Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Nỗ lực tìm vốn rẻ “xanh hóa” dòng tín dụng
Vân Linh - 22/11/2019 15:31
 
Các nguồn vốn tín dụng trong nước mới đáp ứng hơn 10% nhu cầu của các dự án năng lượng tái tạo, trong khi thị trường tín dụng trong nước bỏ ngỏ. Vì thế, để có thể đáp ứng nhu cầu vốn “xanh hóa” dòng tín dụng, các ngân hàng đã và đang nỗ lực tìm kiếm vốn từ các định chế tài chính nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Năm ngoái, lĩnh vực xanh đã dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng lên đến 30%, cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác.
Năm ngoái, lĩnh vực xanh đã dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng lên đến 30%, cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác.

Cầu vốn tăng trưởng tín dụng xanh lớn

Khi AC Energy, một công ty thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines), đưa vào hoạt động trang trại năng lượng mặt trời 330 MW đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận, rồi đến trang trại 80 MW thứ 2 ở tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, họ có một dự định dài hạn với danh mục đầu tư các dự án năng lượng xanh. “Mỗi MW điện than cần 3 - 4 MW điện xanh thay thế”, đại diện AC Energy lạc quan trước tương lai của ngành năng lượng bền vững mà Việt Nam đang hướng đến. Năng lượng tái tạo chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam.

Công ty Tài chính quốc tế (IFC) dự báo, tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD từ nay tới năm 2030, trong đó 59 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo, 80 tỷ USD đối với các dự án công trình xanh. Tuy nhiên, cũng giống như các dự án bền vững khác, năng lượng tái tạo gặp khó khăn về nguồn vốn tài trợ.

Đối với năng lượng tái tạo, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chỉ ra sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư đến việc cải thiện mô hình thỏa thuận mua điện hiện có, coi đó là chìa khóa để mở ra các khoản đầu tư bên ngoài trong tương lai.

Theo một nghiên cứu của UNDP, các nhà đầu tư và nhà phát triển dự án tiềm năng cũng chỉ ra những điểm không chắc chắn liên quan đến cấu trúc thuế quan và mức độ tín dụng thấp của các hợp đồng mua bán điện (khả năng thanh toán thấp của PPA). Đó là những trở ngại chính trong việc đảm bảo tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Tính rủi ro của các dự án năng lượng tái tạo cũng bị nhà đầu tư các dự án lớn như AC Energy bác bỏ. Thế nhưng, theo IFC, các nguồn vốn tín dụng trong nước mới đáp ứng hơn 10% nhu cầu của các dự án năng lượng tái tạo. Tại sao thị trường tín dụng trong nước lại bỏ ngỏ? Phải chăng đầu tư năng lượng xanh có rủi ro, trong khi các nhà băng đang “xanh hóa” dòng tín dụng, với lãi suất khá thấp.

Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao sự phát triển của tín dụng xanh, khi cách đây 1,5 năm, mọi người chưa có khái niệm về trái phiếu xanh, nhưng giờ mọi chuyện đã tiến triển rất nhanh. Đặc biệt, ngân hàng nỗ lực tìm nguồn vốn giá rẻ từ các định chế tài chính nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.

Theo đánh giá của ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital, Việt Nam rất có khả năng tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn, nhưng phải nỗ lực hơn bằng việc đưa ra chính sách ưu đãi để các định chế như quỹ hưu trí, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm ra đời, “nếu không, sẽ phải tìm vốn từ nước ngoài với nhiều yêu cầu hơn” để tăng trưởng tín dụng xanh, hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường...

Tìm vốn rẻ “xanh hóa” dòng tín dụng

Điểm hấp dẫn nhất của các chương trình tín dụng xanh là lãi suất thấp và thường là cố định trong suốt thời gian vay. Đơn cử, thương vụ bắt tay của Nam A Bank cùng Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) triển khai Chương trình Tín dụng xanh, cấp vốn cho doanh nghiệp và cá nhân với các dự án được đánh giá là xanh.

Với chương trình tín dụng này, Nam A Bank giải ngân với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5% đối với khoản vay trung, dài hạn. Không chỉ có lãi suất hấp dẫn, mà điều kiện vay vốn tín dụng xanh được mở rộng nhiều hơn so với cách hiểu trước kia, theo hướng đa lĩnh vực, đa đối tượng hơn.

Khái niệm xanh trước kia thường được hiểu là các dự án liên quan đến môi trường, liên quan nhiều đến việc tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Các dự án này thường có quy mô lớn, thời gian hoàn vốn lâu, nên ít tổ chức tín dụng mặn mà. Hiện nay, các dự án xanh được hiểu theo nghĩa rộng hơn rất nhiều. Các dự án có quy mô nhỏ ngày nay cũng có thể tiếp cận dòng vốn giá rẻ dễ dàng hơn.

Với doanh nghiệp, các dự án xanh có thể là các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, các khoản vay mua thiết bị tiết kiệm năng lượng, các tòa nhà sử dụng hiệu quả tài nguyên so với truyền thống cũng có thể được xem xét tài trợ vốn giá rẻ.

Trong khi đó, khách hàng cá nhân có thể yêu cầu cấp tín dụng khi mua ô tô điện, ô tô dòng sedan có mức tiêu thụ nhiêu liệu dưới 5,44 l/100 km; mua thiết bị, gia đình có nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên, đây là là các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần tiết kiệm năng lượng. Lãi suất cho vay cũng hấp dẫn hơn với những khách hàng mua, hay xây nhà dùng năng lượng xanh, sạch.

Ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận được dòng vốn giá rẻ từ nhà băng, với đặc điểm chung của hồ sơ vay vốn là đóng dấu màu xanh. Có một bất ngờ trong các con số tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018, đó là lĩnh vực xanh dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng lên đến 30%, cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác như nông nghiệp - nông thôn (15,5%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (13,5%), hay xuất khẩu (3,5%). Dư nợ cho vay các dự án xanh tính cuối quý III/2018 đạt hơn 235.717 tỷ đồng.

Nam A Bank cùng Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) triển khai Chương trình Tín dụng xanh để cấp vốn cho doanh nghiệp và cá nhân với các dự án được đánh giá là xanh. Theo đó, Nam A Bank giải ngân với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5% đối với khoản vay trung, dài hạn. Không chỉ có lãi suất hấp dẫn, mà điều kiện vay vốn tín dụng xanh được mở rộng nhiều hơn so với cách hiểu trước kia, theo hướng đa lĩnh vực, đa đối tượng hơn.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), nhờ sự tham gia tích cực, đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018; trong đó, dư nợ trung, dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh.

Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm 46% tổng dư nợ tín dụng xanh); năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng xanh); quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn (chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng xanh) và lâm nghiệp bền vững (chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng xanh).

Điều đó cho thấy, dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các dự án xanh ngày càng nhiều hơn. Về cơ bản, những khoản vay được đánh giá là xanh bao gồm những dự án có liên quan đến yếu tố môi trường, như biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên hiệu quả hay tiết kiệm năng lượng. Với chương trình tín dụng xanh, các ngân hàng hướng đến việc cho vay mua những sản phẩm tiêu dùng như các dòng xe sedan hay máy lạnh sử dụng công nghệ Inverter thân thiện với môi trường.

Thực tế, cơ quan quản lý khuyến khích các tổ chức tín dụng hướng xanh nhiều hơn. Tháng 7 năm ngoái, NHNN đã phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”, với mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh.

Bản thân các tổ chức tín dụng cũng chú trọng yếu tố xanh nhiều hơn trong hoạt động cấp tín dụng. Thống kê của NHNN cho thấy, hiện có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, 17 tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ. Thậm chí, một số ngân hàng gắn yếu tố xanh vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển của mình.

Ngành ngân hàng cũng xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam gồm: nguồn ngân sách nhà nước, vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế (GCPF, IFC, ADB, JICA...), huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.

Tín dụng xanh - hướng đi tất yếu của ngành tài chính
Tăng trưởng kinh tế góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đời sống xã hội, nhưng cũng kéo theo những tác động ngày càng nghiêm trọng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư