Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Nợ vay tăng, CII vẫn phiêu lưu với cuộc chơi trái phiếu
Chí Tín - 20/03/2020 09:43
 
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII, sàn HoSE) vừa hoàn tất việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Điều này đồng nghĩa với quy mô vay nợ của CII tiếp tục tăng cao, sau khi đã tăng rất mạnh trong năm 2019.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội do CII xây dựng.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội do CII xây dựng.

Nếu “bí”, phát hành cổ phiếu để trả nợ

Đợt phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu của CII thực hiện theo phương án đã được Hội đồng Quản trị CII thông qua tại Nghị quyết số 230/NQ-HĐQT. Trái phiếu được phát hành thông đại lý là Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 36 tháng, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 11%/năm. Về tài sản đảm bảo, CII cho biết, Công ty sẽ sử dụng số cổ phần hoặc tài sản tại công ty con do CII hoặc bên thứ ba nắm giữ để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán liên quan đến trái phiếu.

Mục đích sử dụng tiền huy động từ đợt phát hành trái phiếu được Công ty thể hiện khá chung chung khi cho biết, số tiền thu được để tăng vốn hoạt động của tổ chức phát hành hoặc đầu tư vào các chương trình, dự án của tổ chức phát hành. Một nội dung mơ hồ khác được đề cập trong phương án phát hành là Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc người được ủy quyền quyết định mức phân bổ số tiền thu được từ việc chào bán cho mỗi mục đích trên cơ sở linh hoạt và phù hợp với quy định pháp luật và quy chế nội bộ của tổ chức phát hành.

Theo nội dung văn bản công bố thông tin của ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty, nguồn trả nợ trái phiếu là nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty. Theo kế hoạch dòng tiền của CII trong giai đoạn 2019 - 2030, ước tính trong 3 năm tới, CII sẽ thu về khoảng 10.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ nguồn để trả nợ trái phiếu.

Công ty cũng có phương án dự phòng cho nguồn trả nợ trái phiếu khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Cụ thể, trong trường hợp xảy ra tình huống bất khả kháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của CII, Công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của CII thêm 2.000 tỷ đồng.

Vay nợ phình to

Năm 2019 là một năm CII có sự tăng tốc ngoạn mục về lợi nhuận, nhưng động thái gia tăng mạnh vay nợ cũng là một điểm gợn đáng chú ý trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này.

Doanh thu thuần của CII trong năm 2019 đạt 1.819 tỷ đồng, giảm so với kết quả 2.686 tỷ đồng năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 398,6% so với năm 2018, đạt 1.072 tỷ đồng. Trong đó, sự tăng mạnh của doanh thu hoạt động tài chính (từ 547,9 tỷ đồng năm 2018 lên 1.728 tỷ đồng) là nguyên nhân chính đóng góp cho việc tăng vọt về lợi nhuận trong năm 2019. Riêng lãi từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính đã đem lại nguồn thu lên tới 1.331,5 tỷ đồng cho CII trong năm 2019. Ngoài ra, một số khoản chi phí cơ bản như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được CII tiết giảm hơn so với năm 2018.

Việc lợi nhuận gia tăng, nhưng lệ thuộc vào các khoản thu nhập không ổn định, trong khi doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ sụt giảm vẫn để lại nhiều lo ngại cho giới đầu tư đối với CII về khả năng duy trì lợi nhuận trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, cơ cấu tài chính của công ty này đang chuyển động theo chiều hướng gia tăng nợ vay cũng là một điểm gợn đáng chú ý.

Tại thời điểm 31/12/2019, nợ phải trả của CII đã lên tới 21.964,6 tỷ đồng, tăng 50,9% so với đầu năm, trong đó, nợ ngắn hạn tăng gần gấp đôi, từ 6.502,3 tỷ đồng lên 12.431,8 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của CII cũng là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ ngắn hạn của CII, với giá trị lên tới 4.607, 9 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ dài hạn tuy tăng không mạnh như nợ ngắn hạn, nhưng riêng vay và nợ thuê tài chính dài hạn có xu hướng tăng nhanh, từ 6.292,6 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 8.790,4 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm. Theo đó, khi các đợt phát hành trái phiếu tiếp tục diễn ra trong năm 2020 thì “quả bóng” vay sẽ còn tiếp tục phình to.

Chi phí lãi vay đã có xu hướng tăng, từ 632 tỷ đồng năm 2018 lên 722 tỷ năm 2019. Việc gia tăng khoản chi phí này dù đã được bù đắp bằng thu nhập tài chính từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính trong năm 2019, nhưng gánh nặng sẽ tiếp tục kéo sang giai đoạn tiếp theo khi doanh nghiệp không còn có các khoản thu không thường xuyên như giai đoạn trước.
BIDV tất toán xong trái phiếu VAMC, tiếp tục tăng 6.230 tỷ đồng vốn điều lệ
Mục tiêu lợi nhuận mà BIDV đề ra là 12.500 tỷ đồng, nhưng dựa trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 3. HĐQT BIDV đã được ủy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư