Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Những yếu tố nào tạo nên làn sóng M&A thứ 2?
Thùy Vinh - 07/08/2014 15:44
 
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, môi trường đầu tư của Việt Nam khá tốt và tương lai có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị để đón làn sóng M&A thứ hai trong thời gian tới dự báo sẽ sôi động, đa dạng hơn làn sóng M&A thứ nhất. Do đó, cần nắm rõ những yếu tố có thể sẽ tạo nên làn sóng M&A thứ hai.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sẽ gia tăng M&A ngành ngân hàng
Đón làn sóng M&A thứ hai
Sóng M&A chờ gió cổ phần hóa
Thương vụ M&A "cá mập" diễn ra vào cuối 2015
M&A tại Việt Nam hướng tới mốc 20 tỷ USD

Ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam & Campuchia Việt Nam nhận định, M&A tại Viêt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây.

  Những yếu tố nào tạo nên làn sóng M&A thứ 2?  
  Phiên đầu tiên" Đón làn sóng M&A thứ 2" do ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Tưởng ban tổ chức Diễn đàn điều phối  

Tuy nhiên, cơ hội trong tăng trưởng còn rất lớn và điều này cũng được các nhà đầu tư quan tâm.

Vài năm qua, chúng ta cũng đã thấy giá trị của thị trường M&A đã giảm đi. M&A tại Việt Nam bắt đầu trì trệ kể từ năm 2013 và chưa có dấu hiệu khởi sắc trong những tháng đầu năm 2014. 

Nhưng theo ông John Ditty, nhìn tổng thể, Việt Nam đang trải qua một giai đoạn ý nghĩa về M&A, giá trị cũng như các thương vụ M&A tăng lên khá mạnh.

Vì thế, nếu nói đến làn sóng M&A thứ 2 phải xem xét đến yếu tố các thương vụ M&A. Trọng tâm M&A hiện nay vẫn là tài chính, hàng tiêu dùng nhanh, bảo hiểm, viễn thông. Nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh, khả năng M&A sẽ sôi động lên và trong số đó phải kể đến là làn sóng M&A lĩnh vực tài chính. Sự gia tăng của giai cấp trung lưu cũng sẽ thúc đẩy làn sóng M&A tiếp theo.

Một trong những yếu tố quan trọng để duy trì M&A đó là có nhiều người tham gia và có cơ hội để đúc kết kinh nghiệm về M&A. Qua khảo sát của KPMG, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu M&A. Có khoảng 100 triệu USD đang giao dịch M&A và khả năng sẽ tăng lên 200 – 300 triệu USD và có thể là đến 1 tỷ USD, nhằm tăng khả năng trưởng, gia tăng tài sản. Quy mô M&A lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng được thay đổi. Qua đó, có thể thấy được, cơ hội tham gia của nhà đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng cũng nhiều hơn trước.

Cũng theo ông John Ditty, một trong những yếu tố sẽ thúc đẩy làn sóng M&A thứ 2 trong thời gian tới là việc đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn, như MobiFone, Vietnam Arilines, Vinatex. Đây là những doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả trong những năm qua và việc mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động quản trị, điều hành các DN này sẽ là động lực thúc đẩy M&A.

Bên cạnh đó, đối với các DN đã cổ phần hóa, việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước so với hiện nya cũng được xem là một trong những yếu tố thúc đẩy làn sóng M&A. 

Và yếu tố lớn thứ ba tạo cơ sở cho làn sóng M&A thứ hai chính là việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp, bao gồm các ngân hàng. Lâu nay, thông tin nới room cho nhà đầu tư ngoại vẫn là một trong những thông tin rất được chờ đợi và khi có những tín hiệu rõ ràng về việc này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh tay hơn khi quyết định các thương vụ, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, ông Bùi Huy Thọ cũng cho hay, M&A trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được xem xét trong quá trình M&A của thị trường Việt Nam.

Nhìn vào thực tế những năm trước đây, hoạt động của các ngân hàng tương đối khó khăn khi lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi tăng cao. Một số ngân hàng nhỏ, yếu kém cũng có những khó khăn về việc ổn định thanh khoản. Với chủ trương của Chính phủ, NHNN đã đẩy mạnh chủ trương tái cơ cấu ngành và M&A là một giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu. Sau một thời gian tái cơ cấu, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả nhất định: hoạt động ngân hàng dần ổn định, lãi suất và tỷ giá cũng ổn định và được kiểm soát ở mức phù hợp... Khi ngân hàng đã khỏe hơn, ít rủi ro hơn đối với nhà đầu tư, M&A ngân hàng sẽ tốt hơn.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, hiện nhiều công ty bất động sản không còn khả năng duy trì hoạt động và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tham gia mua lại để tái cơ cấu.

Tuy nhiên, tiềm lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hiện nay cũng có phần hạn chế, trong khi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn gặp những rào cản nhất định, đặc biệt là về các quy định pháp lý để hình thành thị trường mua bán nợ.

Trước khi nhắc đến làn sóng M&A thứ hai, giới kinh doanh đã nhắc tới "làn sóng" từ nhà đầu tư Nhật Bản. Về xu hướng này, ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, Công ty Recof (Nhật Bản) cũng cho rằng, M&A đang là xu hướng tất yếu trên thị trường, và Việt Nam cũng không ngoại tệ.

Các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam là do kinh tế Việt Nam đang trong quá trình tăng trưởng, cả hai quốc gia có cùng nét tương đồng về văn hóa. Sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư Nhật đó chính là chi phí nhân lực thấp, nhân công dồi dào và có chất lượng, cũng như sự ổn định về chính trị và tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia vào 12 ngành và mỗi ngành có khoảng 3 thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm qua. Điều đó cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam.

Ông Yoshida cho rằng, số lượng thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam đang giảm đi, song chỉ là xu hướng tạm thời.

Vì thế, đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Sam, cần kiên nhẫn và không nên sử dụng giải pháp thông qua nhiều nhà tư vấn khác nhau, đồng thời nên cung cấp thông tin chính xác về doanh nghiệp ngay từ đầu để cùng đối tác thương thảo. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm một nhà tư vấn tài chính am hiểu về doanh nghiệp Nhật để theo dõi sát sao trong quá trình đàm phán đến khi thương vụ kết thúc. Đối với vấn đề giá, với doanh nghiệp Nhật, theo ông Sam, giá cả không phải là yếu tố hàng đầu dù rất quan trọng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn đến quá trình tích hợp sau này để tạo ra được giá trị cao nhất trong quá trình hợp tác.

"Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Nhật tham gia, nhất là khi các rào cản nói trên được gỡ bõ thì khả năng làn sóng M&A sẽ dần sôi động và tốt hơn trong thời gian tới đây", ông Sam Yoshida nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư