Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Những bước tiến trong công nghệ hàng không
Hải Trâm - 26/10/2016 10:35
 
GE Aviation đang cung cấp công nghệ mới nhất cho các hãng hàng không Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam thành một trung tâm kinh doanh và du lịch của khu vực, tập đoàn đang coi Việt Nam là một trong những trọng tâm trong chiến lược của mình.

Công nghệ mang tính cách mạng

Hai công nghệ mới, in 3D và công nghệ vật liệu gốm composite CMC đang tạo nên cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp hàng không trong năm qua.

Từ năm 2015, một thiết bị bằng bạc cỡ nắm tay, nơi chứa bộ cảm biến nhiệt đầu vào của máy nén động cơ phản lực - đã trở thành biểu tượng của một trong những thay đổi lớn nhất của ngành thiết kế động cơ máy bay hiện đại.

GE sẽ thắt chặt quan hệ với các hãng hàng không đang phát triển của Việt Nam.
GE sẽ thắt chặt quan hệ với các hãng hàng không đang phát triển của Việt Nam

Bộ phận chứa thiết bị cảm biến này, gọi là T25, đã trở thành bộ phận chế tạo bằng công nghệ in 3D đầu tiên được chứng nhận của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho phép ứng dụng bên trong những động cơ máy bay thương mại của GE.

Sau đó, GE Aviation đã hợp tác với Boeing để lắp bộ phận này vào hơn 400 động cơ GE90-94B – dòng động cơ lớn nhất và mạnh nhất được sử dụng trong ngành hàng không. Các động cơ thuộc dòng GE90 vận hành máy bay Boeing 777.

Động cơ LEAP-1A cho máy bay Airbus A320neo đã được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 8 năm nay; trong khi đó, các chuyến bay thử nghiệm với thế hệ động cơ LEAP-1B cũng đang được tiến hành, dự kiến đưa vào ngành dịch vụ hàng không từ năm 2017. Cả hai động cơ đều ứng dụng công nghệ vòi phun in 3D được phát triển bởi CFM International (liên doanh giữa GE Aviation và Safran Aircraft Engines).

GE cũng đang phát triển bộ phận vòi phun nhiên liệu sử dụng công nghệ in 3D và các bộ phận khác cho động cơ GE9X của máy bay Boeing 777X, động cơ phản lực lớn nhất từng được phát triển.

Những đổi mới trong in 3D đã giúp cho công ty thiết kế và in các bộ phận mà không thể được sản xuất bằng cách khác. Bên cạnh đó, GE cũng đang tiên phong trong việc sử dụng công nghệ gốm composite CMC trong sản xuất phụ tùng máy bay.

Những loại “siêu gốm sứ” này có độ cứng như kim loại, nhưng chỉ nặng bằng một phần ba. Chúng có thể chịu được nhiệt độ 2.400 độ Fahrenheit (1.315,5 độ C) – cao hơn 500 độ Fahrenheit (295,5 độ C) so với các hợp kim tiên tiến nhất. Sự kết hợp này giúp các bộ phận trong động cơ nhẹ hơn mà không cần làm mát nhiều, cho công suất lớn hơn và đốt ít nhiên liệu hơn.

Ban đầu, GE Aviation sử dụng gốm composite CMC trên các vành che trong phần lõi của động cơ máy bay chiến đấu F136 và sau đó đã nhanh chóng ứng dụng rộng rãi hơn. Hiên nay, gốm composite CMC đã được sử dụng trên các thiết bị tĩnh trong động cơ LEAP trên các dòng máy bay Boeing 737 MAX, Airbus A320neo và Airbus A321neo.

Nhà sản xuất của LEAP, CFM International đã nhận được hơn 11.500 đơn đặt hàng cho các động cơ này, với tổng giá trị theo giá niêm yết hơn 160 tỷ USD. Các bộ phận được in 3D và phụ tùng làm từ vật liệu gốm cao cấp giúp việc bảo trì các động cơ LEAP dễ dàng hơn, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu đến 15% so với các động cơ hiện tại của CFM.

Đồng hành cùng Việt Nam

LEAP-1B, động cơ được sử dụng các bộ phận chế tạo từ công nghệ in 3D và vật liệu CMC, sẽ được sử dụng trong đội máy bay của hãng hàng không tư nhân VietJet Air.

Trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, CFM International đã ký hợp đồng cung cấp 215 động cơ LEAP-1B trị giá 3 tỷ USD cho 100 máy bay thế hệ mới Boeing 737 MAX của  VietJet Air. Các máy bay này sẽ được chuyển giao cho VietJet Air từ năm 2019 cho đến năm 2023, thực hiện kế hoạch mở rộng đường bay trong nước và quốc tế của hãng.

Theo VietJet Air, việc đầu tư vào một đội máy bay Boeing 737 MAX sẽ giúp hãng phát triển mạng lưới đường bay quốc tế theo kế hoạch của mình, trong đó sẽ bao gồm các chuyến bay đường dài.

Ngoài VietJet, nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu thế giới cũng đã hợp tác với Hãng hàng không Vietnam Airlines từ lâu. Nhiều máy bay của Vietnam Airlines đang sử dụng động cơ CFM56-5B, GE90 và GEnx của GE.

CFM56-5B là động cơ được sử dụng nhiều nhất cho dòng máy bay A320, đã được lựa chọn để vận hành gần 60% các máy bay A318/A319/A320/A321 mà các khách hàng đã đặt mua.

Vietnam Airlines, một trong những khách hàng đầu tiên tại khu vực, đã sử dụng động cơ CFM56-5B từ giữa những năm 1990 để vận hành đội bay Airbus A320 của hãng. Sau đó, 14 động cơ GE90 đã được Vietnam Airlines lựa chọn để sử dụng trong các chuyến bay trong khu vực. Máy bay Boeing 777 sử dụng động cơ GE90-94B là máy bay tầm xa đầu tiên Vietnam Airlines sử dụng. Tính linh hoạt và độ tin cậy của động cơ này cho phép Vietnam Airlines bay thẳng từ Hà Nội và TP.HCM tới Pari (Pháp).

Trong khi đó, động cơ máy bay GEnx sử dụng các công nghệ vật liệu và thiết kế tối tân nhất để giảm khối lượng, cải thiện suất tiêu hao nhiên liệu và giảm chi phí bảo trì cho máy bay cỡ trung và tầm xa, chẳng hạn như các máy bay Boeing 787 Dreamliner.

Vào tháng 10/2013, GE đã ký hợp đồng cung cấp 40 động cơ GEnx cho đội máy bay Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines. Các động cơ mới này giúp giảm đến 15% lượng tiêu thụ nhiên liệu của đội bay.

Ngoài việc cung cấp thiết bị, GE còn cung cấp cho khách hàng các dịch vụ và giải pháp linh hoạt, đáp ứng nhu cầu riêng của từng khách hàng. Với mạng lưới kỹ thuật toàn cầu, GE hỗ trợ các hoạt động của khách hàng ở mọi nơi, giúp khách hàng thực hiện được các mục tiêu về đảm bảo chất lượng hoạt động bay, bao gồm hiệu quả nhiên liệu, giảm khí thải và giảm tiếng ồn, cũng như cải thiện việc sử dụng các sân bay.

“Động cơ của GE giúp đảm bảo các chuyến bay an toàn và thoải mái cho hành khách. Nhưng cũng quan trọng không kém, công nghệ của GE đảm bảo hoạt động hàng không thân thiện môi trường. Đó là cách chúng tôi đang làm việc với các hãng hàng không của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chuyên chở hàng không ngày càng tăng”, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc của GE Việt Nam cho biết.

Tiềm năng lớn phía trước

Quá trình hội nhập của Việt Nam đã thúc đẩy giao thông hàng không gia tăng mạnh mẽ. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 25 triệu hành khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, riêng khách nội địa tăng 33%. Mức tăng này lớn hơn rất nhiều mức tăng của năm ngoái là 15-20%.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã nêu tên Việt Nam là một trong 7 thị trường phát triển hàng không nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2014-2017, cả về số lượng hành khách và hàng hóa quốc tế. Trong khi đó, số lượng hành khách trong nước dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm là 15% trong vài năm tới.

Đặc biệt, Hiệp định Tự do hóa vận tải hành khách giữa các nước ASEAN (ASEAN Open Sky) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các hãng hàng không trong khu vực, tạo cơ hội cho các hãng hàng không Việt Nam bay cao.

Trong bối cảnh này, GE Aviation rất kỳ vọng vào tương lai Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm giao thông hàng không trong “bầu trời mở ASEAN”.

Việt Nam kỳ vọng tham gia chuỗi sản xuất của GE Aviation
GE Aviation (Hoa Kỳ), nhà sản xuất động cơ máy bay dân sự và quân sự hàng đầu thế giới, đang nhắm tới thị trường Việt Nam không hẳn chỉ với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư