Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Những sai lầm cần tránh khi bị nhiễm độc kiến ba khoang
D.Ngân - 04/08/2024 10:37
 
Theo các chuyên gia y tế, chất pederin trong dịch tiết của kiến ba khoang là loại axit có độc tính mạnh gấp 10 - 15 lần nọc độc của rắn hổ mang.

Mỗi ngày, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của một bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận 10-15 ca phồng rộp, nhiễm trùng da do kiến ba khoang vào mùa. 

Ảnh minh họa.

Mùa mưa là thời điểm dịch kiến ba khoang ở miền Nam bùng phát mạnh, trong khi đó những tháng mùa khô rất ít gặp ca bệnh này. Kiến ba khoang còn được gọi là kiến kim, kiến lác, kiến nhốt, kiến cong,… thuộc giống Paederus, họ Staphilinidae, bộ cánh cứng. Kiến ba khoang với đặc trưng là phần bụng chia thành ba đốt màu nâu cam và đen xen kẽ, đuôi nhọn.

Loại côn trùng này sống chủ yếu ở những nơi ẩm ướt trên ruộng đồng, vườn cây, thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa khi thời tiết có độ ẩm cao, thuận lợi cho chúng sinh sản và phát triển. Kiến ba khoang buổi tối bị thu hút bởi ánh đèn trắng nên chúng thường bay vào nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, giường chiếu, chăn màn, vật dụng…

Chị T.V.H.T. (32 tuổi, TP.HCM) tới bệnh viện khám trong tình trạng mặt, cổ, tai có nhiều chùm mụn mủ màu trắng và vàng, kéo dài như các vết cào gãi. Hai ngày trước, khi ở nhà trên tầng 27 chung cư, thấy con vật nhỏ bằng đầu tăm bò trên bàn, chị dùng tay bắt giết.

Hôm sau thấy da phồng rộp, hơi đau rát vài điểm trên cổ, nghĩ bị côn trùng đốt nên chị xức dầu gió. Càng ngày sang thương càng lan rộng, ngứa rát nhiều. Được bác sĩ cho xem ảnh kiến ba khoang, chị T. mới biết mình đã tiếp xúc với loại kiến chứa chất tiết độc gấp 10 lần rắn hổ và thói quen sờ tay lên vùng da đỏ và chảy dịch là nguyên nhân khiến độc tố lan rộng.

Anh V.K.L. (26 tuổi, TP.HCM) tình cờ được phát hiện viêm da do kiến ba khoang khi tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám vì tình trạng dị ứng, nổi mề đay, tái đi tái lại. Anh L. cho biết lúc ngồi trên xe tới bệnh viện có di nát một con côn trùng đậu trên mặt.

Khoảng một tiếng sau, vùng mặt anh nổi vệt đỏ ngứa, rát. Các bác sỹ chẩn đoán anh L. bị “bệnh chồng bệnh” là mề đay và viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang.

Hai người bệnh được kê thuốc kháng dị ứng và thuốc thoa kháng viêm. Tình trạng của anh L. phức tạp hơn nên cần xét nghiệm kiểm tra nguyên nhân nổi mề đay, dùng thuốc uống, thuốc thoa chống dị ứng chứa corticosteroid, điều chỉnh các sản phẩm skincare, thực phẩm chức năng anh đang dùng tại nhà.

Thông thường, biểu hiện viêm da do độc tố của kiến ba khoang không quá nặng nề, có thể khỏi trong vòng một tuần và ít để lại sẹo, chủ yếu vết thâm. Các vết thâm do tăng sắc tố sau viêm sẽ mờ dần sau 2-3 tháng nếu người bệnh chống nắng kỹ.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chất pederin trong dịch tiết của kiến ba khoang là loại axit có độc tính mạnh gấp 10 - 15 lần nọc độc của rắn hổ mang, nhưng lượng chất độc này trong cơ thể kiến ba khoang rất ít, chỉ tiếp xúc ngoài da, không đủ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Độc lực của pederin rất mạnh, chỉ cần một lượng nhỏ dính lên da sẽ kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ, gây bỏng da, ngứa, rát, sưng đỏ do giãn mạch, phồng rộp, mụn nước, mụn mủ…

Nếu chất độc này dính vào vùng nhạy cảm như mắt có thể gây viêm kết mạc, tổn thương giác mạc, nặng hơn là mất thị lực, gây dị ứng toàn thân ở người có cơ địa mẫn cảm. Nếu làm vỡ mụn mủ và lan dịch tiết sang thương sang các vùng lân cận có thể xuất hiện thêm các tổn thương tương tự, việc chăm sóc, điều trị không đúng cách dễ dẫn đến nhiễm trùng và tăng nguy cơ để lại sẹo xấu.

Điều trị viêm da do kiến ba khoang không quá khó, tuy nhiên, triệu chứng của nhiễm độc kiến ba khoang với zona khi mới xuất hiện tương đối giống nhau, như nổi mụn nước, mụn mủ trên nền da đỏ, đau rát và ngứa.

Nhiều người bệnh nhầm lẫn nên tự điều trị bằng đắp lá cây, dùng thuốc gia truyền, chữa mẹo hoặc tới hiệu thuốc mua thuốc kháng virus, thuốc xanh để điều trị zona. Trong khi đó, kiến ba khoang phải điều trị theo hướng viêm da tiếp xúc. Việc dùng thuốc không đúng bệnh khiến tình trạng da chậm cải thiện hoặc nặng hơn, da nổi nhiều mẩn đỏ, chùm mụn mủ và đau rát rất nhiều.

Bác sỹ Dung chỉ ra điểm khác biệt mấu chốt giữa hai bệnh này là sang thương zona thường chỉ xuất hiện ở một nửa bên cơ thể, theo đường phân bố thần kinh, ở dạng mụn nước hoặc bóng nước lõm giữa, thường trong, đôi khi có xuất huyết.

Còn sang thương của kiến ba khoang thường dạng mụn mủ, có thể ở vị trí bất kỳ vị trí nào mà dịch tiết của kiến tiếp xúc, và mức độ đau do nọc độc của kiến ba khoang nhẹ hơn zona, cảm giác chủ yếu là nóng hoặc ngứa rát nhẹ.

Do đó, người bệnh không nên dùng tay không để bắt hoặc giết kiến ba khoang. Nếu có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, cần rửa sạch tay hoặc vùng tiếp xúc với kiến bằng xà phòng, hạn chế sờ, cào gãi da. Tốt nhất nên đến cơ sở y tế khi xuất hiện các chùm mụn mủ trên da để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai.

Để đề phòng kiến ba khoang, bác sỹ Dung khuyến cáo người dân lắp đặt lưới chống côn trùng ở các cửa; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, quang đãng, phun thuốc diệt côn trùng, đóng kín cửa buổi tối và hạn chế ánh sáng trắng từ đèn huỳnh quang giảm thu hút côn trùng. Luôn giũ quần áo, khăn tắm, chăn màn trước khi sử dụng để tránh kiến ba khoang ẩn nấp bên trong.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư