Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Những “mỏ” giải ngân lớn của ngành giao thông
Anh Minh - 17/04/2020 08:59
 
Bên cạnh 8 dự án cao tốc đang được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, ngành giao thông sẽ phải tận dụng dư địa từ các công trình khác để có thể sớm hoàn thành mục tiêu giải ngân 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020.
Năm 2020, ngành GTVT tiếp nhận thêm khoảng 20.000 tỷ đồng cho các Dự án đầu tư công, trong đó có Dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Đức Thanh
Năm 2020, ngành GTVT tiếp nhận thêm khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công, trong đó có Dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Đức Thanh

Không để mặt bằng là nút thắt

Không phải ngẫu nhiên mà mục tiêu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào cuối tháng 6/2020 lại được ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quán triệt nhiều lần tới các chủ đầu tư tham dự cuộc họp trực tuyến 13 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua vào đầu tuần này.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tính đến giữa tháng 4/2020, toàn bộ 11/11 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án đền bù. Các địa phương đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng đối với 457,42/653,61 km, đạt 70%, trong đó có một số tỉnh đạt tỷ lệ cao hơn như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vĩnh Long. Đây thực sự là một nỗ lực lớn của chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua, bởi công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Bắc - Nam mới chỉ triển khai được 1 năm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam còn nhiều khó khăn, khi khối lượng 30% còn lại chủ yếu là đất ở, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ, toàn bộ 11 dự án thành phần phải có mặt bằng sạch trong tháng 6/2020 để triển khai đồng loạt các gói thầu cao tốc Bắc - Nam trên cả nước trong tháng 8/2020.

“Trách nhiệm của Bộ GTVT và các địa phương trong giai đoạn tới rất nặng nề. Nếu chúng ta không vào cuộc quyết liệt, không có giải pháp hiệu quả, thì sẽ rất khó hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Văn Thể nói và cho biết, sẽ đề nghị đưa công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam vào chương trình làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh để tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc quyết liệt.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc bàn giao cơ bản toàn bộ mặt bằng cho Dự án vào cuối quý II/2020 cũng là mục tiêu và nhiệm vụ các tỉnh đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ để phục vụ thi công dự án. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ giải ngân phần vốn đầu tư công rất lớn của Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, góp phần thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020.

Cần phải nói thêm, nếu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2020, ngành GTVT sẽ giải ngân được 5.000/40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2020 được Thủ tướng giao hồi đầu năm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công ngay trên toàn tuyến vào quý III/2020.

Dư địa nhiều

Theo Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 3/2020, khối lượng vốn đầu tư công đã được giải ngân tại các dự án do Bộ GTVT quản lý là 4.041,6/40.664,0 tỷ đồng, đạt 9,9%. Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ GTVT), tiến độ giải ngân trong quý I/2020 chậm chủ yếu do tháng 1/2020, các dự án tập trung giải ngân cho phần kế hoạch còn lại của năm 2019, kết hợp nghỉ Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, do có sự điều chỉnh về khung giá đất năm 2019 và năm 2020, nên tại các tiểu dự án giải phóng mặt bằng 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cần phải phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung giá đất mới gây mất thời gian.

Nếu chúng ta không vào cuộc quyết liệt, không có giải pháp hiệu quả, thì sẽ rất khó hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường (PMU) Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020, đơn vị này được Bộ GTVT giao 3.638 tỷ đồng để giải ngân cho 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, đoạn Nha Trang - Cam Lâm khoảng 1.928 tỷ đồng và trả nợ Dự án BT La Sơn - Túy Loan khoảng 1.710 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng, khối lượng giải ngân của PMU đường Hồ Chí Minh trong quý I/2020 chưa đáng kể do công tác lựa chọn nhà thầu tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn kéo dài làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của đơn vị.

Được biết, 2 gói thầu đầu tiên của Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã khởi công từ tháng 9/2019, nhưng các gói thầu còn lại sau khi tổ chức đấu thầu đều phải lấy ý kiến của tổ liên ngành với 21 thành viên đến từ các bộ, ngành khác nhau, nên trình tự, thủ tục kéo dài. Phải đến đầu tháng 4/2020, công tác lựa chọn nhà thầu tại Dự án mới kết thúc.

“Trong tháng 4/2020, chúng tôi sẽ giải ngân thêm 1.000 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ đồng trả nợ Dự án BT La Sơn - Túy Loan; 200 tỷ đồng khối lượng thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn và chi trả đền bù giải phóng mặt bằng cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Trong năm 2020, PMU đường Hồ Chí Minh sẽ giải ngân toàn bộ phần vốn đã được giao”, ông Hoàng khẳng định.

Được biết, năm 2020, bên cạnh khoản vốn đầu tư công trị giá 40.000 tỷ đồng được giao từ đầu năm, ngành GTVT sẽ phải tiếp nhận thêm khoảng 20.000 tỷ đồng cho 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi sang đầu tư công; Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; 2 dự án nâng cấp, cải tạo 2 đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Thách thức là rất lớn bởi toàn bộ các dự án này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thậm chí có công trình còn chưa phê duyệt chủ trương đầu tư - những bước đi đầu tiên để triển khai một dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân, Bộ GTVT đang tận dụng tối đa các dư địa từ các công trình đang triển khai thi công, có khả năng tiêu thụ vốn lớn như các dự án đường sắt đô thị; tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 3 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công…

“Với những dự án này, chỉ có bám sát công trường, thậm chí cầm tay, chỉ việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sớm đưa công trình vào khai thác”, ông Huy cho biết.

Đẩy mạnh các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư