Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Nhà máy thép Cái Lân: Di chứng cay đắng và kết cục đau xót
Bảo Như - 21/02/2019 07:59
 
Không còn bất cứ giải pháp nào khác, lối thoát duy nhất để giảm nhẹ gánh nặng nợ nần gần 5.000 tỷ đồng mang tên Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân là phá sản.
Thiết bị, máy móc của Nhà máy thép Cái Lân bị bỏ không, han rỉ theo thời gian.
Thiết bị, máy móc của Nhà máy thép Cái Lân bị bỏ không, han rỉ theo thời gian.

Lối thoát cuối

Sau gần 10 năm bấu víu vào những tia hy vọng hồi sinh mong manh, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) vừa trình bộ chủ quản xem xét phê duyệt phương án tái cơ cấu toàn diện Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân (Công ty thép Cái Lân), một trong những “di chứng” cay đắng nhất mà Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin để lại.

Được thành lập năm 2006, Công ty thép Cái Lân, tiền thân là Công ty thép Cái Lân Vinashin, là đơn vị do Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (đơn vị thành viên của SBIC) sở hữu 100% vốn điều lệ.

Đơn vị có số vốn điều lệ 973 tỷ đồng (thực góp 320 tỷ đồng) được Vinashin giao làm chủ đầu tư 2 dự án là xây dựng nhà máy cán nóng thép tấm công suất 500.000 tấn/năm và xây lắp các công trình, hệ thống phụ trợ cho nhà máy thép tại Khu công nghiệp tàu thủy Cái Lân với diện tích 56 ha tại phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Các dự án này về cơ bản đều chưa được đầu tư hoàn chỉnh, trong đó Nhà máy thép mới chỉ vận hành thử một lần duy nhất vào giữa năm 2010 với khoảng 5.000 tấn thành phẩm rồi phải ngưng do công nghệ lạc hậu, không cạnh tranh được với thép nhập ngoại.

Kể từ đó đến nay, sau gần 8 năm, cụm nhà máy điện - thép Vinashin Cái Lân, những công trình từng được kỳ vọng là góp phần xây dựng một mũi nhọn công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam, đã rơi vào cảnh hoang tàn, mục nát bên bờ vịnh Cửa Lục.

Cần phải nói thêm rằng, trong đề án tái cơ cấu Công ty thép Cái Lân gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hồi giữa tháng 1/2019, SBIC đề nghị được thực hiện xử lý tài chính của đơn vị này theo 3 phương án với đích đến đều có chung kết cục là phá sản.

Cụ thể, với phương án 1, SBIC đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển giao nguyên trạng Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thép tiếp nhận quản lý, khôi phục để nhà máy đi vào hoạt động, sau đó sẽ thực hiện việc nộp đơn phá sản.

Phương án 2, SBIC đề nghị bán nguyên trạng Nhà máy thép, sau đó thực hiện nộp đơn phá sản Công ty thép Cái Lân.

Với phương án 3, “hậu thân” của Vinashin sẽ nộp đơn phá sản ngay đối với Công ty thép Cái Lân. Tòa án sẽ giải quyết việc bán, thanh lý tài sản và thực hiện việc phá sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Dự kiến, nếu thực hiện phương án này, giá trị thu về chỉ vỏn vẹn 573 tỷ đồng do toàn bộ nhà xưởng, máy móc, thiết bị của Nhà máy thép và các hạng mục phụ trợ sẽ bị bán dưới dạng thanh lý, phế liệu.

“Trong 3 phương án này, chúng tôi ưu tiên thực hiện phương án 1. Trường hợp thực hiện phương án 1 không thành công thì chuyển sang thực hiện phương án 2. Nếu phương án 2 không thành công thì mới phải thực hiện phương án 3”, ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết.

Sở dĩ cả SBIC và Công ty thép Cái Lân đặt nhiều kỳ vọng vào “cách chết” đầu tiên bởi nếu được chuyển giao Nhà máy thép, giá trị tài sản thu hồi sẽ cao hơn rất nhiều so với phương án bán thanh lý hay bán nguyên trạng.

Theo ý kiến chủ quan của lãnh đạo Công ty thép Cái Lân, nếu thực hiện chuyển giao, chỉ riêng  Nhà máy thép sẽ có giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Đối với phần thiết bị, sau khi phục hồi giá trị của lô máy móc có thể cao gấp 2 - 3 lần giá trị thanh lý. Tính tổng cộng, với phương án khả dĩ nhất, ước tính tổng giá trị thu hồi tài sản của Công ty thép Cái Lân là khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để phương án này có thể triển khai, cần hàng loạt điều kiện cần và đủ, trong đó quan trọng nhất là phải có ý kiến chấp thuận của bên nhận thế chấp và bên có liên quan là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Đại diện SBIC cũng thừa nhận, sẽ không có bất kỳ doanh nghiệp nhà nước sản xuất thép nào muốn “dây” với “cục nợ” này, trừ phi có quyết định chỉ định việc tiếp nhận của cấp có thẩm quyền, dù đây đơn giản chỉ là bước chuyển tiếp trước khi tiến hành phá sản Công ty thép Cái Lân.

Nỗi đau kéo dài

Trước khi nghĩ tới phương án phá sản, SBIC đã tính đến các phương án tái cơ cấu Công ty thép Cái Lân được pháp luật cho phép như: chuyển giao, sáp nhập, cổ phần hóa, bán doanh nghiệp có kế thừa các khoản công nợ; bán doanh nghiệp không kế thừa công nợ; giải thể công ty... nhưng đều không tìm được đáp án khả thi.

Được biết, tính đến ngày 30/6/2018, Công ty thép Cái Lân bị âm vốn chủ sở hữu 873,17 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 697,2 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty không thể tổ chức sản xuất, kinh doanh do Nhà máy thép chưa thể hoạt động. Với phương thức bán đấu giá có kế thừa công nợ, giá khởi điểm bán Công ty có thể chỉ là 0 đồng. Tuy nhiên, đối tác mua doanh nghiệp phải kế thừa toàn bộ công nợ của Công ty thép Cái Lân hiện đã lên tới 4.934,78 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để làm sống lại Nhà máy thép, đối tác mua doanh nghiệp cũng sẽ phải bỏ thêm khoảng 180 - 200 tỷ đồng. Ước tính, với gánh nặng từ khấu hao tài sản cố định, giá thành 1 tấn thép của Nhà máy thép Cái Lân rẻ nhất cũng rơi vào khoảng 550 USD/tấn, tương đương 12,65 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép tấm của Trung Quốc bán trên thị trường Việt Nam chỉ khoảng 8 triệu đồng/tấn.

Đối với phương án bán doanh nghiệp không kế thừa các khoản công nợ, SBIC cho biết, theo quy định hiện hành, số tiền thu về cũng phải bảo đảm đủ trả các khoản nợ của Công ty thép Cái Lân. Như vậy, nếu muốn mua Công ty thép Cái Lân thì bên mua phải bỏ ra tối thiểu 4.934,78 tỷ đồng. Việc tìm kiếm được đối tác sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn như trên để sở hữu một đơn vị chưa thể sản xuất, kinh doanh, công nghệ lạc hậu thực sự là nhiệm vụ bất khả thi.

Trước đó, trong nỗ lực “gả bán” nhà máy, từ năm 2011 đến năm 2017, có không ít đoàn đối tác trong và ngoài nước như Nga, Nhật được SBIC mời đến Cái Lân để tìm mô hình hợp tác vực dậy Cụm công nghiệp Cái Lân, nhưng tất cả đều một đi không trở lại, khi giá trị đầu tư của các nhà máy thép, điện đều đã vượt quá xa giá trị thực tế.

Điều đáng lo ngại là, tình trạng chết lâm sàng đã lan khắp cụm công nghiệp phụ trợ đóng tàu của SBIC. Các nhà máy được Vinashin lập ra với hy vọng khép kín chu trình chế tạo tàu biển như Nhà máy Cửa nhựa, Nhà máy Cấu kiện thép trị giá cả trăm tỷ đồng đều đã tan hoang, chìm trong lau lách.

Hiện cụm điện Cái Lân gồm 2 dự án: Nhà máy Điện Cái Lân và công trình đấu nối Nhà máy Điện Cái Lân dù đang được niêm phong, nhưng trước đó, máy móc đã bị mất mát khá nhiều. Do không có kinh phí, Công ty chỉ duy trì được một lực lượng bảo vệ rất mỏng, địa bàn khu vực Cái Lân lại nổi tiếng phức tạp ở Quảng Ninh, nên nếu có bị mất cắp cũng là điều dễ hiểu.

Hầu hết vốn đầu tư cụm công trình này đều được Vinashin đầu tư từ nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, nên chỉ cần áp mức lãi suất cho vay dao động từ 8 - 9%/năm như hiện nay, chi phí vốn để đầu tư cụm công trình nhiều khả năng sẽ tiệm cận con số 5.000 tỷ đồng. Đây có lẽ là lý do mà nhiều năm qua, các bên liên quan đều không mấy sốt sắng “chọc” vào “hũ mắm” này. Hiện một loạt cá nhân liên quan trực tiếp đến các sai phạm trong quá trình đầu tư các dự án này đã và đang chịu xử lý của pháp luật. Tuy nhiên, khi công trình chưa quyết toán, đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư vẫn ở dạng sản phẩm dở dang, chưa có thêm ai, tổ chức nào đó của chủ đầu tư, nhà tài trợ vốn phải chịu trách nhiệm về các khoản lỗ lãi trên bản cân đối tài chính cuối cùng.

Chính vì vậy, đề xuất phá sản Công ty thép Cái Lân của SBIC được nhiều chuyên gia đánh giá là mạnh dạn, dũng cảm dù đã rất muộn màng.

Nỗi đau “điện - thép” Cái Lân: Công trình ngàn tỷ đồng thành phế tích
Cần gấp những lối thoát, kể cả việc chấp nhận bán dưới giá thành, nhằm sớm vực dậy, đưa vào hoạt động cho một loạt công trình trị giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư