang trở nên cấp bách.

“Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần ít nhất 2-3 tuyến cáp quang biển mới để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thậm chí, nếu muốn vươn tầm lên thành một trạm trung chuyển Internet (Hub) của khu vực như Hồng Kông, Singapore, thì còn cần nhiều tuyến hơn”, ông Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng, những lúc khó khăn lại tạo ra cơ hội mới. Khi mà các tuyến cáp quang biển kết nối đi Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore gặp nhiều khó khăn, thì chúng ta nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành Hub kết nối đi quốc tế.

“Để giải quyết vấn đề kết nối quốc tế trong dài hạn, cần có thêm các tuyến cáp biển. Việc đầu tư phát triển thêm các tuyến cáp biển không chỉ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng Internet, mà còn để đảm bảo tính sẵn sàng, nhiều hướng, không phụ thuộc quá nhiều vào 1 hoặc 2 hướng đang có”, ông Thắng nhấn mạnh.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng 2 tuyến cáp biển quốc tế do nhóm các doanh nghiệp trong nước liên kết đầu tư, làm chủ. Bộ sẽ là đầu mối để tập hợp, vận động các doanh nghiệp viễn thông trong nước phối hợp xây dựng, trong đó sẽ có doanh nghiệp lớn chịu trách nhiệm triển khai đầu tư và các doanh nghiệp khác tham gia góp sức.

Sau việc 4/5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, đẩy nhanh đầu tư thêm các tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam. Trong bất kỳ phương án nào (có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài), doanh nghiệp Việt phải giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới. Như vậy, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đóng vai trò dẫn dắt doanh nghiệp, cùng nhau giải các bài toán kết nối cáp quang biển đi quốc tế. Khi các tuyến cáp quang biển kết nối đi Hồng Kông và Singapore gặp nhiều khó khăn thì chúng ta lại nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành Hub kết nối đi quốc tế. Công nghệ và dung lượng tăng mạnh cũng là cơ hội cho Việt Nam mở các tuyến cáp quang biển mới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo kế hoạch dự kiến mới được thông báo tới các nhà mạng tại Việt Nam, sự cố trên nhánh S6 của tuyến APG sẽ được khắc phục trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến ngày 27/3. Lỗi trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản sẽ được sửa chữa trong tháng 4/2023.

Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa trong thời gian từ ngày 5 đến ngày 13/4. Các sự cố trên tuyến AAG dự kiến cũng được khắc phục trong thời gian từ 26/2-15/4. Riêng cáp quang AAE-1 chưa có lịch sửa chữa cụ thể.

Thanh tra đột xuất 3 nhà mạng về cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có quyết định thanh tra đột xuất việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư