Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ninh Thuận chuyển trạng thái mở cửa phục hồi kinh tế
Linh Đan - 01/02/2022 12:50
 
Ngoài việc lấy phát triển năng lượng tái tạo là trụ cột, Ninh Thuận còn hướng đến trở thành đô thị du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngoài việc lấy phát triển năng lượng tái tạo là trụ cột, Ninh Thuận còn hướng đến trở thành đô thị du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngoài việc lấy phát triển năng lượng tái tạo là trụ cột, Ninh Thuận còn hướng đến trở thành đô thị du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nỗ lực khắc phục các “điểm nghẽn” về năng lượng tái tạo

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, năng lượng tái tạo đã và đang là động lực phát triển của tỉnh. Thực tiễn những năm qua cho thấy, năng lượng tái tạo là ngành đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận. Đến cuối năm 2021, cả tỉnh đã có 43 dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành, với tổng công suất khoảng 2.922 MW, trong đó nhu cầu của địa phương khoảng 100-115 MW, còn lại đóng góp cho điện lực quốc gia.

Các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận đã đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là một trong ba trụ cột kinh tế (cùng với du lịch và nông nghiệp), đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua (2016-2020).

Việc phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước càng được khẳng định là hướng đi đúng đắn ở tầm chiến lược không chỉ với địa phương này, mà còn đóng góp tích cực vào thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là “hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế”.

Kỳ vọng 2022

- Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10-11%;

- Toàn tỉnh chuyển trạng thái mở cửa phục hồi kinh tế;

- Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt với độ bao phủ vắc-xin cao;

- Các ngành còn dư địa năm 2021 tiếp tục phát huy

tăng trưởng;

- Cơ chế, chính sách giá điện được tháo gỡ;

-Hoạt động du lịch phục hồi nhanh hơn;

- Các ngành công nghiệp sản xuất, khai khoáng phục hồi nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định;

- Hoạt động vận tải được thông suốt...

Tuy vậy, quá trình hình thành và phát triển trung tâm năng lượng tái tạo của Ninh Thuận gặp không ít khó khăn, thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển các dự án nguồn điện tái tạo (điện gió và điện mặt trời) với phát triển lưới điện truyền tải.

Các nhà máy điện mặt trời được đầu tư trong thời gian ngắn (6-12 hoặc 24 tháng) trong khi thời gian đầu tư các dự án lưới điện truyền tải theo quy trình thông thường mất khoảng 2-4 năm đối với đường dây và trạm 110 kV, khoảng 5-6 năm đối với đường dây và trạm 500 kV. Lưới truyền tải điện không theo kịp sự phát triển của nguồn phát gây ra hiện tượng nghẽn mạch, khiến các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư thời gian qua không có cơ hội phát hết công suất lắp đặt. Có hơn một nửa số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhiều thời điểm trong năm 2019 phải giảm công suất phát điện đến hơn 60%, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nói riêng và cho kinh tế - xã hội nói chung.

“Tập đoàn điện lực Việt Nam đã rất nỗ lực đầu tư lưới truyền tải để giải tỏa hết công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh”, Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cho hay. Song đơn vị này cho rằng, đây mới chỉ là giải pháp tình thế đối với khoảng 2.000 MW điện năng lượng tái tạo đầu tiên tại địa phương. Đến nay, vẫn chưa có giải pháp tổng thể phù hợp để có thể giải phóng hết được lượng công suất có thể sản xuất theo kế hoạch của tỉnh đến năm 2030.

Ngoài ra, hiện nay, chính sách mới về giá điện năng lượng tái tạo chưa được ban hành. Từ đầu năm 2021 đến nay, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá ưu đãi, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành. Tương tự, các dự án điện gió sau ngày 1/11/2021 cũng chưa có cơ chế áp dụng. Các vấn đề này đã làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tác động môi trường và nhận thức của một số bộ phận người dân địa phương cũng là những thách thức không nhỏ đối với các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trong đó, tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn mạnh có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực du lịch và các thành phần kinh tế đầu tư dịch vụ du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, khác biệt có sức hấp dẫn cao, gắn tạo dựng môi trường du lịch thân thiện, phát triển bền vững, tạo sự đột phá về phát triển hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.

Với định hướng, chiến lược phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng đã và đang góp phần thay đổi diện mạo mới cho ngành, có thể khẳng định, du lịch Ninh Thuận đã có những bước đi đột phá ở cấp độ chiến lược và tác nghiệp, cơ bản thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Hoạt động du lịch sôi động, phát triển nhanh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hẹp dần khoảng cách với các tỉnh lân cận và có đà phát triển mạnh, mang lại hiệu quả nhiều mặt, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong nước và quốc tế khi đến Ninh Thuận, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều chuỗi giá trị mới và nguồn thu, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, hội nhập khu vực và thế giới của đất nước.

Thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung đầu tư hạ tầng đô thị TP. Phan Rang - Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị du lịch; đầu tư hạ tầng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ và các khu vực du lịch thuộc dải ven biển từ Bình Tiên - Vĩnh Hy đến Cà Ná - Mũi Dinh; đầu tư bến cảng thủy nội địa chuyên dùng tại khu vực Bình Tiên - Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Cà Ná; đầu tư các hạng mục du lịch của Dự án cảng tổng hợp Cà Ná; nâng cấp, cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại ga Tháp Chàm và Bến xe tỉnh.

Ngoài ra, Ninh Thuận tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình để phát huy các tiềm năng du lịch; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông tiếp cận các khu, điểm du lịch với các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Tỉnh sẽ dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước gắn với cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch tiềm năng của tỉnh.

Đồng thời, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế có đủ tiềm lực đến địa phương, không chỉ góp phần tăng trưởng các khu nghỉ dưỡng về số lượng, mà chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị du lịch cũng dần được nâng cao, sản phẩm du lịch, dịch vụ ngày càng đa dạng, các dịch vụ du lịch mới được đưa vào khai thác.

“Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm, năng lực, tầm cỡ trong lĩnh vực bất động sản du lịch, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... quan tâm nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết đô thị du lịch; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như: Công ty cổ phần T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành...”, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Trong đó, một số nhà đầu tư đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu khảo sát đề xuất quy hoạch. Gần đây nhất, các dự án quy hoạch kiến trúc tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort kết nối công viên biển Bình Sơn, Khu du lịch Vịnh thuyền buồm Ninh Chữ Sailing Bay cùng Khu du lịch Tổng hợp Ecopark Mũi Dinh đã và đang nhanh chóng triển khai thi công...

Ninh Thuận ban hành giá cho thuê nhà ở xã hội
Quyết định về giá cho thuê này không áp dụng đối với học sinh, sinh viên thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư