Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Nhiều bộ, ngành, địa phương "kiên định" không báo cáo kết quả chống lãng phí
Nguyễn Lê - 27/05/2021 15:40
 
Ba năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có phê bình, nhắc nhở, nhưng đến năm 2021 vẫn có một số nơi quá thời hạn vẫn chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
TIN LIÊN QUAN
.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ.

Ba năm trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có phê bình, nhắc nhở nhưng đến năm 2021 vẫn có một số nơi quá thời hạn nhưng chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) gây khó khăn cho đánh giá kết quả chung.

Trong phiên họp thứ 56, chiều 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả THTK, CLP năm 2020 của Chính phủ.

Đây là công việc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hằng năm, trước khi báo cáo về nội dung này được gửi đến Quốc hội.

Và năm nay,  một lần nữa cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vẫn phải nhắc lại căn "bệnh nặng" trong lĩnh vực này. Đó là chậm ban hành chương trình THTK,CLP và chậm/không báo cáo kết quả đúng quy định.

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: trong năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có phê bình, nhắc nhở việc chấp hành quy định của Luật THTKCLP, nhưng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm ban hành chương trình THTKCLP năm 2020 (thời hạn quy định là ngày 23/2/2020, nhưng đến tháng 4, tháng 5 năm 2020 mới ban hành).

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 13/4/2020; Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành ngày 7/4/2020; Bắc Ninh ngày 2/4/2020; Đà Nẵng ngày 9/4/2020; Hà Nam ban hành ngày 7/4/2020; Lâm Đồng ngày 6/4/2020; Phú Yên ngày 28/5/2020; Vĩnh Long ngày 22/4/2020; Hà Tĩnh ngày 17/9/2020; Hải Phòng ngày 3/4/2020; Hậu Giang ngày 14/5/2020; Đồng Nai ngày 11/6/2020; Tiền Giang ban hành ngày 4/5/2020…

Ở Trung ương, danh sách chậm trễ có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 26/5/2020 mới ban hành chương trình THTKCLP, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đến ngày 29/5/2020 mới ban hành.

Khối doanh nghiệp cũng chậm: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ban hành ngày 14/4/2020; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội ban hành ngày 25/5/2020; Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành ngày 27/4/2020.

Đáng chú ý, thời hạn báo cáo kết quả THTKCLP năm 2020 là ngày 28/2/2021, nhưng cho đến ngày 14/5/2021, khi Chính phủ tổng hợp báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì vẫn còn Đồng Tháp và TP.HCM chưa gửi báo cáo.

Điều này, theo Chính phủ, thể hiện sự thiếu ý thức, trách nhiệm chưa cao trong chấp hành Luật THTKCLP; làm ảnh hưởng đến công tác tổng kết, đánh giá và kết quả THTKCLP chung của cả nước.

Ngoài ra, theo cơ quan thẩm tra, một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả THTK, CLP; một số bộ, ngành chưa thực hiện chấm điểm theo quy định; một số báo cáo không nêu cụ thể số liệu, chưa đánh giá so sánh với chỉ tiêu đề ra năm 2019, một số đánh giá còn chung chung, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, báo cáo kết quả THTK,CLP.

Báo cáo THTK,CLP năm 2019 của Chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu nhưng báo cáo năm 2020 chưa tổng kết, đánh giá kết quả đạt được như: Phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với bình quân giai đoạn 2011- 2015, cơ quan thẩm tra nhận xét.

Như vậy, đã ba năm liền hạn chế liên quan đến ý thức của bộ, ngành, địa phương trong THTK, CLP được đặt ra. Nổi bật trong ba năm gần đây là TP.HCM với hai năm liền không có báo cáo (cho đến khi Chính phủ báo cáo chung) và một năm thì gửi nhầm báo cáo của năm trước nữa. 

Cụ thể, năm 2020, đến ngày 25/3, khi Chính phủ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn còn 4/35 bộ, cơ quan trung ương, 7/63 tỉnh, thành phố không gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, gồm Bộ Y tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tỉnh An Giang, Bắc Giang, Cao Bằng, Đồng Nai, Hòa Bình, Quảng Trị và TP.HCM.

Khi đó nhiều đơn vị báo cáo chậm so với thời hạn quy định, tổng kết đánh giá kết quả sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước.

Trước đó nữa, năm 2018, khi mà có đến 4/34 bộ, cơ quan trung ương; 12/63 tỉnh, thành phố (riêng TP.HCM thì gửi nhầm báo cáo của năm 2016) và 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiêm khắc phê bình. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, nhưng có bộ, ngành, địa phương vẫn không gửi báo cáo kết quả thực hiện, đến năm sau tình trạng đó vẫn tiếp tục tái diễn.

Đầu năm 2020 khi xem xét báo cáo năm 2019 , Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội phê bình nghiêm khắc và yêu cầu cơ quan thẩm tra nêu rõ, nêu đầy đủ địa chỉ bộ, ngành, địa phương nào chưa báo cáo.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng: “Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” tại báo cáo thẩm tra 1 năm trước.

Năm nay, tại báo cáo thẩm tra vừa hoàn thành ngày 24/5/2021, Ủy ban này tiếp tục kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả THTK,CLP; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật THTKCLP.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư