Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 08 năm 2024,
Nới lỏng chính sách để đẩy vốn vào nền kinh tế
Trần Mạnh - 23/08/2024 09:07
 
Tín dụng có dấu hiệu giảm tốc, trong khi mặt bằng lãi suất đang tăng lên. Các chuyên gia khuyến nghị có thêm giải pháp hỗ trợ thanh khoản, nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích phục hồi nền kinh tế.
Các ngân hàng mong muốn Chính phủ sẽ nới thêm chính sách tiền tệ để đẩy vốn vào nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Duy trì lãi suất thấp là quan trọng nhất

Sau 5 tháng liên tục tăng trưởng dương, tín dụng đã quay đầu tăng trưởng âm trở lại trong tháng 7/2024. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM, tín dụng tháng 7/2024 giảm chủ yếu là các khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ. Trong 4 tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng tích cực trở lại cùng đà phục hồi của nền kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Dù vậy, theo phản ánh của các doanh nghiệp, cầu thị trường vẫn đang ở mức thấp, cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến cầu vốn của các doanh nghiệp. 

Từ tháng 4/2024 đến nay, làn sóng tăng lãi suất huy động bắt đầu diễn ra và kéo dài. Riêng tháng 7/2024, có 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Còn trong 3 tuần đầu tháng 8, thị trường cũng ghi nhận 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động là khó tránh trong bối cảnh tỷ giá chịu nhiều áp lực nửa đầu năm, cộng thêm thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi huy động tiền gửi chậm lại. Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng huy động vốn chỉ bằng 1/4 tốc độ tăng trưởng tín dụng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất huy động tăng là điều khó tránh. Dù vậy, với nhà điều hành, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp như hiện tại là điều hết sức quan trọng nếu muốn nền kinh tế phục hồi. 

Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng phải có giải pháp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng.

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, cầu tín dụng và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, dự án, để tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Ông Tú kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện và cả năm sẽ tăng ở mức 15%.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, sở dĩ tín dụng tháng 7 giảm tốc vì sức hấp thụ của nền kinh tế vẫn còn yếu, đặc biệt, thị trường bất động sản phục hồi chậm, ảnh hưởng lớn đến cầu tín dụng. Cũng theo chuyên gia này, lãi suất cho vay có khả năng sẽ nhích lên theo lãi suất huy động, điều này khiến nỗ lực tăng trưởng tín dụng càng khó khăn hơn.

Tính tới cuối tháng 6/2024, tín dụng tiêu dùng bất động sản mới chỉ tăng hơn 1%. Điều tích cực là Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) cùng có hiệu lực từ ngày 1/8, có thể giúp tâm lý thị trường tích cực hơn. Tất nhiên, muốn kích cầu tín dụng bất động sản, đặc biệt là cho vay mua nhà, lãi suất cho vay phải duy trì ở mức hợp lý.

Sẽ nới thêm chính sách tiền tệ?

Ngày 20/8 vừa qua, NHNN giảm lãi suất tín phiếu từ 4,25% xuống 4,2%. Đây là lần thứ hai, NHNN giảm lãi suất tín phiếu kể từ đầu tháng 8. Trước đó, hồi đầu tháng 8, NHNN cũng giảm 0,25% với lãi cho vay cầm cố giấy tờ có giá và lãi suất tín phiếu.

Theo các chuyên gia phân tích, động thái này cho thấy sự linh hoạt của NHNN trong bối cảnh khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất đã rõ ràng hơn, USD hạ nhiệt và áp lực lên VND giảm bớt. Áp lực tỷ giá giảm bớt cũng sẽ cho phép NHNN giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái nới lỏng hơn để hỗ trợ cho tăng trưởng. Theo dự báo, lãi suất điều hành sẽ ở mức thấp trong các tháng tới.

Áp lực tỷ giá đã giảm đáng kể. So với đầu năm, giá USD bán ra tại Vietcombank chỉ còn tăng 2,7%. Giá USD trên thị trường tự do (bán ra) cũng chỉ còn 25.400 VND/USD so với mức trên 26.000 VND/USD hồi cuối tháng 6/2024.

Cùng với các động thái giảm lãi suất trên thị trường mở của NHNN, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm. Hiện lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 4,5%, sau một thời gian dài đứng ở mức sát 5%.

“Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ghi nhận những dấu hiệu khả quan, cùng định hướng điều hành của NHNN, thanh khoản được kỳ vọng ổn định và dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng có thể giảm trở lại”, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định.

Tương tự, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, NHNN đang tự tin trong vấn đề kiểm soát tỷ giá và sẵn sàng thực hiện các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế khi có cơ hội.

Tăng trưởng tín dụng 14-15%/năm là thách thức lớn với Việt Nam, do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Thêm nữa, khi tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo, cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng. Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản, thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn.

Động lực tăng trưởng tín dụng bền vững chính là từ nhu cầu vốn của người dân. Phần lớn tín dụng được thúc đẩy bởi ngành bất động sản - đây cũng là lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng. Dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm trong 1 năm qua, nhưng do giá nhà vẫn neo ở mức cao so với thu nhập và ngành ngân hàng cần nguồn lực xử lý nợ xấu tồn đọng, nên tình hình giải ngân cho vay mua nhà chưa quá tích cực. Chúng tôi kỳ vọng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn.

Bà Lê Thu Uyên, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng, CTCP chứng khoán VPBank
Thủ tướng chủ trì hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh
Theo người đứng đầu Chính phủ, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư