Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Nhiều đơn hàng, doanh nghiệp vẫn lo
Trọng Tín - 24/03/2022 10:39
 
Đơn hàng dồi dào trở lại đã tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp phục hồi, nhưng số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khủng hoảng lao động

Những tháng đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp may mặc tại TP.HCM có khởi đầu khá thuận lợi khi đơn hàng bắt đầu tấp nập trở lại. Tuy nhiên, đơn hàng tăng không đồng nghĩa là hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là trong bối cảnh số ca mắc mới tại TP.HCM những ngày qua tăng đột biến, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng nguồn lao động.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, bước sang năm 2022, Dony đã ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông, Mỹ và Nhật Bản, với tổng giá trị khoảng 2 triệu USD. Nhưng một nỗi lo rất lớn được ông chủ doanh nghiệp này nhắc đến là tình hình tuyển dụng lao động.

Việc kiểm soát những người mắc Covid-19 khó khi nhiều người ít có triệu chứng rõ ràng và họ cũng cảm thấy đủ sức khỏe để làm việc. Do đó, cần tạo điều kiện để họ tham gia sản xuất.

“Đơn hàng dồi dào, nhưng đến nay vẫn chưa đủ lao động. Hiện Dony mới tuyển được khoảng 70% nhu cầu lao động, dù các chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn. Trước nguy cơ biến động lực lượng lao động khi bị nhiễm Covid-19, doanh nghiệp phải linh hoạt giải quyết tình huống và có những giải pháp để bù đắp lượng công nhân thiếu hụt, trước mắt là phải tăng ca liên tục để kịp xuất đơn hàng”, ông Quang Anh nói.

Còn với Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất tại TP.HCM với khoảng 56.000 công nhân, cũng đang thiếu hàng ngàn lao động do số ca F0 phát sinh trong nhà máy thời gian gần đây.

Để tránh lây nhiễm chéo, công ty này đã chia lượng F1 thành hai nhóm gần và xa. Với F1 tiếp xúc gần, sống chung nhà với F0, nguy cơ lây nhiễm cao phải tạm nghỉ ít nhất 5 ngày, đi làm lại khi xét nghiệm nhanh âm tính. F1 tiếp xúc xa là người làm chung chuyền, bộ phận, có đeo khẩu trang vẫn đi làm bình thường, được theo dõi sức khỏe và test nhanh vào ngày thứ ba tính từ thời điểm tiếp xúc.

Theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Pouyuen Việt Nam, hiện đơn hàng của Công ty rất ổn định nên cần tuyển thêm 3.000 công nhân để đảm bảo lực lượng lao động, tuy nhiên giai đoạn hiện tại rất khó để tuyển đủ. “Để đảm bảo đơn hàng kịp giao cho đối tác trong tình thế thiếu lao động, Công ty đã thực hiện giải pháp trước mắt là kéo dài thời gian tăng ca thêm 1 tiếng”, ông Nghiệp thông tin.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án để F1 được đi làm bình thường. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may Thành Công lo lắng, công ty ông có hơn 4.400 lao động, có thời điểm cả chuyền bị nhiễm, xưởng sản xuất không có người làm.

“Trước tình thế đó, chúng tôi phải để F1 được đi làm. Nếu công nhân bị xác định là F1 do tiếp xúc gần F0 ở nhà máy, có đeo khẩu trang, đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin vẫn được đi làm. Trường hợp nguy cơ cao hơn, được xét nghiệm nhanh và theo dõi sức khỏe. Chỉ những F1 chung nhà với F0, không thể cách ly mới phải tạm nghỉ việc”, ông Tuấn chia sẻ về biện pháp đảm bảo nhân sự của Dệt may Thành Công.

Giám sát chặt, thực hiện đầy đủ 5K

Mới đây, UBND tỉnh Long An đã có văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 được tham gia làm việc trực tiếp. Chủ trương này của Long An cũng được nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM mong muốn sớm được áp dụng.

Là doanh nghiệp sản xuất trong ngành giày da có số lượng công nhân lên đến hơn 4.000 người, bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich Việt Nam cho biết, thời gian qua không còn tình trạng công nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nặng phải nghỉ làm, trong khi một số trường hợp công nhân mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn âm thầm đến nhà máy làm việc.

Theo bà Vân, việc kiểm soát những người mắc Covid-19 rất khó khi nhiều người ít có triệu chứng rõ ràng và họ cũng cảm thấy đủ sức khỏe để sản xuất. Do đó, bà Vân cho rằng, với những người mắc Covid-19 hoặc những người tiếp xúc gần, nếu sức khỏe đảm bảo, mong muốn đi làm thì cần tạo điều kiện để họ tham gia sản xuất.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng cũng cho rằng, hiện 100% công nhân của Công ty đã tiêm 3 mũi vắc-xin, nếu doanh nghiệp không xét nghiệm, khó xác định một công nhân có đang mắc Covid-19 hay không, bởi nhiều người không có hoặc triệu chứng rất nhẹ, bản thân họ cũng không biết mình mắc. Do đó, đề xuất cho F0 đi làm là phù hợp với thực tế, thể hiện sự thích ứng linh hoạt và cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo nhân công.

“Bình thường, mỗi lao động nghỉ do nhiễm bệnh từ 4 đến 5 ngày. Như vậy, chúng tôi sẽ bị gián đoạn sản xuất. Cái khó nhất của doanh nghiệp là sắp xếp lại dây chuyền sản xuất làm sao cho phù hợp, đảm bảo thu nhập và năng suất”, ông Việt nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM nêu thực tế, qua 2 tháng sản xuất đầu năm, TP.HCM và các tỉnh, thành phố cả nước có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2021. Đáng chú ý, phần lớn nhà máy, doanh nghiệp đều có đơn hàng từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng F0 ít biểu hiện xuất hiện nhiều, kéo theo hàng loạt F1 tại các nhà máy phải nghỉ, khiến lực lượng lao động bị thiếu hụt, khó đảm bảo sản xuất.

“Các nhà máy thiếu 50.000 - 70.000 lao động trong năm 2022, riêng 18 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao thiếu khoảng 30.000 lao động. Do đó, để F0 ít biểu hiện được đi làm, với giám sát chặt và thực hiện đầy đủ 5K tại từng tổ sản xuất sẽ giải quyết được tình trạng đứt gãy lao động trong giai đoạn hiện nay”, ông Bé đề xuất.

Dệt may nhận nhiều đơn hàng lớn từ Mỹ
Dệt may có cơ hội tăng thị phần tại Mỹ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng hơn hết, với kết quả xuất khẩu có được sau 2/3 chặng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư