Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Nhiều nhà băng lãi hàng ngàn tỷ đồng trong quý đầu năm 2024
Vân Linh - 10/04/2024 10:15
 
Dù tín dụng tăng chậm trong 2 tháng đầu năm, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng trong quý I. Các nhà băng tự tin đạt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2024.

Một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Ngoài việc thông qua các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ hay vấn đề nhân sự, ĐHĐCĐ còn là dịp để các ngân hàng hé lộ một phần kết quả kinh doanh quý đầu năm trước khi công bố chi tiết trong báo cáo tài chính.

Tại đại hội ngày 4/4, Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát cho biết, hoạt động kinh doanh của ACB trong quý I khá tốt. Tín dụng tăng 3,7% so với cuối năm, gấp đôi toàn ngành và hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Huy động vốn tăng trưởng 2,1%, huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tốt hơn mức chung, đạt 4,6%; tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23% và cố gắng giữ vị trí top 5. Lợi nhuận dự kiến 4.900 tỷ đồng, bám sát với kế hoạch năm 2024 (ACB đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024 ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023).

Phát biểu tại ĐHĐCĐ ngày 2/4, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB thông tin, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay là 1%, cao hơn mức trung bình ngành. Mặc dù, các ngân hàng mất 1 tháng hoạt động trong kỳ Tết và các hoạt động kinh doanh bảo hiểm khó tránh ảnh hưởng, nên toàn thị trường giảm sút nhiều. “Trong quý I, VIB vẫn đạt lợi nhuận 2.600 tỷ đồng. Đây là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh. Với việc thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, ngân hàng cũng kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000 - 1.500 tỷ đồng từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro”, ông Vỹ nói.

Trong khi đó, SeABank công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu nhập hoạt động quý I/2024 của Ngân hàng đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%...

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, lãi trước thuế của ngân hàng này trong quý I/2024 dự kiến khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng, tín dụng tăng 4,6%.

“Với con số lợi nhuận đạt được trong quý I, OCB tự tin sẽ đạt chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2024. ĐHĐCĐ Ngân hàng diễn ra ngày 15/4 tới, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%, nợ xấu kiểm soát ở mức thấp nhất”, ông Tùng chia sẻ.

Tương tự, theo ông Từ Tiến Phát, ACB sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2024 là 12.000 tỷ đồng, khi tín dụng dần cải thiện. Nhiều năm qua, ACB dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ (gần 94%), mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển. Về doanh thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm bị ảnh hưởng sẽ được thay thế bằng các mảng khác, chẳng hạn như thẻ CASA của ACB cũng cải thiện đáng kể. Nợ xấu đã giảm và cố gắng kiểm soát quanh mức 1,2-1,3%.

Các nhà băng dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ dần cải thiện trong các quý tới, là cơ sở để thực hiện chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho cả năm nay, kể cả với những ngân hàng có tham vọng lợi nhuận là con số tỷ đô.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 25/3, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%. Trước đó, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM chỉ ra, nếu tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,93%, thì tháng 2 mặc dù tăng trưởng chậm, song tín dụng đã tăng trở lại (tăng 0,01%) và dự ước tháng 3, tín dụng trên địa bàn tăng 0,5% so với tháng trước đó.

Theo điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa được NHNN công bố, do nền kinh tế có diễn biến tích cực, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, nên nhu cầu vay vốn được cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay trong quý II và cả năm 2024 tiếp tục ở mức thấp. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được dự báo tăng bình quân 3,8% trong quý II và tăng 13,6% trong năm 2024. Các tổ chức tín dụng tin tưởng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024. Có tới 86,2% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023; chỉ 10,1% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Lợi nhuận ngân hàng vẫn “trông cậy” vào tín dụng
Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng cải thiện sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh thu ngoài lãi ảm đạm, nhất là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư