Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Nhiều mô hình franchise phát triển nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý
Anh Hoa - 12/11/2020 15:52
 
Sự gia nhanh chóng số lượng các bên nhận nhượng quyền trong nhiều lĩnh vực sẽ đi ngược với nguyên tắc chính của một mô hình nhượng quyền thương mại bền vững, gây ra nhiều rủi ro pháp lý.
Luật sư Phạm Duy Khương. Ảnh: Chí Cường
Luật sư Phạm Duy Khương. Ảnh: Chí Cường

Sự phát triển của thương mại điện tử, các kênh đầu tư mới đã xuất hiện, ngày càng trở nên đa dạng hơn và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư khi các kênh đầu tư truyền thống như đầu tư chứng khoán hay đầu tư vàng đã không còn là sự lựa chọn ưu tiên của họ.

Tuy nhiên, với sự phức tạp trong việc kiểm soát trong thương mại điện tử, các kênh đầu tư mới này có thể mang lại những rủi ro tiềm tàng cao và gây hậu quả lớn cho các nhà đầu tư.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh hàng hoá thương mại điện tử phi biên giới mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm tàng nhiều rủi ro về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu hàng hoá sang một nước khác hay chính trong lãnh thổ Việt Nam.

Hiện nay, một số bên lợi dụng các sàn thương mại điện tử để tập trung bán hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ như sản phẩm mang nhãn hiệu, bản quyền đã được bảo hộ cho một bên khác.

“Với những hiệp định đã có hiệu lực như CPTPP và EVFTA thì thực thi về sở hữu trí tuệ sẽ được đẩy mạnh, trong đó sẽ tập trung xử lý về hình sự những hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ”, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành ASL LAW khẳng định tại Tọa đàm “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay.

Hay như chuỗi nhượng quyền thương mại. Ông Khương cho biết, hiện nay có rất nhiều mô hình kinh doanh được tự gọi là “nhượng quyền thương mại” đang phát triển nóng. Bằng chứng của việc phát triển này chính là sự gia nhanh chóng số lượng các bên nhận nhượng quyền. Có thể kể đến các mô hình nhượng quyền liên quan đến đồ ăn uống, đồ ăn nhanh, khách sạn, nhà hàng, mỹ phẩm, làm đẹp, giáo dục…

Quan sát có thể thấy, cách thức hoạt động của các mô hình nhượng quyền này đi ngược với nguyên tắc chính của một mô hình nhượng quyền thương mại bền vững.

Những rủi ro ở đây có thể kể đến là mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền còn mới, chưa được thời gian kiểm chứng về độ thành công, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng cũng không được xây dựng, hợp đồng chứa những điều khoản lỏng lẻo, không thể được xem là hợp đồng nhượng quyền thương mại.

“Đây là những điều tiềm ẩn những tranh chấp pháp lý trong tương lai… Chính vì những lý do trên, Bên nhận nhượng quyền sẽ đối diện nhiều rủi ro về pháp lý trong trường hợp bên Nhượng quyền dừng hoạt động cũng như gặp sự cố trong quá trình hoạt động”, ông Khương chia sẻ.

Minh chứng, vụ đối tác nhận nhượng quyền Breadtalk (thương hiệu bánh mì của Singapore) tại Hồng Kông có liên quan đến việc sử dụng dầu bẩn của Công ty Chang Guann (Đài Loan) bị đăng tải lên một tờ báo mạng.

Ngay lập tức, cả hệ thống Breadtalk tại tất cả các nước trong khu vực đều bị vạ lây, dù thật sự họ vẫn áp dụng đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và dù họ chẳng liên quan gì đến Chang Guann.

Câu chuyện này đặt ra vấn đề làm thế nào để quản lý rủi ro khi nhượng quyền qua các cấp? Hay các vụ bê bối dầu bẩn gần đây chính là ví dụ điển hình về việc các đối tác nhận nhượng quyền của Breadtalk, Starbucks, 7-Eleven trực tiếp hay gián tiếp đã lựa chọn nhà cung cấp địa phương.

Ngoài những rủi ro trong chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra khi phục vụ khách hàng, có những rủi ro hoàn toàn khách quan do tính đa dạng của các giá trị văn hóa, xã hội theo khu vực địa lý, dẫn đến những nhận thức khác nhau về ý nghĩa, thông điệp của những chương trình quảng bá, quảng cáo.

Điển hình, tháng 12/2012, doanh nghiệp nhận nhượng quyền của Gloria Jeans Coffees Việt Nam đăng tải chương trình khuyến mãi dành cho phái nữ có chiều cao từ 1,65 m.

Trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau khi bên nhận nhượng quyền đăng tải chương trình này lên Facebook tại Việt Nam, công ty nhượng quyền Gloria Jeans Coffees International tại Úc đã nhận ngay email, điện thoại phản đối từ báo chí và khách hàng tại Việt Nam và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chương trình gọi là “khuyến mãi kỳ thị” này. Ngay sau đó, chương trình bị đình chỉ và công ty mẹ phải xin lỗi khách hàng. Năm 2017, chuỗi cửa hàng cà phê ngoại này phải âm thầm rời khỏi Việt Nam.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia trong lĩnh vực franchise cho rằng, mô hình nhượng quyền của các công ty quốc tế vào Việt Nam có sức hấp dẫn cao hơn trong nước. Bởi công ty quốc tế có một quy trình làm việc chuẩn và đã có thời gian phát triển tương đối lâu, khi vào Việt Nam họ chỉ tìm cách hài hòa với các quy định hay tập quán của Việt Nam.

Trong khi đó, phần lớn công ty Việt Nam là quy mô vừa và nhỏ, chưa xây dựng được quy trình kinh doanh, nên còn nhiều vấn đề phải chuẩn hóa. Vì vậy, thị phần hiện franchise đang nghiêng về công ty nước ngoài nhiều hơn.

Chủ tịch EY Việt Nam: Đầu tư trên không gian số, làm gì để tránh "sập bẫy"?
Khi đầu tư tài sản cá nhân trên không gian số, nhà đầu tư thiếu thông tin, thông tin nhiễu, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông... có thể bị sập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư