Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nuôi ô tô thành gánh nợ với nhà tôi khi phí giữ xe tăng cao
Vương Linh (VnExpress) - 04/01/2018 12:31
 
Nghe bãi gửi xe báo sẽ tăng phí từ 1,2 lên 2,4 triệu/tháng, tôi đã nghĩ ngay tới việc bán ô tô vì nuôi nó tốn hơn nuôi con.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Bình Như, 43 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội, về lý do chị muốn bán ô tô khi thấy chi phí bỏ ra nuôi xe nhiều, mà khả năng phục vụ gia đình lại ít:

Vợ chồng tôi đều đi làm công ăn lương, tổng thu nhập tầm 22 triệu. Nhờ ăn dè hà tiện, ở đầu tuổi 40, chúng tôi đã sắm được một căn hộ tập thể hơn 50 m2 khu Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Hai năm trước, khi dành dụm thêm được một khoản, chồng tôi quyết mua ô tô, dù tôi không đồng tình. Anh thuyết phục tôi rằng cả hai vợ chồng đều đi làm xa, gia đình lại hay về quê (cách Hà Nội 60 km) nên có xe sẽ rất tiện, lại an toàn. 

Cuối cùng, chồng tôi đã mua một chiếc xe 4 chỗ giá gần 600 triệu. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải vay thêm gần 100 triệu, mất khoản tiền lãi gửi tiết kiệm mỗi tháng và không còn món nào dự phòng khi có việc phát sinh.  

Quả thật từ hồi có ô tô, chồng tôi tỏ ra tự tin hẳn, mỗi lần về quê anh đều rất hãnh diện. Nhưng cũng từ ngày có xe, gia đình tôi lại phải tằn tiện hơn. Đang tốn 300.000 đồng tiền gửi 2 xe máy, chúng tôi mất thêm 1,2 triệu ở bãi giữ ô tô. Phí đăng kiểm, bảo trì xe tốn 6 triệu đồng một năm, chưa kể tiền bảo hiểm, xăng xe... 

Lúc mới mua ô tô, chồng tôi còn vài lần chở gia đình đi lên phố hay cùng vài cặp vợ chồng bạn thân, họ hàng đi chơi xa cuối tuần. Nhưng sau mấy lần đi vào đường một chiều hay mắc lỗi bị phạt, rồi chật vật tìm nơi đỗ, tốn tiền gửi, chồng tôi cho xe nằm nguyên ở bãi giữ và chỉ 1-2 tuần mới đi một lần, chủ yếu là khi về quê. 

Chồng tôi lương 14 triệu/tháng. Từ ngày có xe, anh chỉ đưa cho tôi 2 triệu thay vì 6 triệu như trước kia. Khoản đó tôi mang gửi tiết kiệm để phòng bất trắc, còn lại chi hết lương 8 triệu của mình để đóng tiền học cho hai con và lo ăn uống cho cả nhà. Khoản 12 triệu của chồng, trừ chi tiêu cá nhân, đóng tiền điện, nước, internet hay mua quà cáp về quê thì anh ấy phải lo nuôi xe: Trả góp hằng tháng, gửi xe, tiền xăng, sửa chữa, nộp phạt...

Nhiều bạn bè, họ hàng thấy nhà tôi có xe thì nghĩ là kinh tế khá giả nhưng thực tế, chúng tôi phải dè sẻn, chi ly từng món. Vợ chồng con cái ít khi dám ăn hàng quán. Suốt hai năm nay, nhà tôi cũng không dám sắm thêm đồ đạc gì, dù bản thân tôi rất muốn đổi chiếc tủ lạnh đã dùng 7 năm, thỉnh thoảng lại dở chứng không điều chỉnh được nhiệt độ.

Tôi và chồng đi làm đều cách nhà không dưới 10km nhưng ngày ngày vẫn dùng xe máy. Nhiều bạn bè tôi thắc mắc là sao có ô tô mà không đi khi quãng đường di chuyển mỗi ngày xa như vậy. Tôi nói đi xe máy cho tiện tạt ngang, tạt dọc nhưng thực chất là sợ tốn thêm tiền xăng và khoản một triệu gửi xe ở cơ quan nữa.

Nửa tháng trước, sau khi nghe thông báo phí giữ xe sẽ tăng lên gấp đôi, thành 2,4 triệu, tôi đốc thúc chồng bán xe nhưng anh vẫn chưa chịu. Nếu phải trả phí này, tổng cộng cái xe sẽ ngốn đến gần 20% thu nhập của gia đình mỗi tháng. Cả tuần sau đó, chồng tôi đi lùng khắp khu vực lân cận để tìm nơi gửi xe rẻ hơn. Cuối cùng, anh đưa xe sang gửi một khu khác, giá 1,3 triệu nhưng không có mái che và phải đi xa hơn. Vấn đề là, chúng tôi cũng không biết được liệu chỗ này vài bữa nữa họ có tăng giá cao hơn không. Thêm nữa, vừa hai hôm trước, khi đi thăm người nhà nằm viện khu gần Hồ Gươm, vợ chồng tôi suýt cãi nhau sau khi phải trả tới 150 nghìn đồng tiền gửi xe. 

Tôi biết chồng cũng xót ruột nhưng anh nói rằng mình đã sống ở Hà Nội lâu năm, đã mua ô tô mà giờ bán đi, mỗi lần về quê thuê taxi thì thể nào cũng bị họ hàng hỏi han, soi mói. Nhưng với tình trạng này, tôi thấy thực sự phí tiền cho ô tô khi tốn tiền để giữ nó ở một chỗ và cả tháng mới đi đôi lần.

Người thông minh mua ô tô luôn bỏ ngoài tai những dèm pha, bàn tán
Người tiêu dùng thông minh sẽ lựa chọn chiếc xe phù hợp với nhu cầu sử dụng và không bao giờ mua xe kiểu "dùm người khác".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư