Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lo phải rời cuộc chơi trái phiếu, Bộ Tài chính nói gì?
Thùy Liên - 30/09/2022 12:32
 
Dù không siết điều kiện phát hành, song Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải rời cuộc chơi.
f
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính.

Không siết chặt điều kiện phát hành song với các quy định chặt chẽ hơn về công bố thông tin, hồ sơ phát hành, phương thức chào bán trái phiếu, nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…, Nghị định 65 dự kiến sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khó có thể tiếp tục phát hành trái phiếu.

Phát biể tại tọa đàm "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" do Tạp chí VNeconomy tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính khẳng định, Nghị định 65 không áp đặt thêm các điều kiện mới với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ tăng cường các điều kiện về công bố thông tin, giúp mọi việc được minh bạch hơn.

Tất nhiên, để đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp phát hành phải triển khai thêm một số công việc, tăng thêm chi phí để phát hành. Nhưng, đây là điều cần thiết để xây dựng một thị trường trái phiếu minh bạch hơn trong tương lai.

“Với các quy định như vậy, những doanh nghiệp nào đã công bố thông tin một cách minh bạch vẫn có thể tiếp tục phát hành trái phiếu để huy động được, nhất là đối với những doanh nghiệp có những dự án tốt, có sức khỏe tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh tốt. Một số doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể coi trái phiếu riêng lẻ là kênh huy động vốn duy nhất. Những lúc như thế này, doanh nghiệp sẽ phải tính toán các kênh huy động hiệu quả khác”, ông Dương khuyến nghị.

Về các kênh huy động vốn khác, theo ông Dương, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ gỡ các thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, đảm bảo những doanh nghiệp có đáp ứng đủ điều kiện phát hành ra công chúng sẽ được nhanh chóng phát hành.

Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng chỉ chiếm 5% tổng giá trị phát hành, nguyên nhân là thủ tục phát hành rườm rà, thời gian phê duyệt hồ sơ quá lâu (có khi kéo dài đến hàng năm) gây khó khăn cho doanh nghiệp trong chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chưa kể, các cán bộ khi phê duyệt hồ sơ cũng có tâm lý bất an, sợ trách nhiệm khiến khâu phê duyệt các kéo dài.

Ông Dương thừa nhận, đúng là hiện nay có tâm lý e ngại về trách nhiệm của cán bộ nhà nước trong việc thẩm định phát hành ra công chúng. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ đạo rà soát sửa đổi Luật Chứng khoán. Theo đó, sẽ quy định rất rõ trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu. Việc ghi rõ trong luật về việc cán bộ thẩm định, cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm đến mức nào sẽ giúp cán bộ thẩm định bớt lo lắng.

Theo ông Dương, việc xảy ra trái phiếu mất khả năng thanh toán (default) nhiều khi không phải lỗi do cán bộ thẩm định kém.

Cán bộ thẩm định đưa ra quyết định dựa trên các báo cáo tài, số liệu do doanh nghiệp cung cấp. Thế nhưng, thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh muôn hình vạn trạng, có thể doanh nghiệp thời điểm phát hành trái phiếu hoạt động rất tốt nhưng vì điều kiện thị trường 5,6 tháng sau trở nên xấu đi thì cơ quan thẩm định cũng không thể lường trước được.

Bên cạnh giải pháp thúc đẩy phát hành trái phiếu ra công chúng, một giải pháp nữa, theo ông Dương là phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, nhằm tăng nguồn lực đầu tư vào thị trường trái phiếu.

“Chúng ta đã đưa ra được chuẩn về định mức tín nhiệm thì có thể tận dụng để sửa đổi các quy định hiện hành. Ví dụ như thay vì quy định các quỹ đầu tư chỉ được đầu tư một tỷ lệ nhất định vào trái phiếu thì bây giờ có thể căn cứ theo xếp hạng tín nhiệm. Kể cả với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, cũng có thể cho phép các công ty này có thể được đầu tư một tỷ lệ nào đó vào trái phiếu được định hạng ở mức AAA hoặc ở mức cao. Các quy định này vừa tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các quỹ đầu tư, vừa tạo ra một lực cầu mới trên thị trường trái phiếu”, ông Dương nói.

Với các giải pháp tổng thể này, đại diện Bộ Tài chính hy vọng trong trung, dài hạn sẽ giải quyết được vấn đề vốn của doanh nghiệp.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ sẽ giải tỏa cơn khát vốn cho doanh nghiệp
Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ vừa ban hành được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các nhà phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư