Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nhận diện và ngăn tuồn vốn vào sân sau
Hà Tâm - 20/12/2023 09:15
 
Các chuyên gia đề nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhận diện, làm rõ bức tranh thực trạng các ông chủ ngân hàng rót vốn vào sân sau, để từ đó đưa ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Sự cố SCB diễn ra tháng 10/2022 là minh chứng cho mức độ nguy hiểm của sở hữu chéo ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh

Tập trung nhận diện đầu tư núp bóng, sở hữu gián tiếp

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội bất thường có thể diễn ra vào tháng 1/2024. Một  nội dung quan trọng được Dự thảo đề cập là quy định nhằm ngăn chặn sở hữu chéo ngân hàng. Đây cũng là vấn đề nhức nhối của hệ thống ngân hàng nước ta hàng chục năm qua.

“Lâu nay, cội nguồn mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Việt Nam đều chỉ có duy nhất một nguyên nhân, đó là sở hữu chéo. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cả cuộc đời và chưa thấy cuộc khủng hoảng nào xảy ra với lĩnh vực ngân hàng mà không xuất phát từ nguyên nhân này”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Sự cố SCB diễn ra tháng 10/2022 là minh chứng cho mức độ nguy hiểm của sở hữu chéo ngân hàng. Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua 27 pháp nhân và cá nhân đã sở hữu tới hơn 91,5% vốn điều lệ SCB (trên sổ sách chỉ đứng tên gần 5% vốn). Với việc nắm giữ cổ phần chi phối, bà Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính để rút tiền. Trong thời gian từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 677.286 tỷ đồng, đều là nợ có khả năng mất vốn.

Tình trạng cho vay sân sau khá phổ biến ở hệ thống ngân hàng nước ta không chỉ tại SCB. PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần thanh tra làm rõ tình hình cho vay nội bộ, cho vay sân sau của các ông chủ ngân hàng hiện nay.

NHNN cho hay, năm 2023, cơ quan này tập trung vào thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của tổ chức tín dụng).

Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc phát hiện sở hữu chéo không đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo mà thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Trong khi đó, việc giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng cũng như giảm tỷ lệ cấp tín dụng mà Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đưa ra khó trở thành vũ khí hữu hiệu chống sở hữu chéo.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, bà Phạm Thị Thúy Vân và ông Nguyễn Viết Trung (luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam) đều cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu trực tiếp như Dự thảo không có nhiều ý nghĩa trong chống sở hữu chéo. Vấn đề cốt lõi là làm sao kiểm soát được trường hợp một cổ đông gián tiếp sở hữu một tổ chức tín dụng thông qua một doanh nghiệp mà cổ đông đó có quyền chi phối, hoặc một cá nhân có quyền chi phối ở một tổ chức khác. Do vậy, thay vì phương án giảm tỷ lệ sở hữu, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc bổ sung quy định về chi phối nhằm đánh giá toàn diện tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, gồm cả cơ sở để tính tỷ lệ sở hữu gián tiếp của cổ đông.

Tăng chế tài xử phạt với các ông chủ nhà băng

Phát biểu tại một hội thảo mới đây về tín dụng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Các ngân hàng phải chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn. Cùng đó, cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng".

Tuy vậy, chống sở hữu chéo, nhất là sở hữu gián tiếp, vẫn là bài toán khó với NHNN. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, vấn đề lớn nhất trong sở hữu ngân hàng hiện nay là “đầu tư núp bóng”. Đây là nguyên nhân khiến sở hữu chéo khó nhận diện. Vì vậy, quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng không quan trọng bằng việc phải công khai, minh bạch tỷ lệ sở hữu thực của các ông chủ nhà băng và cần có giải pháp xử phạt mạnh tay.

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải giám sát được hệ sinh thái của các ngân hàng. Vấn đề này không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều bên vào cuộc.

Tất nhiên, mấu chốt của mọi vấn đề vẫn là phải tăng cường năng lực quản trị của các ngân hàng. Các chuyên gia kiến nghị, hệ thống ngân hàng cần tiến tới áp dụng chuẩn mực quản trị doanh nghiệp của OECD hoặc Ngân hàng Thanh toán quốc tế để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo. Đồng thời, tăng trách nhiệm với thành viên hội đồng quản trị của các ngân hàng. Bên cạnh đó, thường xuyên luân chuyển cán bộ để sớm phát hiện sai sót…

Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Thúy Vân, vai trò của NHNN là đặc biệt quan trọng trong việc ban hành các biện pháp cần thiết để giám sát, kiểm soát và hạn chế hành vi lợi dụng quyền chi phối, hoặc việc sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân có liên quan đến nhau nhằm thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Để chống sở hữu chéo, cần phải tăng cường vai trò của lực lượng thanh tra - giám sát NHNN. Theo tôi, nên cho phép cơ quan thanh tra giám - sát ngân hàng được điều tra, thậm chí điều tra hình sự một phần. Bởi nếu không được tăng quyền, cơ quan thanh tra ngân hàng rất khó phát hiện được sở hữu chéo. Hiện nay, do không được phép, lực lượng thanh tra - giám sát ngân hàng không thể yêu cầu các cá nhân không liên quan đến tổ chức tín dụng cung cấp thông tin, nên rất khó nắm bắt tình hình.

- Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI
Siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Khó chặn sở hữu chéo, lại làm khó nhà đầu tư ngoại
Theo các luật sư và chuyên gia kinh tế, việc giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng của cá nhân, tổ chức không có nhiều tác dụng với chống sở hữu chéo,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư