Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nông dân tăng vụ rau màu tự phát, lại được mùa nên rớt giá?
Hồ Hạ - 05/03/2021 08:29
 
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói về những nguyên nhân khiến nông sản được mùa, mất giá.

Tại buổi Họp báo tình hình kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức, chiều 4/3, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, năm nay thời tiết rất thuận lợi cho rau màu vụ đông xuân phát triển, nên được mùa.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sức mua thông qua kênh bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội trong tháng 2/2020 giảm 16,7% so với cùng kỳ.

.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND huyện Mê Linh kiên quyết chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch, không để người dân trồng tự phát, dẫn đến tình trạng dư cung (Ảnh: Hồ Hạ).

Bên cạnh đó, trong tháng 2, dịch bệnh cũng bùng phát trên địa bàn TP Hà Nội, người dân hạn chế mua sắm tại các nơi tập trung đông người mà mua sắm online nhiều hơn. Việc các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp và trường học đóng cửa, cũng là nguyên nhân cộng hưởng dẫn đến sức mua giảm.

Không chỉ riêng địa bàn TP Hà Nội mà ở hầu hết các địa phương trên cả nước cũng xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là rau, củ quả vụ đông xuân và thủy sản.

Cũng theo bà Phương Lan, đối với việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của huyện Mê Linh, theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, hàng năm hoạt động sản xuất nông nghiệp rải vụ trên địa bàn huyện từ 5- 6 lứa rau củ/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp đối với cây rau trung bình đạt từ từ 400 – 650 triệu đồng/ha/năm, do đó thu nhập và đời sống của người dân và các tiểu thương kinh doanh được nâng cao.

Bà Lan cho biết, vụ sản xuất năm 2020 (tính từ thời điểm từ đầu năm 2020 đến trước tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021) việc sản xuất và tiêu rau, củ, quả của Nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh diễn ra thuận lợi nên thu nhập của người nông dân từ trồng rau được đảm bảo.

Tuy nhiên, vào thời điểm chuyển từ vụ Đông sang vụ Xuân, đặc biệt là giai đoạn sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời tiết thuận lợi cho rau củ phát triển, sản lượng tăng mạnh (một số vùng trồng rau không chuyên canh cũng thu hoạch để chuyển sang trồng lúa vụ Xuân).

Theo thống kê tại thời điểm hiện nay, tại thôn Đông Cao diện tích rau đến thời điểm hiện nay trên địa bàn đến thời điểm thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch khoảng 69ha (37 ha củ cải ước 1.500 tấn; cà chua 10ha sản lượng ước 20 tấn….). Trong 1.500 tấn có khoảng 500 tấn đang vào vụ thu hoạch cần tiêu thụ ngay còn khoảng 1000 tấn chuẩn bị thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, nguyên nhân của việc dư cung do nông dân sản xuất tăng thêm các vụ (nếu chỉ sản xuất 4 vụ/ năm là phù hợp trong khi nông dân lại sản xuất từ 5-6 vụ/năm) trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên một số thương lái e ngại, bỏ cọc không thu mua do khó xuất hàng đi các tỉnh nên việc tiêu thụ thường gặp khó khăn, giá rau, củ, quả xuống thấp (củ cải 2000 - 3000đ/kg; cà chua 2000- 3000đ/kg).

Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở Công Thương đã chủ trì cùng UBND huyện Mê Linh triển khai ngay các công việc nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho Xã Tráng Việt huyện Mê Linh.

Cụ thể, ngày 25/2, tổ chức buổi làm việc cùng UBND huyện Mê Linh, Sở NN&PTNT, Sở TT&TT cùng các doanh nghiệp phân phối, các cơ quan thông tấn báo chí TW và địa phương nắm bắt thông tin sản xuất và bàn giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản trong các mùa vụ tại xã Tráng Việt – huyện Mê Linh; tổ chức khảo sát tại nơi sản xuất của nhân dân tại Thôn Đông Cao – xã Tráng Việt- huyện Mê Linh.

Sở đã ban hành Văn bản số 786/SCT-QLTM ngày 26/02, về tăng cường hỗ trợ tiêu thụ củ cải và nông sản xã Tráng Việt, huyện Mê Linh gửi các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi, cửa hàng thực phẩm, ban quản lý các chợ để hỗ trợ tiêu thụ.

Sở Công thương Hà Nội đã thông tin vận động các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, thương nhân, tiểu thương tại các chợ chủ động liên hệ, kết nối với các đơn vị thực hiện thu mua nông sản để kết nối tiêu thụ và sơ chế, chế biến củ cải khô.

UBND huyện Mê Linh chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, các Trường học, các cơ quan, doanh nghiệp đóng phối hợp với UBND xã Tráng Việt, HTX dịch vụ Nông nghiệp Đông cao và các tiểu thương kinh doanh rau, củ quả trên địa bàn xã Tráng Việt để hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản phẩm cho Nhân dân xã Tráng Việt.

Kết quả trong 8 ngày (từ 25/2 đến 12 giờ ngày 3/3) sản lượng nông sản đã hỗ trợ tiêu thụ cho riêng nhân dân xã Tráng Việt được khoảng 864 tấn củ cải, cà chua và rau các loại: Hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiêu thụ đạt bình quân khoảng 06 tấn/ngày (trong đó, hệ thống siêu thị BigC đã tiêu thụ 7,5 tấn củ cải, hệ thống Co.opmart tiêu thụ 05 tấn, hệ thống MM Mega Market tiêu thụ 06 tấn…); tiêu thụ qua thương lái từ 50- 100 tấn nông sản/ngày… đến nay việc tiêu thụ sản phẩm của Nhân dân vẫn đang diễn ra bình thường, đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng cho người dân.

Tuy nhiên theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, trong quá trình sản xuất vẫn còn một số củ cải, cà chua để quá lứa, kém chất lượng hoặc trong quá trình thu hoạch có một số rau củ, quả bị thối, hỏng, không đạt chất lượng thương phẩm vì vậy không thể tiêu thụ ra thị trường.

Để giữ gìn thương hiệu rau của huyện Mê Linh cũng như của xã Tráng Việt, UBND xã Tráng Việt và HTX dịch vụ Đông Cao- xã Tráng Việt đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thu hoạch, không tiêu thụ ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP, xử lý tàn dư thực vật theo quy định, vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ Xuân năm 2021 cho kịp thời vụ, trong đó có một số khu vực xử lý tàn dư rau củ quá lứa ven sông Hồng như báo chí đã nêu.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai một số việc sau: Tiếp tục giới thiệu, kết nối các đơn vị thu mua, tiêu thụ sản phẩm rau củ trên địa bàn xã Tráng Việt, huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội, đồng thời vận động các doanh nghiệp phân phối, siêu thị… triển khai ký hợp đồng nguyên tắc về bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; Vận động các doanh nghiệp chế biến (Công ty Đồng giao…) thu mua (cà chua) để sản xuất chế biến nước hoa quả…để nhân dân yên tâm sản xuất.

Lãnh đạo Sở Công thương đề nghị Sở NNPTNT, UBND huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo sản xuất, định hướng sản xuất rõ ràng, cụ thể, thông tin kịp thời tới các hộ sản xuất chỉ sản xuất đảm bảo cân đối cung cầu theo nhu cầu thị trường phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn Thành phố và cả nước. Kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhân dân trên địa bàn để phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản phẩm an toàn, sạch theo các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp của Quốc tế và Việt Nam; Báo cáo đề xuất thành phố về kêu gọi thành lập các cơ sở chế biến ngay tại địa phương để đa dạng hóa tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khối lượng lớn, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.

Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí TW, địa phương hỗ trợ công tác tuyên truyền để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân (về chất lượng, giá cả…) để giúp nông dân có đầu ra ổn định, giá cả không bấp bênh…; tuyên truyền cho người nông dân hiểu để nắm vững quy luật thị trường, các yếu tố tác động tới thị trường tại từng thời điểm cụ thể, chỉ sản xuất theo định hướng chỉ đạo của Sở NNPTNT, UBND huyện nhằm hạn chế tình trạng sản xuất không có kế hoạch gây dư cung trên thị trường, lãng phí của cải xã hội khi không tiêu thụ được hết.

Nông sản “tắc” vì Covid-19: Khi chính quyền "xắn quần" vào cuộc
Ảnh hưởng của Covid-19, doanh nghiệp không nhập hàng, người dân lao đao. Lập tức chính quyền xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng- Hải Phòng) "xắn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư