Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
One Capital Hospitality: Sau kiểm toán, lỗ lại thêm lỗ
Duy Bắc - 15/06/2022 06:55
 
CTCP One Capital Hospitality (mã OCH – sàn HNX) công bố Báo cáo kiểm toán, lợi nhuận năm 2021 “bốc hơi” thêm 390,7 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, năm 2021, One Capital Hospitality ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 476,54 tỷ đồng, lỗ thêm 390,7 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Đáng chú ý nữa là giá vốn hàng bán tăng thêm 102,7 tỷ đồng lên 404,7 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 289 tỷ đồng, lên 402,69 tỷ đồng...

Biến động Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 sau kiểm toán (Nguồn: BCTC).
Biến động Báo cáo kết quả kinh doanh của OCH năm 2021 sau kiểm toán. 

One Capital Hospitality cho biết sự chênh lệch này do Công ty mẹ đã trích lập dự phòng tổn thất hàng tồn kho đối với Dự án Sài Gòn Airport, dẫn đến chỉ tiêu giá vốn hợp nhất tăng trên 102,7 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 289 tỷ đồng sau kiểm toán chủ yếu do Công ty mẹ và các công ty con thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Lỗ lũy kế 829,85 tỷ đồng

Lũy kế đến năm 2021, One Capital Hospitality ghi nhận doanh thu giảm 54,9% so với cùng kỳ, về 399,16 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 738,81 tỷ đồng về âm 467,54 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp ghi nhận âm do Công ty kinh doanh dưới giá vốn.

Trong năm 2021, lợi nhuận gộp giảm 379,7 tỷ đồng về âm 5,56 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 93,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 266,33 tỷ đồng về 18,8 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 73,7%, tương ứng giảm 66,12 tỷ đồng về 23,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 74,9%, tương ứng tăng thêm 205,47 tỷ đồng lên 479,82 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

OCH tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho và chi phí quản lý doanh nghiệp (Nguồn: BCTC).
OCH tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho và chi phí quản lý doanh nghiệp 

Như vậy, trong kỳ, ngoài kinh doanh dưới giá vốn, doanh thu tài chính giảm mạnh và đặc biệt chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh chính là nguyên nhân chính dẫn tới lỗ kỷ lục từ năm 2015 tới nay.

Được biết, năm 2014, Công ty ghi nhận lỗ kỷ lục 867 tỷ đồng.Đây là giá trị lỗ cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Với việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là lỗ 441,86 tỷ đồng đã nâng lỗ lũy kế tới 31/12/2021 từ 387,99 tỷ đồng lên 829,85 tỷ đồng và bằng 41,5% vốn điều lệ.

Không chỉ lỗ kỷ lục trong năm 2021, dòng tiền kinh doanh chính còn ghi nhận âm 120,9 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 63,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 29,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 19,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của One Capital Hospitality giảm 18,2% so với đầu năm, về 2.216,7 tỷ đồng.

Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 700,7 tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 448,1 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 366,5 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 243,2 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản và các tài sản khác.

Điểm đáng lưu ý, trong năm 2021, Công ty đã tăng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi thêm 299,8 tỷ đồng lên 1.246 tỷ đồng; tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thêm 102,3 tỷ đồng lên 102,3 tỷ đồng (đầu năm không trích lập giảm giá tồn kho).

Kiểm toán đưa ra 3 vấn đề cần nhấn mạnh trong Báo cáo tài chính năm 2021

Theo đó, Kiểm toán năm 2021 đã nêu ra 3 vấn đề cần nhấn mạnh trong Báo cáo tài chính năm 2021.

Thứ nhất, công ty con của One Capital Hospitality là Công ty TNHH Sao Hôm Nha Trang đã bán khoản nợ phải thu của Tràng Tiền Nha Trang giá trị trên 8,11 tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi của các khoản nợ này được xác định căn cứ vào khả năng thu hồi từ việc bán nợ nêu trên.

Thứ hai, Công ty cũng bán khoản nợ của CTCP Du lịch và Xúc tiến Đầu tư và CTCP Đầu tư Phát triển Bình An với giá trị lần lượt 1 tỷ và hơn 404,7 triệu đồng. Việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi của các khoản nợ này được xác định căn cứ vào khả năng thu hồi từ việc bán nợ nêu trên.

Thứ ba, Kiểm toán cũng lưu ý Dự án Khách sạn Airport tại quận Tân Bình, TP HCM đang được thế chấp để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long với giá trị dự phòng (được xác định trên cơ sở số dư gốc) là hơn 218 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021, sau khi bù trừ với số phải trả Công ty TNHH Pegasus Thăng Long số tiền 116 tỷ đồng.

Theo giải trình của One Capital Hospitality, các khoản nợ phải thu khó đòi trên phát sinh trong giai đoạn 2012 - 2014. Đầu tháng 6/2022 vừa qua, công ty mẹ và đơn vị thành viên đã đồng thuận bán các khoản nợ phải thu khó đòi nói trên.

Liên quan đến dự án khách sạn tại quận Tân Bình, One Capital Hospitality cho biết, Công ty và Pegasus Thăng Long có thỏa thuận hợp tác tại Dự án Sài Gòn Airport Plaza. Đến năm 2014, One Capital Hospitality dùng tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai của Sài Gòn Airport Plaza để đảm bảo cho khoản vay của Pegasus tại Ngân hàng OceanBank. Sau khi đấu giá khoản nợ này, chủ mới đã có toàn quyền trở thành người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ cả Pegasus đối với OceanBank.

Được biết, tháng 5/2022, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra quyết định của bản án phúc thẩm về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa OceanBank, chủ nợ mới, trong đó Pegasus và One Capital Hospitality là bên liên quan. One Capital Hospitality khẳng định thời gian tới sẽ tham gia vào các phiên tòa, nếu có, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Công ty trong vụ việc trên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/6, OCH có mức giá tham chiếu là 9.700 đồng/cổ phiếu.

Tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính, cổ phiếu OGC chỉ giao dịch phiên chiều từ 9/6
Từ ngày 9/6, OGC chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư