Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều thách thức khiến năng lượng xanh khó hút vốn
Thanh Hương - 30/07/2022 08:06
 
Mục tiêu giảm phát thải, sử dụng năng lượng xanh ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng, nhưng việc thực thi chưa dễ dàng.
Nắm bắt xu hướng phát triển xanh, một số doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái

Tự sản, tự tiêu cũng không dễ

Chỉ ít ngày trước, Miza Corporation - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy tái chế đã ký hợp đồng dài hạn với TotalEnergies để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái 4 MWp cho nhà máy mới Mipak ở Hải Dương, nhằm cung cấp khoảng 20% năng lượng tái tạo cho nhu cầu điện của nhà máy.

Với khoảng 7.500 tấm quang điện sẽ được lắp đặt, hệ thống điện mặt trời này sản xuất khoảng 4,2 triệu kWh mỗi năm. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí điện đáng kể cho Công ty Miza, mà còn giảm phát thải carbon khoảng 1.250 tấn, tương đương với việc trồng hơn 19.000 cây hàng năm.

Theo hợp đồng này, TotalEnergies lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời và Công ty Miza chi trả tiền điện do hệ thống sản xuất trong vòng 20 năm và không tốn chi phí đầu tư ban đầu.

Với lợi ích nhìn thấy rõ này, TotalEnergies và Công ty Miza đã ký thỏa thuận cam kết đầu tư hệ thống điện mặt trời cho các nhà máy khác của mình là Miza Nghi Sơn và kế hoạch phát triển mở rộng 15 ha, với tổng công suất điện mặt trời áp mái dự kiến đạt 20 MW.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Công ty Miza chia sẻ: “Chúng tôi kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất giấy tái chế hơn 12 năm. Mục tiêu bền vững về môi trường luôn song hành với hoạt động của Công ty và doanh nghiệp cam kết chuyển dần sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon để đạt được mục tiêu bền vững về môi trường”.

Miza cũng chỉ là một ví dụ cụ thể cho những doanh nghiệp đang nỗ lực xanh hóa quy trình sản xuất của mình thông qua việc sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong quá trình hoạt động.

Đây cũng không chỉ là nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, trung hòa carbon vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết tại COP26, mà còn là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trước những mong muốn của người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm xanh hơn, tốn ít năng lượng hơn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Minh cho biết, do các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp đặt tại miền Bắc, nên cũng được nghe thông tin về nguồn cung cấp điện tại khu vực này có những áp lực nhất định do nhu cầu tăng, mà nguồn cung mới không có thêm nhiều. Tuy nhiên, quyết định sử dụng điện mặt trời áp mái cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp xuất phát từ mục tiêu xanh hóa quy trình sản xuất nhiều hơn là lo thiếu điện.

“Dù nguồn cung điện hiện vẫn được đáp ứng tốt, nhưng chúng tôi vẫn quyết định hợp tác đầu tư điện mặt trời áp mái phục vụ sản xuất của mình để sản phẩm làm ra có thêm các chứng chỉ xanh, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, nhất là khách hàng xuất khẩu”, ông Minh nói.

Dẫu vậy, nỗ lực của doanh nghiệp về đầu tư điện mặt trời áp mái phục vụ hoạt động của mình cũng đang gặp thách thức nhất định.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp không dùng điện lưới toàn bộ, thì chi phí đầu tư cho điện mặt trời cùng pin lưu trữ lúc nguồn năng lượng tái tạo không phát điện lại quá lớn, ảnh hưởng trực tiếp lên giá thành sản phẩm làm ra.

Với các doanh nghiệp không bán điện mặt trời lên lưới điện quốc gia khi tự tiêu thụ không hết, nhưng vẫn đồng thời sử dụng nguồn điện lưới để đáp ứng khi thời tiết biến động (mây che, mưa giông hay khi mặt trời tắt nắng), thì việc phải sẵn sàng nguồn để cấp ngay lại không được ngành điện mặn mà, bởi thực tế, không biết lúc nào cần để bố trí công suất chờ sẵn, nhất là khi tiêu thụ điện và sản xuất đồng thời diễn ra, chứ không thể dự trữ.

Tuy nhiên, với các đối tượng trên, ngành điện vẫn khuyến khích lắp hệ thống điện mặt trời áp mái ở quy mô nhất định tại miền Bắc ở những công trình mới đầu tư, bởi thực tế nguồn cung điện ở khu vực này hiện không còn dự phòng do 5-7 năm trở lại đây đã không được bổ sung mới như kỳ vọng, khiến nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu.

Với những doanh nghiệp mà ngành điện đã đầu tư hạ tầng để phục vụ bán điện cũng như có vị trí tại miền Nam - nơi đang thừa nguồn điện mặt trời, thì ngành điện không khuyến khích việc lắp thêm điện mặt trời áp mái để tự dùng phần nào.

“Ngành điện đã đầu tư hạ tầng để cấp điện cho khách hàng và trông chờ thu lại bằng tiền bán điện, nhưng nay, khách hàng đi mua nguồn khác, thì các hạ tầng đã đầu tư trước đó đang không được khai thác như dự tính. Chưa kể, ngành điện luôn phải có dự phòng cho khách hàng, mà không biết khi nào được huy động cũng khiến chi phí sản xuất điện của hệ thống bị đội lên, gây lãng phí hơn trên bình diện chung”, ông Nguyễn Bình, chuyên gia năng lượng nhận xét.

Chưa có cơ chế làm điện tái tạo để bán tới người tiêu dùng

Ngoài các trường hợp tự dùng như nói trên, những khách hàng muốn đầu tư năng lượng tái tạo để bán trực tiếp tới các khách hàng lớn khác cũng phải đối mặt với thực tế chưa có cơ chế thực thi.

Bộ Công thương đang xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Bộ Công thương đang xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), với kế hoạch tổng công suất các nhà máy điện tham gia Chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp không quá 1.000 MW.

Ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Dự án Vleep (có chức năng hỗ trợ kỹ thuật xây dựng cơ chế DPPA) cho biết, ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo và coi đó là một trong những yếu tố quyết định đầu tư. Nếu DPPA được thí điểm ở Việt Nam, thì đó sẽ là bước hiện thực hóa các cam kết quốc tế tại COP26.

Tuy nhiên, Luật Điện lực chưa cho phép mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam. Do đó, nếu áp dụng DPPA, thì Chính phủ phải cho phép một cơ chế thí điểm vượt qua khuôn khổ của pháp luật, diễn ra trong một quy mô và thời gian xác định. Sau đó mới có thể nhân rộng, thậm chí là sửa đổi luật pháp.

Theo ông Sơn, hai bên mua và bán sẽ phải tự đàm phán theo cơ chế thị trường. Cơ sở tham chiếu giá sẽ là giá bán điện sản xuất đang được Bộ Công thương quy định. Tương tự, giá truyền tải điện và vận hành mà các bên phải trả cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tham chiếu theo giá chung hiện tại. Việc tự đàm phán theo cơ chế thị trường, dựa vào khung giá tham chiếu phổ biến.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, đến thời điểm này vẫn còn thiếu rất nhiều điểm để có thể hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, như hạ tầng thực hiện, việc ký kết dựa trên mức giá nào, giao dịch ra sao, tiếp đến là hệ thống truyền tải từ nguồn phát đến các hộ tiêu thụ điện... Đó là chưa kể các vấn đề pháp lý khác liên quan.

Hiện tại, Luật Điện lực đã được sửa đổi, cho phép xã hội hóa đầu tư một số tuyến đường dây truyền tải không phải là xương sống của hệ thống điện, nhưng còn rất nhiều vấn đề cụ thể lại chưa được hướng dẫn, như quy định khoảng cách giữa nơi phát và nơi mua; xây dựng đường truyền tải thì nhà đầu tư có được chủ động quản lý luôn đường truyền tải đó tới khách hàng?...

Đó là chưa kể, theo các chuyên gia, để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, phải có các quy định cụ thể để ràng buộc, như công suất, phụ tải bao nhiêu cho phù hợp…

Vẫn bế tắc dự án năng lượng tái tạo dở dang

Liên quan 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nhưng do giá FIT hết hạn, nên chưa có giá bán điện; 5 dự án/phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện; 23 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.428 MW đã có chủ trương đầu tư, đã được chấp thuận dự án, nhưng chưa triển khai xong, Bộ Công thương mới đây đã đề nghị Chính phủ 4 vấn đề.

Theo đó, với các dự án  chuyển tiếp, Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đã được báo cáo tại Văn bản số 17/BCT-BC ngày 27/1/2022, nghĩa là nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành.

Đối với các dự án điện gió và mặt trời sẽ triển khai trong tương lai, Bộ đề nghị chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự các dự án chuyển tiếp như nêu trên. Với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, Bộ đề nghị Thủ tướng có văn bản chỉ đạo để Bộ Công thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và các chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán, bên mua, người tiêu dùng điện và Nhà nước.

Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định bãi bỏ Quyết định số 13/2020/TTg về cơ chế phát triển điện mặt trời, Quyết định 37/2011/QĐ-TTG và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế phát triển điện gió. Giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị Dự thảo Quyết định, xin ý kiến các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng nói là, cơ chế giá FIT về điện mặt trời đã kết thúc từ ngày 1/1/2021 và với điện gió là từ ngày 1/11/2021, nhưng tới nay, vẫn chưa có hướng đi nào được chốt để tháo gỡ sự bế tắc cho các nhà đầu tư dở dang. Nghĩa là, dù hướng tới mục tiêu xanh hơn, nhiều năng lượng tái tạo hơn, nhưng vẫn còn nhiều rào cản và vướng mắc để hiện thực hóa giấc mơ này.

Cần nguồn vốn khủng cho năng lượng xanh
Quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn, có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản đưa mức phát thải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư