Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhận diện những "mỏ vàng" của khối ngân hàng trong năm 2018
 
Khối Nguồn vốn, Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn là niềm tự hào của ngân hàng bởi đóng góp phần doanh thu lớn, nhưng các số liệu cho thấy “sao đã đổi ngôi”...
 Vietcombank đã thuê chuyên gia nước ngoài giữ chức Giám đốc Khối Bán lẻ để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bán lẻ
Vietcombank đã thuê chuyên gia nước ngoài giữ chức Giám đốc Khối Bán lẻ để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bán lẻ

Tín dụng bán lẻ và phí dịch vụ lên ngôi

Thông tin từ VPBank cho biết, doanh thu năm 2017 của VPBank đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016. Trong đó, tăng trưởng doanh thu từ lãi thuần là 36%, doanh thu về dịch vụ thuần tăng 70%, chi phí dự phòng tăng 51% với tổng cộng hơn 8.000 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, ngân hàng này báo lãi ròng tới hơn 6.430 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử.

Lãnh đạo VPBank cho biết, phần lớn lợi nhuận trong đó đến từ FE Credit, chiếm khoảng 51% tổng lợi nhuận chung của toàn Ngân hàng. Tất nhiên, VPBank là trường hợp khá đặc biệt khi có một công ty tài chính tiêu dùng riêng. Nhiều năm qua, FE Credit vẫn đóng vai “con gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng này.

Tuy nhiên, với những ngân hàng không có công ty tài chính thành viên, mức thu nhập ngoài lãi tín dụng cũng tăng đáng kể trong năm qua. Techcombank cho biết, năm 2017, tỷ trọng thu nhập phí thuần trên tổng thu nhập hoạt động đạt 23,32%, tăng mạnh so với năm 2016 nhờ sự tăng trưởng của phí hoa hồng bảo hiểm và phí dịch vụ thanh toán.

Một trường hợp khác là BIDV, một loạt chỉ số liên quan tới hoạt động bán lẻ đã tăng với tốc độ rất cao. Chẳng hạn, quy mô tín dụng bán lẻ của BIDV tăng trưởng 33%, huy động vốn dân cư vượt 20% và thu nhập thuần bán lẻ cao hơn 35% so với năm 2016.

Với mức tăng 14% so với năm 2016, BIDV có hơn 10 triệu khách hàng cá nhân (tức hơn 10% dân số), dịch vụ ngân hàng điện tử có số lượng giao dịch cao gấp đôi so 2016, tổng lượt khách hàng đăng ký mới dịch vụ ngân hàng điện tử trong năm 2017 tăng 37% so với cùng kỳ, thu nhập thuần hoạt động thẻ nhiều hơn 37% so với 2016, doanh số thanh toán thẻ tín dụng tăng trên 47%, tổng doanh số sử dụng thẻ tăng trưởng khoảng 25%, mức tăng ròng thẻ nợ nội địa cao gấp 1,37 lần so với 2016.

Đánh giá về cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% trong khi năm 2016 chỉ tăng 50,2%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% năm 2017.

Cũng theo báo cáo của cơ quan này, thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại mà Nhà nước sở hữu chi phối đã tăng mạnh từ 39% toàn ngành năm 2016 lên 45,7% cuối 2017. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỷ trọng, từ mức 47% năm 2016 xuống còn 42% năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và dự báo tăng trưởng cao.

“Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, song song với đó là sự hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng dự báo mảng Ngân hàng bản lẻ sẽ tiếp tục mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng trong năm 2018”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là hướng ưu tiên

Trong hoạt động tín dụng, nếu như trước đây các tập đoàn kinh tế lớn nhà nước luôn dành được sự ưu ái của các ngân hàng, thì năm 2017, mức độ ưu tiên đã giảm đi. Các ngân hàng hướng sự quan tâm tới các tập đoàn kinh tế tư nhân và đây là “trận địa” khốc liệt. Không chỉ cho vay và cung cấp dịch vụ trực tiếp cho các tập đoàn lớn, nhiều ngân hàng đã hướng sự phục vụ tới hệ sinh thái mà các tập đoàn này tạo ra, như các gói tín dụng cho nhà thầu, nhà phân phối, nhà cung cấp vật liệu, bảo hiểm, và cả khách hàng.

Tuy nhiên, để được các tập đoàn lớn làm ăn hiệu quả “để mắt” tới lại là một thách thức. Vì vậy, bên cạnh “trận địa lớn”, nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh cho khối SME và Uper SME (doanh nghiệp có doanh thu dưới 600 trăm tỷ đồng).

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, mảng khách hàng SME được đầu tư mấy năm nay và từ năm 2016 đã bắt đầu có lãi. Những lĩnh vực rủi ro lớn mà ông Vinh đề cập là nhóm khách hàng SME, thậm chí là siêu nhỏ, khách hàng là các hộ tiểu thương và khách hàng cá nhân.

Đây là những phân khúc khách hàng có năng lực tài chính thấp và thường không có tài sản bảo đảm. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong những phân khúc này, các sản phẩm của VPBank thường là những sản phẩm cho vay tín chấp có độ rủi ro khá cao

Tập trung vào phân khúc doanh nghiệp SME và hộ kinh doanh cá thể hiện không phải là lối đi riêng của VPBank trong thời điểm hiện tại, bởi rất nhiều ngân hàng cũng làm điều đó, nhưng đây là phân khúc không cạnh tranh quá lớn do lượng doanh nghiệp SME đang tăng trưởng mạnh.

Tại MBBank, mục tiêu đặt ra khá rõ ràng khi ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank cho biết: “Quy mô của chúng tôi sẽ tăng để 2 nhóm khách hàng trên chiếm khoảng 70% doanh thu chung của Ngân hàng”.

Theo thống kê, Việt Nam có tới 98% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cùng với chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển của Chính phủ đã tạo ra một làn sóng thành lập doanh nghiệp mới trong 2 năm gần đây. Điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu vay vốn của các SME tăng rất cao.

Liên quan đến việc theo dõi tình hình cấp tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/11/2017, dư nợ tín dụng ngành này là gần 3,7 triệu tỷ đồng (chiếm gần 60% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng xấp xỉ 13% so với ngày 31/12/2016).

Một số ngành có dư nợ cao so với tổng dư nợ tín dụng ngành thương mại và dịch vụ gồm bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, dư nợ là gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 31% tổng dư nợ ngành thương mại dịch vụ, tăng gần 21% so với ngày 31/12/2016.

Ngoài ra, hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình có dư nợ gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 26%, tăng hơn 66% so với 31/12/2016. Một ngành ít được chú ý là vận tải kho bãi, hiện cũng có dư nợ đáng kể gần 200.000 tỷ đồng, chiếm hơn 5,4% và tăng gần 16%.

Ước đến 31/12/2017, dư nợ ngành thương mại và dịch vụ đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2016.

Ngân hàng bán lẻ sẽ là trụ cột

Năm 2017 ghi nhận sự kiện đó là ông Thomas William Tobin, người Canada, có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và các thị trường tương đồng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tuyển dụng và bổ nhiệm tại Vietcombank ở chức vụ Giám đốc Khối Bán lẻ.

Sự kiện này được chú ý bởi đây là lần đầu tiên một ngân hàng có sở hữu Nhà nước chi phối bổ nhiệm người nước ngoài vào ban lãnh đạo cấp cao. Với quyết định này, Vietcombank cũng truyền đi thông điệp về hướng ưu tiên cho lĩnh vực bán lẻ.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank khẳng định: “Ông Thomas William Tobin với trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, am hiểu về thị trường Việt Nam, khu vực và thế giới sẽ là tiền đề tốt cho sự phát triển đột phá mảng bán lẻ của Vietcombank và nằm trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng số một Việt Nam về bán lẻ vào năm 2020”.

Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên ghi nhận những thương vụ M&A đáng chú ý, đặc biệt trên thị trường ngân hàng. Tiêu biểu cho thương vụ M&A ngân hàng ngoại trong năm có thể kể đến Shinhan Bank Việt Nam mua lại bộ phận Khách hàng cá nhân của ANZ Việt Nam. Tiếp đến là việc chuyển nhượng chi nhánh TP.HCM của Commonwealth Bank of Australia (CBA) cho VIB.

Còn theo ông Nguyễn Đức Vinh, dù VPBank đã có một FE Credit dẫn đầu thị trường về cho vay tiêu dùng, nhưng mảng kinh doanh bán lẻ của Ngân hàng vẫn được ưu tiên. Sau một giai đoạn dài chuẩn bị, năm 2016 mảng bán lẻ bắt đầu có lãi, năm 2017 tình hình cải thiện hơn một chút và năm 2018 sẽ trở thành động lực tích cực đóng góp lợi nhuận cho toàn Ngân hàng.

Ngân hàng đua tăng lãi suất huy động
Hàng loạt ngân hàng nâng lãi suất huy động, nhằm đảm bảo nhu cầu tiền mặt tăng đột biến dịp Tết Nguyên đán, cũng như cho kế hoạch tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư