Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Nông nghiệp cần một cuộc cách mạng: Bắt đầu từ thể chế
Thùy Liên - 11/11/2013 08:15
 
Cách đây 25 năm, đổi mới thể chế (Cơ chế Khoán 10) đã tạo nên một cuộc “đại cách mạng” trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, ngành nông nghiệp cũng đang kỳ vọng những đột phá về thể chế sẽ giúp hình thành chuỗi giá trị, đưa nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ sang sản xuất lớn. >>> Nông nghiệp: bức tranh huy hoàng đang thêm mảng tối >>> Thị trường nông sản: Lợi thế và thất thế >>> “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”

Trong bối cảnh tăng trưởng nông nghiệp ngày càng sút giảm, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Nông nghiệp cần một cuộc cách mạng: Bắt đầu từ thể chế
Cà phê, cao su, lúa gạo, cá da trơn, tôm, hạt tiêu, hạt điều... được xác định là những “quả đấm thép” khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là đưa tăng trưởng GDP toàn ngành đạt bình quân 3,5 - 4,0%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008.

Cùng với xác định mục tiêu, một loạt giải pháp được đưa ra để triển khai Đề án, bao gồm: khuyến khích đầu tư tư nhân; nâng cao chất lượng quy hoạch, giám sát quy hoạch; nâng cao sử dụng hiệu quả đầu tư công; cải cách thể chế; hoàn thiện hệ thống chính sách.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), trong các giải pháp trên, đột phá quan trọng nhất là thể chế.

“Hơn 20 năm qua, kinh tế nông hộ mang lại đột phá trong sản xuất. Tuy nhiên, đã đến lúc Khoán 10 kết thúc sứ mệnh lịch sử. Kinh tế hộ cần phải được thay thế bằng một mô hình khác: hình thành các hiệp hội, tổ hợp tác, HTX và sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp. Bởi nếu các khâu sản xuất không được kết dính lại thành chuỗi cung ứng sản phẩm, hình thành nền sản xuất lớn, thì Việt Nam không thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Sơn nói.

Đồng tình với ý kiến này, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cũng cho rằng, nếu không hợp tác hóa, hình thành những vùng sản xuất lớn, mà cứ sản xuất nhỏ lẻ, thì không thể nào công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo ra giá trị hàng hóa lớn được.

Trên thực tế, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp cũng đã đề cập khá toàn diện và đưa ra hướng đi đúng cho ngành nông nghiệp. Đề án cũng xác định một số “quả đấm thép” là: cà phê, cao su, lúa gạo, cá da trơn, tôm, hạt tiêu, hạt điều, các loại hải sản khác, các loại rau, quả nhiệt đới, đồ gỗ... Chính phủ cũng cho phép sử dụng 3,8 triệu ha đất lúa theo hướng linh hoạt hơn, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác.

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để các quả đấm thép này được tạo ra, để mô hình liên kết được xác lập, cần sự vào cuộc của tất cả bộ, ngành, chứ không chỉ Bộ NN&PTNT. Trong Đề án Tái cơ cấu ngành, Bộ NN&PTNT cũng ghi rõ, cần sự hợp lực của 8 bộ, ngành và các địa phương. Đáng tiếc, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành như thế nào lại chưa được nêu rõ. Trong khi đó, vấn đề mấu chốt quyết định việc triển khai lại nằm ở công tác phối hợp.

Dẫu biết rằng rất khó, song nếu giữ nguyên cách sản xuất manh mún như hiện nay, nông nghiệp nước ta sẽ không thể có bước đột phá, đồng nghĩa trụ đỡ của nền kinh tế bị lung lay. Để tồn tại và phát triển, không còn cách nào khác là nông dân, doanh nghiệp phải hợp sức, thành lập mô hình sản xuất lớn. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT phải đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách, xây dựng được những mô hình chuẩn, xuất phát từ những mô hình đã manh nha trên thực tế, từ đó nhân rộng thành một phong trào rộng lớn trên khắp cả nước.


Ý kiến - nhận định

Phải làm cho nông dân kiếm được nhiều tiền

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bản chất của Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp là tập trung vào những lĩnh vực mang lại cho người dân nhiều lợi nhuận nhất, nghĩa là phải để nông dân kiếm được nhiều tiền thông qua sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, ngoài các đề án chung, Bộ cũng chỉ đạo các cục, vụ, các đơn vị trực thuộc và các địa phương xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể. Đồng thời, lựa chọn ngay một số việc trọng tâm, bức thiết để đưa vào triển khai thực hiện ngay trong năm 2014.

Đột phá quan trọng nhất là thể chế

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần ba đột phá.

Trước hết là sắp xếp lại các ngành nghề, lựa chọn những ngành nghề mà Việt Nam có lợi thế nhất. Thứ hai, trong mỗi ngành hàng được lựa chọn, phải phát triển đồng bộ từ sản xuất, chế biến thương mại, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, khoa học - công nghê…

Thứ ba, phải tái cơ cấu thể chế, chấm dứt dựa vào năng lực người nông dân, người kinh doanh nhỏ. Theo đó, các hộ nông dân phải gắn kết với nhau thành HTX, tổ hợp tác. Các DN phải lên kết dọc với nhau. Hiệp hội DN và HTX, tổ hợp tác của nông dân phải liên kết với nhau thành khối hiệp hội ngành hàng.

Trong ba đột phá trên, đột phá thể chế quan trọng nhất. Thể chế thay đổi thì mới có thể tạo ra những tổ chức ngành hàng lớn, tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp.

Phải hình thành các cánh đồng mẫu lớn

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM

Tái cơ cấu, điều quan trọng nhất là phải chuyển đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất lớn, hình thành các vùng chuyên canh. Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã xuất hiện, nhưng chưa nhiều.

Để tăng mô hình này, cần phải có giải pháp dồn điền đổi thửa. Với các cánh đồng nhỏ ở khu vực đô thị, diện tích đất ít thì phải có hướng phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Tái cơ cấu nên dựa vào HTX và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một yêu cầu bức thiết.

Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được mục tiêu đề ra, các bộ, ngành cần rà soát, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ 2 điểm nghẽn hiện nay là chất lượng các HTX nông nghiệp và chính sách thu hút đầu tư.

Chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất liên kết tiêu thụ chính là tác động đến cả nền nông nghiệp.

Nâng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên ít nhất 50 năm.

Ông Lê Công Đỉnh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An

Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, trước tiên, cần giải quyết vấn đề cơ bản nhất là đất đai. Thời hạn giao đất, sử dụng đất nông nghiệp cần nâng lên ít nhất 50 năm. Thứ hai, tích tụ ruộng đất đang là yêu cầu tất yếu. Do đó, cần sớm cụ thể hóa chủ trương tích tụ ruộng đất sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua và cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích kinh tế trang trại phát triển.

Thị trường nông sản: Lợi thế và thất thế
Điều kiện tiên quyết để tái cơ cấu thành công là “bắt mạch” chính xác những thị trường mà nông sản Việt Nam chiếm lợi thế. ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư