Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nới nhẹ room tín dụng để tạo đà phục hồi kinh tế?
Hà Tâm - 23/10/2022 15:00
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, tín dụng đang chịu nhiều sức ép trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao mà các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kiến nghị, NHNN nên nới nhẹ room tín dụng thêm 1-2% trong 2 tháng cuối năm. 

Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh

Doanh nghiệp khát vốn, chuyên gia kiến nghị nới thêm room

Hiện room tín dụng 14% đã được NHNN phân bổ hết cho các tổ chức tín dụng. Tính đến hết tháng 9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 11%, dư địa tăng trưởng còn lại cho quý cuối năm không còn nhiều, gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng và cả doanh nghiệp.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng tăng cao trong bối cảnh thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) gặp nhiều khó khăn và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB) đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.

Về điều hành tín dụng thời gian tới, đến nay, quan điểm của NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay trước các áp lực lớn về lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nắn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, từ đầu năm tới nay, chính sách tiền tệ đã có sự phối hợp nhịp nhàng với các chính sách khác, tạo điều kiện phục hồi kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát năm nay có thể dưới mức 4%, tăng trưởng GDP đạt khoảng 7,4%.

Tuy vậy, theo chuyên gia này, điều quan trọng nhất của chính sách tiền tệ 2 tháng cuối năm và năm tới là không được làm mất đà tăng trưởng. Để làm được điều này, cần nới room tín dụng thêm 1-2% nữa, tức nâng room tín dụng cả năm lên 15-16%. Kiểm soát cung tiền là rất quan trọng, nhưng cần kiểm soát vừa phải, không nên siết quá chặt.

“Năm nay, tăng trưởng GDP rất tốt do du lịch tăng trưởng đột ngột, nhưng trên nền cao này, du lịch năm sau sẽ không tăng trưởng đột phá nữa. Thêm vào đó, lạm phát gia tăng, thị trường vốn và bất động sản khó khăn sẽ khiến tinh thần kinh doanh có nguy cơ sa sút. Muốn duy trì được đà tăng trưởng, không giải pháp nào quan trọng hơn là ‘truyền máu’, tức bơm thêm vốn cho nền kinh tế. Có thể bơm vốn không nhiều, song nếu quay vòng nhiều lần, sẽ làm thị trường ấm nóng trở lại”, TS. Nghĩa kiến nghị.

Theo TS. Nghĩa, room tín dụng được nới sẽ gây áp lực nhất định cho tỷ giá, nhưng mức độ không lớn (tín dụng tăng thêm 1%, sẽ làm tỷ giá tăng khoảng 0,33%). Ảnh hưởng với tỷ giá có thể trung hòa nếu sử dụng đồng thời giải pháp khác như giảm thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, nới room tín dụng cũng giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc nới thêm 1-2% room tín dụng đồng nghĩa với nền kinh tế có thêm 100.000-200.000 tỷ đồng vào dịp cao điểm kinh doanh cuối năm là rất cần thiết, giải tỏa bớt cơn bí bách về vốn cho doanh nghiệp. Với tình hình lạm phát và vĩ mô tốt hiện nay, việc nới thêm 1-2% room tín dụng không phải là bất khả thi.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thêm 100.000-200.000 tỷ đồng không đáng lo cho nền kinh tế, nếu vốn được rót vào lĩnh vực ưu tiên và các dự án hiệu quả, thay vì bất động sản đầu cơ. Theo đó, NHNN có thể tăng room tín dụng cho nhóm Big 4 và các ngân hàng có quản trị rủi ro tốt.

Tăng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, kiểm soát chặt tín dụng bất động sản và trái phiếu

Để không gãy đà tăng trưởng, việc triển khai nhanh chóng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai rất chậm, với tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất trên 13.000 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 9/2022).

NHNN cho biết, đang thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng ở các địa phương. Đồng thời, tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và khách hàng, nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách và kịp thời xử lý...

“Cuối năm 2022, NHNN sẽ sơ kết việc thực hiện chính sách này và đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Liên quan đến điều hành tín dụng, NHNN đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP. Từ đầu năm tới nay, NHNN tập trung thanh tra các ngân hàng đầu tư nhiều trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời ban hành nhiều công văn chỉ đạo tổ chức tín dụng về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

NHNN cho biết, đang tập trung tăng trưởng tín dụng lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro. Tuy vậy, thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm với các lĩnh vực ưu tiên đều thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng bất động sản. Riêng tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán và tín dụng BOT giảm mạnh, song tổng dư nợ cho vay 2 lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 2% tổng dư nợ nền kinh tế.
Room tín dụng “hẹp”, lợi nhuận ngân hàng thêm mỏng
Dưới áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quan điểm thận trọng về nới room tín dụng sẽ khiến các ngân hàng phải co kéo cho vay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư